Thứ 6, 26/04/2024 05:47:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:57, 31/05/2015 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới từ sửa đổi tác phong làm việc

Chủ nhật, 31/05/2015 | 09:57:00 244 lượt xem
BP - Không phải là xã điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhưng Tân Khai, huyện Hớn Quản đã đạt được 11/19 tiêu chí. 86,4% cán bộ đạt chuẩn. Bất kỳ người dân nào đến liên hệ công việc tại xã cũng hài lòng khi ra về. Những đường làng nhỏ hẹp trở nên thênh thang. Bộ mặt nông thôn của xã Tân Khai đã thật sự thay đổi nhờ ý Đảng hợp lòng dân.

CHỦ TỊCH XÃ “ĐI XIN”

Sau khi huyện Hớn Quản được tái lập, Tân Khai trở thành xã trung tâm của huyện. Số dân trên địa bàn xã hiện đã tăng đến 12.728 người. Chỉ riêng việc chứng thực mỗi ngày đã “mất đứt” một lãnh đạo. Toàn xã có 22 cán bộ, trong đó 19 cán bộ đã đạt chuẩn. Mọi phòng làm việc riêng của các cán bộ, công chức, viên chức đều không được trang bị máy lạnh, chỉ bộ phận một cửa của xã được trang bị quạt máy, máy lạnh và bàn ghế khang trang. Bởi đây là nơi dân đến liên hệ công việc, phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dân.

Đường ấp 1 đi ấp 2 dài 1,7km được người dân đóng góp kinh phí và hiến đất để nâng cấp mở rộng từ 6m lên 18m

Năm 2013, trên địa bàn xã có đến 19 cơ sở đốt than. Mỗi cơ sở được người dân đầu tư vài trăm triệu đồng. Số tiền đầu tư ấy là công sức lẫn mồ hôi của dân, là miếng cơm manh áo, là sự sống của người dân. Ai cũng biết, ngay cả người dân cũng biết mỗi khi lò than hoạt động sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do vậy mà việc di dời các cơ sở đốt than là điều tiên quyết phải làm, dù thật khó. Để giải quyết cái khó ấy, xã Tân Khai đưa ra chủ trương vận động thuyết phục gắn với việc tuyên truyền giáo dục bằng pháp luật theo từng giai đoạn. Khác với cách làm bằng cách tập trung các đoàn thể thành đoàn, nhóm đi vận động, các thành viên của mỗi đoàn thể trong xã thay nhau đi vận động. Trong giờ hành chính đi vận động không được thì đi ngoài giờ. Sáng đến nhà dân không gặp thì chiều đến, chiều đến không gặp thì tối đến.

Dẫn đầu cách làm này không ai khác chính là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Kiện. Bất kể sớm hôm, nắng hay mưa, mỗi khi có thể là anh đi về với dân. Mỗi chuyến đi về ấy, anh nghe nhiều, hiểu nhiều từ thực tiễn cuộc sống của người dân. Trong mỗi chuyến đi ấy không chỉ vận động việc di dời lò đốt than mà còn kết hợp xin đất, xin cây, xin tiền của dân để làm đường giao thông nông thôn cho dân. “Mỗi mét đất mặt tiền của xã Tân Khai hiện nay không phải ít tiền, mỗi cây ăn trái không phải dễ mà có được. Chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng thấp một chút đã bị dân khiếu nại, khiếu kiện nói gì đến chuyện đi xin. Đi xin thì phải biết hạ mình, phải biết cách xin và điều tối quan trọng là phải biết giải thích cho dân hiểu xin cái gì, xin để làm gì. Từ đó dân sẽ cho, sẽ ủng hộ” - Chủ tịch Nguyễn Văn Kiện khẳng định.

LÒNG DÂN RỘNG MỞ

Chỉ sau 1 năm “đi xin” của cán bộ, 19 cơ sở đốt than tồn tại khá lâu trên địa bàn xã Tân Khai đã đồng thuận di dời, chuyển đổi nghề, không một lời oán trách. Chưa dừng lại ở đó, tất cả những đường làng nhỏ hẹp giờ đã được người dân mở rộng khang trang. Mới năm ngoái, tuyến đường liên ấp từ ấp 1 đến ấp 2 dài 1,7km, rộng chừng 6m nhưng hiện đã được mở rộng đến 18m. Toàn bộ cây trồng, vật kiến trúc lẫn diện tích đất để mở rộng tuyến đường đều do dân tự nguyện hiến tặng. Riêng năm 2014, người dân các ấp 1, 2, 5, 7 của xã Tân Khai đã đóng góp 739 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa, mở rộng 6,145km đường giao thông nông thôn. Trong tổng số 1 tỷ 649,5 triệu đồng đầu tư, nâng cấp mở rộng 2.850m đường giao thông nông thôn từ năm 2010 đến 2014 chỉ có 719 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách, số còn lại 930,5 triệu đồng do dân đóng góp. “Đó mới chỉ là con số thống kê về tiền do dân đóng góp, nếu cộng cả diện tích đất đai, cây trồng và vật kiến trúc thì giá trị lên đến 9 tỷ đồng” - Chủ tịch Nguyễn Văn Kiện nhấn mạnh.

“Muốn thay đổi được bộ mặt nông thôn, trước hết phải thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức. Cán bộ phải chịu thương chịu khó, tận tụy với công việc mới mong huy động được sức mạnh tổng hợp trong dân”.

Chủ tịch UBND xã Tân Khai, Nguyễn Văn Kiện

Chợ cũng là một trong những tiêu chí khó mà xã Tân Khai phải đối mặt trong nhiều năm qua. Tình trạng người dân tràn ra khỏi chợ, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán trở thành chuyện “biết rồi, nói mãi”. Để khắc phục tình trạng này, xã cho chủ trương ứng vốn tiểu thương để xây dựng nhà lồng 3, khu ăn uống và khu tạp phẩm. Chỉ vài tháng huy động, các tiểu thương đã đóng góp 647 triệu đồng để đầu tư, nâng cấp sửa chữa chợ Tân Khai. Toàn bộ vốn của tiểu thương đóng góp được khấu trừ vào phí chợ hàng tháng. Nhờ nguồn vốn này mà xã Tân Khai không chỉ khắc phục được tình trạng lấn chiếm lòng lề đường mà còn tạo điều kiện cho các tiểu thương khó khăn có được nơi buôn bán ổn định. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy trong khu vực chợ gồm 20 bình xịt và 1 máy bơm nước chuyên dụng trị giá 44 triệu đồng đều huy động từ sức dân.

Một trong những điểm nhấn của xã Tân Khai hiện nay là 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn. Cách đây 4 năm, Tân Khai là một trong những xã khiếu nại nhiều về tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất. Thế nhưng trong 2 năm gần đây, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn, thường xuyên tăng đột biến. Năm 2013, số hộ sử dụng điện của xã chỉ đạt 98%, năm 2014 tăng lên 99,2% và hiện đã đạt 100%. Một trong những giải pháp để giúp Tân Khai sớm hoàn thành tiêu chí về điện là phát huy được sức dân. Ngoài việc vận động người dân đóng góp xây dựng mới các tuyến đường điện, các tuyến đường này do dân tự thiết kế, đầu tư trước đây đều được chính quyền vận động nhân dân bàn giao cho ngành điện lực. Sau khi bàn giao, toàn bộ 52km đường dây hạ thế và 31,4km đường dây trung thế trên địa bàn xã đều đạt chuẩn. Nhờ hệ thống đường điện đảm bảo chất lượng đã giúp 2.997/2.997 hộ dân xã Tân Khai có điện sử dụng an toàn và thường xuyên.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
53806

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu