Thứ 5, 28/03/2024 22:35:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:33, 28/03/2018 GMT+7

Xây dựng ngành điều thành ngành kinh tế then chốt

Thứ 4, 28/03/2018 | 15:33:00 285 lượt xem
BP - Những thập niên cuối của thế kỷ XX, cây điều đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng sâu, vùng xa Bình Phước bỏ tập tục du canh, chuyển đổi cây trồng ngắn ngày qua cây công nghiệp và sống định canh định cư. Thời gian này, công nghiệp chế biến điều ra đời gắn với vùng nguyên liệu “thủ phủ” điều Bình Phước. “Trả ơn” cây điều, Đảng bộ tỉnh Bình Phước quyết tâm xây dựng nghị quyết phát triển ngành điều bền vững. Xây dựng ngành điều Bình Phước tương xứng tiềm năng của vùng nguyên liệu “số 1” thế giới là định hướng phù hợp với tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.

Chúng tôi đã lược ghi những ý kiến đóng góp  của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp của tỉnh tại hội thảo góp ý xây dựng nghị quyết phát triển ngành điều Bình Phước bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diễn ra ngày 20-3 vừa qua.

ĐỂ NÔNG DÂN GẮN BÓ VỚI CÂY ĐIỀU

Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) Nguyễn Đức Thanh cho rằng, hạt điều Bình Phước đã tạo thương hiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước “khi nói đến hạt điều là nghĩ đến Việt Nam, nghĩ đến Bình Phước...”. Mất mùa điều chủ yếu là do biến đổi khí hậu mùa khô 2015-2016, hạn hán lịch sử xảy ra dẫn đến mực nước ngầm giảm sâu, cây điều khô héo vì thiếu nước nên không ra hoa đậu trái. Mùa khô 2016-2017, mưa nhiều nên điều không rụng lá và phân hóa chồi non để ra hoa. Biến đổi khí hậu cũng đã làm phát sinh bọ xít muỗi, bệnh thán thư hoành hành gây tổn thương “sức khỏe” cây điều. Mùa điều năm nay nông dân “chưa kịp cười” với những tín hiệu được mùa thì từ trung tuần tháng 3 mưa trái mùa liên tục xảy ra, nhiều vườn điều đã và đang có hiện tượng cháy hoa (đợt 2), teo trái. Cùng với đó, hiện tượng sâu đục trái xuất hiện làm giảm chất lượng hạt điều...

Toàn cảnh hội thảo góp ý xây dựng Nghị quyết phát triển ngành điều Bình Phước

Tại hội thảo, các nhà khoa học, doanh nghiệp đều cho rằng để nông dân gắn bó với cây điều, tạo thành vùng nguyên liệu bền vững thì hiệu quả kinh tế từ cây điều là yếu tố quyết định. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của nông dân để chuyển từ quảng canh sang thâm canh trong tái canh, trồng mới và chăm sóc cây điều. Đầu tư chăm sóc cây điều khoa học về bón phân, xịt thuốc đúng, đủ. Đồng thời vận động nông dân trồng xen các loại cây như ca cao và nuôi gia súc, gia cầm dưới tán điều để tăng hiệu quả kinh tế... Theo đó, xây dựng nghị quyết phải mang tính thực tiễn cả về số liệu tăng diện tích, năng suất bình quân... Cụ thể, về diện tích khó tăng vì đất là của nông dân và họ có quyền lựa chọn cây trồng. Đưa năng suất bình quân 2 tấn/ha vào năm 2020 không phù hợp trong hoàn cảnh cây điều nhạy cảm với biến đổi khí hậu cực đoan. Tuy nhiên, ở những vùng đất đỏ bazan nhiều mô hình trồng điều hiệu quả năng suất đạt trên 2 tấn/ha, cần được nhân rộng.

Bình Phước là thủ phủ cây điều, nếu nông dân không sống được với cây điều, làm giàu từ cây điều thì chính quyền sẽ có lỗi rất lớn với dân. Chúng tôi xin tiếp thu hoàn toàn các ý kiến xác đáng tại hội thảo. Tôi đề nghị Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉnh sửa, xây dựng nghị quyết sát tình hình thực tế đi vào thực tiễn nhằm thay đổi diện mạo để ngành điều trở thành ngành kinh tế then chốt của Bình Phước...        

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh nói.

40 năm hoạt động và có nhiều đóng góp cho ngành điều, tiến sĩ Phạm Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều Việt Nam (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho rằng: Tỉnh cần tuyển chọn những giống điều tốt của nông dân tùy thổ nhưỡng để nhân lên, không cần thiết phải nhập giống điều nước ngoài. Việc quy hoạch diện tích đất trồng điều nên cân nhắc không tăng về số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng và năng suất. Chúng tôi mong muốn tỷ lệ thu hồi nhân điều càng cao, chất lượng sẽ càng tốt. Thế giới không chọn công nghệ cao để phát triển cây lâu năm, tỉnh phải sử dụng công nghệ phù hợp cho cây điều và tổng kết, đánh giá nhằm lựa chọn vùng canh tác tối ưu. Điều chưa được đưa vào sản phẩm chủ lực quốc gia nên không thể đề xuất chính sách đặc thù ngành điều mà chỉ có thể rà soát hệ thống chính sách để bổ trợ ngành điều phát triển bền vững.

Ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều Việt Nam trăn trở: Nông dân vùng sâu vẫn rất quan tâm tăng năng suất vườn điều để cải thiện cuộc sống nhưng vẫn chưa đúng mức. Vì thế, ngành chức năng rà soát thu thập thông tin thực tế, tăng cường tuyên truyền đúng đối tượng để áp dụng các giải pháp kịp thời nhằm thâm canh đúng hướng. Tỉnh và ngành chức năng tăng cường kiểm soát các cơ sở bán giống. Hiện tại sự nhầm lẫn giống đến 30-40%, người nông dân chịu thiệt vì trồng 3 năm mới phát hiện chọn giống sai, năng suất, chất lượng thấp. Tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp kiểm soát chặt chẽ vườn ươm và cơ sở bán giống. Với cơ sở không có giấy phép không cho sản xuất giống đại trà. Ngành điều từng bước hướng tới xu thế trồng theo hữu cơ ở vùng rộng lớn, vì nếu diện tích nhỏ sâu bệnh sẽ tràn đến tấn công, khi khu vực xung quanh xịt thuốc bảo vệ thực vật...

 SẢN PHẨM PHẢI bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 

Là thủ phủ của cây điều nên Bình Phước tập trung nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến với sản lượng chiếm khoảng 60% sản lượng chế biến ngành điều Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có khoảng 226 DN và 328 cơ sở chế biến điều tập trung tại vùng nguyên liệu Bù Đăng, Phước Long, Bù Gia Mập nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 500 triệu USD và đóng góp gần 25% trong tổng số GDP của ngành nông nghiệp. Doanh nhân, DN tiên phong trong ngành điều có chiến lược kinh doanh bài bản, có năng lực tài chính ở Bình Phước mới chỉ trên đầu ngón tay. DN đông nhưng chưa mạnh, chủ yếu thực hiện công đoạn chẻ hạt điều gia công cho các DN lớn ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Long An.

Dây chuyền sản xuất chế biến điều của Công ty TNHH SX-TM Phúc An (phường Phước Bình, thị xã Phước Long)

Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH SX-TM Phúc An (phường Phước Bình, thị xã Phước Long) mong muốn nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về ngành điều phải bao hàm cả ngành chế biến, nghiên cứu, ngoài thực phẩm có thể nghiên cứu làm dược phẩm, mỹ phẩm; nghiên cứu sử dụng dầu điều, vỏ hạt điều, trái điều. Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 (Bù Đăng) kiến nghị: DN không yêu cầu hỗ trợ vốn để kinh doanh mà mong tỉnh tạo điều kiện tốt hơn, thông thoáng hơn về mặt chính sách cho các DN chế biến phát triển.

Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh khẳng định, điều là thực phẩm, trong đó 95% xuất khẩu chủ yếu sang thị trường các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản nên chất lượng nhân điều và an toàn vệ sinh thực phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn nước ngoài. Do đó, ngành điều phải sản xuất khép kín từ khâu nguyên liệu đến chế biến. Ông Thanh gợi ý, Bình Phước nên có khu công nghiệp dành cho DN chế biến điều thuê với giá hợp lý để tập trung DN trong tỉnh, đồng thời thu hút nhà đầu tư có tiềm năng vốn, giỏi về quản trị DN đến xây dựng nhà máy chế biến hiện đại để chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu hạt điều...

P. - T. Ly

  • Từ khóa
93517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu