Thứ 7, 20/04/2024 14:13:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:30, 29/09/2015 GMT+7

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Thứ 3, 29/09/2015 | 10:30:00 84 lượt xem

BP - Hiệp hội Cao su Việt Nam vừa đăng ký thành công nhãn hiệu “Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber”. Đây là một trong những bước khởi đầu để xây dựng thương hiệu cao su nước nhà. Cho dù thời điểm này giá mủ cao su đang chạm đáy nhưng đây thực sự là tin vui không chỉ với riêng Hiệp hội Cao su, mà là niềm vui chung của toàn ngành cao su, trong đó có rất nhiều người trồng, chế biến cao su ở Bình Phước. Bởi khi được dán nhãn hiệu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp và phát triển “Cao su Việt Nam” thành thương hiệu mạnh. Theo đó, người trồng cao su ở Bình Phước cũng sẽ được hưởng lợi.

Nói đến thương hiệu là nói đến chất lượng, uy tín của sản phẩm, hàng hóa được người tiêu dùng tin dùng, ưa chuộng. Sức mạnh của thương hiệu to lớn đến mức đôi khi làm cho người tiêu dùng trở nên mù quáng, hễ nghe đến tên hàng hóa ấy là bỏ tiền ra mua không đắn đo, tính toán. Có những thương hiệu xuyên quốc gia, chi phối người tiêu dùng trên nhiều mặt và đôi khi người ta còn lấy những thương hiệu nổi tiếng để “đo” giá trị con người. Chả thế mà có những ngôi sao không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu những chiếc túi xách nhãn hiệu Chanel hay những chiếc đồng hồ hiệu Rolex Day Date bằng vàng trị giá gần 500 triệu đồng... Cũng từ những cơn “sốt” hàng hiệu mà sinh ra nạn làm hàng nhái, hàng giả tràn lan.

Người Việt Nam tự hào vì có những sản phẩm hàng hóa khá nổi tiếng. Thương hiệu của những hàng hóa ấy không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn nổi tiếng ở ngước ngoài. Đó là cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, tơ lụa Hà Đông, hạt điều Bình Phước... Ý thức và niềm tự hào về thương hiệu Việt đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp, doanh nhân vươn lên trong sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, có sức cạnh tranh cao. Để có được thương hiệu, nhiều doanh nghiệp đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Chính vì thế, những năm gần đây, rất nhiều nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao như sữa Việt Nam - Vinamilk, Súc sản Vissan, bánh kẹo Kinh Đô, đường Biên Hòa... không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ngay cả thị trường trong nước, những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực sự chiếm ưu thế, cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài ngay trên sân nhà.  

Cùng với xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại, Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các thể chế kinh tế quốc tế. Trong quá trình này, các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để đứng vững hơn, trong đó xây dựng và phát triển thương hiệu là con đường tất yếu mà doanh nghiệp cần hướng tới. Thương hiệu là tài sản của doanh nghiệp, là thành quả mà doanh nghiệp tạo dựng được trong suốt quá trình hoạt động của mình. Sự nổi tiếng của thương hiệu là sự đảm bảo cho lợi nhuận tiềm năng của doanh nghiệp.

Ở nước ta, dù đã nhận biết tầm quan trọng của thương hiệu, song mới chỉ có một tỷ lệ khiêm tốn số doanh nghiệp đầu tư cho thương hiệu. Một số doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu nhưng chưa có chiến lược dài hơi. Phát triển thương hiệu đã khó, giữ vững thương hiệu càng khó hơn. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp mà cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát các mặt hàng đã có thương hiệu nhằm chống hàng giả, hàng nhái.

Thương hiệu Việt là khuôn mặt của sản xuất - kinh doanh, là niềm tự hào và góp phần to lớn để chấn hưng dân tộc!

Linh Tâm

 

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu