Thứ 7, 27/04/2024 08:11:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:34, 17/10/2015 GMT+7

Xin đừng “vơ đũa cả nắm”

Thứ 7, 17/10/2015 | 09:34:00 263 lượt xem

BP - Những ngày qua là thời điểm không hề “dễ thở” với các trường mầm non và cả những người làm trong ngành giáo dục. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, bài bình luận về những clip bảo mẫu, giáo viên mầm non trói tay chân, nhét giẻ vào miệng, đánh đập trẻ, để trẻ bốc rác ăn, hay cho một trẻ khác đứng lên đánh, tát một bé bị phạm lỗi...

Chỉ cần gõ vài từ khóa liên quan trên Google đã có hàng trăm tin, bài, phản ánh, góp ý... hiện ra.

Trong hệ thống giáo dục quốc dân, mầm non là bậc học đầu tiên, có vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới phương pháp giảng dạy; cải tiến chế độ tiền lương đối với giáo viên mầm non; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục... Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, sự đầu tư chưa thực sự tương xứng, nhất là chế độ lương, thưởng, đãi ngộ cho những người công tác trong bậc học mầm non.

Những ai có con từ 3-6 tuổi mới thấu hiểu được sự cực nhọc, vất vả của các giáo viên mầm non. Thường thời gian làm việc của họ từ 6 giờ sáng đến 17 giờ 30 phút mỗi ngày. Hiếm có giáo viên mầm non nào buổi trưa được “chợp mắt”, vì phải canh chừng, vỗ về các bé. Chỉ một bé khóc, hay nhảy mũi là tất cả đều nhao nhao. Ở những trường điểm, trường chuẩn, nằm ở thành phố, thị xã, thị trấn thời gian trên lớp của giáo viên mầm non kéo dài hơn, chưa kể hội họp, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và trăm thứ việc không tên khác. Trung bình mỗi cô phải chăm sóc, giáo dục... ít nhất 10 trẻ trở lên, tất tần tật từ ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân... đến dạy múa, dạy hát, dạy chữ, dạy vẽ cho các bé. Trong khi đó, mức lương bình quân của mỗi giáo viên, bảo mẫu mầm non hiện chỉ 1,2-3 triệu đồng/người/tháng. Chương trình giáo dục liên tục đổi mới cũng đồng nghĩa với áp lực ngày càng tăng về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên mầm non. Muôn vàn áp lực mà mỗi giáo viên ở bậc học này phải đối diện. Ngoài áp lực của chính gia đình khi thời gian dành cho chồng con thì ít mà “con người khác” lại nhiều, còn sự thiếu thông cảm của một số phụ huynh. Chỉ cần một vết xước, vết cào trên người, hay bé đi học về kể bị bạn đánh, cô la là đã có chuyện. Vì vậy, vụ đánh đập trẻ ở Trường mầm non Phương Anh (TP. Hồ Chí Minh) đến vụ bạo hành ở Trường mầm non Sơn Ca (Quảng Bình) và mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip hơn 2 phút ghi lại cảnh tượng cô giáo mầm non cho một trẻ khác đứng lên đánh, tát một bé phạm lỗi trong giờ học được cho là ở thành phố Hà Nội càng làm cho xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về các bảo mẫu và giáo viên mầm non. Cộng với cách bình luận, đưa tin dồn dập, mang tính câu khách, quá đà của mạng xã hội và một số tờ báo đã khiến sự việc trở thành hiện tượng mang tính phổ biến. Một giáo viên mầm non ở thị xã Đồng Xoài than thở với người viết: “Áp lực như vậy chắc em bỏ nghề quá!”.

Thật đáng tiếc khi trong xã hội, nhất là trong môi trường giáo dục lại có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể bao biện cho những hành vi phi giáo dục và “những con sâu” này phải được xử lý thật nghiêm. Qua những vụ việc trên cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, nhất là giáo dục ngoài công lập của chính quyền địa phương và ngành giáo dục. Tuy nhiên, dư luận cũng không nên “vơ đũa cả nắm”, có cách nhìn tiêu cực, phiến diện về giáo dục mầm non. Rất nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết, đang hằng ngày, hằng giờ vì sự nghiệp trồng người, chăm lo cho những “mầm non tương lai” của đất nước. Hãy động viên để họ tiếp tục cống hiến.

Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu