Thứ 6, 19/04/2024 11:00:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:37, 12/07/2015 GMT+7

Xây dựng NTM: Đích đến còn xa (Bài cuối)

Chủ nhật, 12/07/2015 | 10:37:00 235 lượt xem

BP - Xây dựng nhà văn hóa xã, thôn ấp đạt chuẩn là tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là tiêu chí thiết thực đáp ứng nhu cầu hội họp, tạo môi trường giao lưu văn hóa - văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, để xây được nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang là vấn đề “đau đầu” của các địa phương, nhất là vốn và quỹ đất khi thực hiện. 

GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ SỐ 6

SỨC DÂN KHÔNG ĐỦ

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh có 744 nhà văn hóa thôn, ấp; 111 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn và 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh. Trong đó, hầu hết các nhà văn hóa cấp xã đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có 25% nhà văn hóa thôn, ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Số còn lại do thiếu diện tích, nhiều nhà văn hóa đã xuống cấp hoặc thiết kế, cơ sở vật chất không đạt chuẩn. Ngoài ra nhiều thôn, ấp lâu nay vẫn không có nhà văn hóa, mỗi lần tổ chức họp đều phải nhờ nhà dân hay trường học.

Xã Tân Thành (Bù Đốp) là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, xã mới có 5/8 ấp có nhà văn hóa. Ông Trần Ngọc Hỷ, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Những năm qua, Tân Thành đã cho thôn được thu từ quy định chương trình xây dựng NTM trong dân để mua đất xây nhà văn hóa phục vụ nhân dân. Nhờ vậy, 2 ấp Tân Phong và Tân Lập đã mua được đất, đang chuẩn bị xây dựng. Riêng ấp Tân Phú do nằm sát đường, người dân chủ yếu là tiểu thương, không có diện tích vườn nên rất khó mua được đất. Hiện ấp vẫn chưa có nhà văn hóa, mỗi khi họp dân đều tổ chức tại nhà ông trưởng ấp. Chúng tôi đang vận động người dân đóng góp để mua đất xây nhà văn hóa.

Nhà văn hóa thôn 7, xã Long Giang đã đạt chuẩn do có nguồn kinh phí sửa chữa

Không chỉ xã Tân Thành mà các xã khác cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí này. Bà Trần Thị Phương Linh, Phó chủ tịch UBND xã Long Giang (Phước Long) cho biết: “5 thôn trên địa bàn xã đã có nhà văn hóa, nhưng hầu hết là nhà cấp 4, được xây dựng từ lâu nên bị xuống cấp. đạt chuẩn là do vừa được sửa chữa, làm sân bê tông 200 triệu đồng”.

CẦN SỰ HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC

Theo đánh giá của đại diện Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bình Phước: “Đa số các thôn, ấp và các xã đã có nhà văn hóa nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Do mức đạt theo quy định quá cao. Nhiều xã đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của dân về cơ sở vật chất văn hóa nhưng so với quy định vẫn chưa đạt. Cơ sở vật chất tại hội trường các thôn, ấp hiện đã xuống cấp cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và mua sắm thêm trang thiết bị. Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1481/UBND-KTN, ngày 21-5-2015 về việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM. Trong đó yêu cầu các sở, ngành liên quan xem xét những khó khăn để tham mưu UBND tỉnh giải quyết đúng quy định”.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, toàn tỉnh chỉ có 1/92 xã xây dựng NTM hoàn thành tiêu chí về thiết chế cơ sở văn hóa. Riêng 20 xã điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, có tổng cộng 167 thôn, ấp, nhưng tính đến nay mới có 154 thôn, ấp có nhà văn hóa đang duy trì hoạt động, còn 13 thôn, ấp vẫn chưa có nhà văn hóa (chiếm 7,8%).

Để giải quyết khó khăn trong tiêu chí số 6, đầu tháng 6 vừa qua, Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng và các ngành liên quan đã thống nhất ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà văn hóa thôn, ấp. Hồ sơ thiết kế nhà văn hóa phải nghiên cứu công năng, hình thức kiến trúc và kết cấu. Ngoài ra, việc ban hành thiết kế mẫu điển hình còn giúp các xã tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn đảm bảo nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL (tức đảm bảo 80 chỗ ngồi và có sân khấu 25m2).

Ông Võ Tất Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Trước đây, tùy vào nguồn kinh phí của các đơn vị và sự huy động trong nhân dân nên các xã xây dựng nhà văn hóa có quy mô khác nhau. Trong đó, nhiều nhà văn hóa được xây theo hình thức nhà rông, chủ yếu ở các ấp, thôn tập trung đồng bào dân tộc thiểu số hoặc một số nhà văn hóa xây dựng quá lâu, nay đã xuống cấp, cơ sở vật chất bị hư hỏng không đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Vì vậy, khi có mẫu chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã xây nhà văn hóa thôn, ấp đạt chuẩn nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí và và quỹ đất”. Hiện Sở Xây dựng đang hoàn thiện bản thiết kế và trình UBND tỉnh phê duyệt để áp dụng. Dự tính, theo mẫu thiết kế chung này, nhà văn hóa thôn đạt chuẩn chỉ có kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Đây sẽ là một lợi thế cho các địa phương đẩy nhanh tốc độ xây dựng tiêu chí số 6 trong bộ tiêu chí NTM.

Thùy Hương

  • Từ khóa
53822

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu