Thứ 5, 18/04/2024 07:29:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:52, 26/08/2016 GMT+7

Xin lỗi dân có khó?

Thứ 6, 26/08/2016 | 09:52:00 151 lượt xem

BP - Ngày 17-8, phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xin lỗi người dân khi đoàn xe hộ tống đi vào tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hội An. “Thủ tướng đi bộ vào phố đi bộ cả cây số rồi nhưng phía sau cả đoàn xe vẫn đi theo. Thủ tướng không biết nhưng Thủ tướng vẫn nhận lỗi, xin lỗi người dân để người dân thông cảm vì đó là trách nhiệm quán xuyến của Thủ tướng”. Lời xin lỗi của người đứng đầu Chính phủ tác động mạnh mẽ đến dư luận, khởi đầu cho một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân.

Chuyện xin lỗi công dân không còn quá xa lạ với bộ máy công quyền ở nước ta hiện nay, khi mọi cấp, ngành đang đẩy mạnh Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Từ năm 2012, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo về thực hiện thư xin lỗi dân khi không giải quyết đúng hẹn hồ sơ theo quy định. Trong đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải ký thư xin lỗi, chứ không giao cho cấp dưới nhận thay. Tiếp đó, nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện thư xin lỗi công dân như: Đà Nẵng, Bình Định, Đồng Tháp... Có địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã tự tay viết giấy xin lỗi công dân về sự chậm trễ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Điển hình như thành phố Đà Nẵng, ngoài việc thực hiện thư xin lỗi, cán bộ, công chức còn xuống tận nhà dân xin lỗi. Nếu công chức, viên chức trực tiếp giải quyết hồ sơ để chậm hồ sơ từ 2 lần trở lên mà không có lý do chính đáng, tùy theo mức độ vi phạm bị xem xét xử lý hoặc thay đổi vị trí công tác.

Trong chuyến công tác ngày 11-8 vừa qua, người viết được ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thực hiện cải cách hành chính, Đồng Tháp đã thực hiện thành công các mô hình: “Nụ cười công sở”, “3 trong 1”, “Ngày thứ sáu nghe dân nói”, “Đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân đối với công chức”. Đồng Tháp cũng thực hiện nghiêm túc quy định không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần trong suốt quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính. Đặc biệt là gửi thư xin lỗi khi để xảy ra sai sót, quá hạn trong giải quyết hồ sơ. Việc thực hiện đăng, gửi thư xin lỗi công dân vì giải quyết hồ sơ trễ hẹn hoặc sai sót của cán bộ, công chức được người dân đồng tình và mang lại hiệu ứng tích cực. Qua đó cũng đánh vào lòng tự trọng của cán bộ, công chức, viên chức, vì vậy tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn ngày càng tăng. Đây cũng là một trong những động lực để năm 2015, Đồng Tháp đứng thứ nhì cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI); xếp thứ 8 toàn quốc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 2 hạng so với năm 2014. Trong đó có những chỉ số PAPI thay đổi rất tích cực như: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai - minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân (đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố); thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công...

Xin lỗi không quá khó và đây là tín hiệu đáng mừng khởi đầu cho một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân. Điều quan trọng là sau lời xin lỗi có thật sự hành động sửa sai để làm tốt hơn và không phải tiếp tục xin lỗi. Người dân luôn mong lời xin lỗi đó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, thực sự mang tính cầu thị, thấm nhuần 3 xin: “Xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn” như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị nói trên.

* Bài viết có sử dụng thông tin của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Đồng Tháp online.

 Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu