Thứ 6, 29/03/2024 18:00:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:46, 15/09/2017 GMT+7

Xóa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS: Cần có giải pháp quyết liệt

Thứ 6, 15/09/2017 | 15:46:00 439 lượt xem
BP - Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số (DTTS) với 193.860 người (20,14% số dân toàn tỉnh). Đồng bào DTTS cư trú đan xen trên địa bàn 107/111 xã, phường, thị trấn, đa số ở khu vực biên giới, vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tác động của cuộc sống không thuận lợi cùng hủ tục của đồng bào DTTS đang làm công tác tuyên truyền xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thêm gian nan và chưa tìm được giải pháp bền vững.

Cũng từ nghèo khó...

Già làng Điểu Tuông (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản) từng tham gia tuyên truyền người dân không tổ chức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tuy nhiên, theo già làng cho biết, đây là việc khó, nói nhiều còn bị đồng bào ghét!

Bà Điểu Thị Nhiên (1966), ở tổ 1, ấp Bù Tam, xã Hưng Phước (Bù Đốp) cho biết: “Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ngoài nhận thức còn do ảnh hưởng của mạng xã hội. Bọn trẻ yêu đương, quan hệ sớm dẫn đến có thai, phải cưới chạy. Số khác thì do nhà nghèo mà thách cưới của đồng bào cao nên cho lấy người trong họ để đỡ được mối lo này...”.

Tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại xã An Khương (Hớn Quản) - Ảnh: Như Nam

Qua thực tế rà soát, xác minh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Bình Phước tập trung cao ở các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào DTTS. Từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có 159 trường hợp tảo hôn, 42 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu ở đồng bào dân tộc S’tiêng, Mơnông tại các huyện biên giới, vùng xa như: Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng... Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, trong năm 2015, có 15 trường hợp người DTTS kết hôn cận huyết (chiếm 0,53%), tập trung ở Bù Đăng với 9 trường hợp đồng bào S’tiêng, 2 Mơnông và 4 Mông.

Ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chia sẻ: “Không thể phủ nhận nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, nâng cao đời sống vùng DTTS. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường học vùng DTTS được tăng cường; hệ thống trường DTTS ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ vùng DTTS và miền núi nhìn chung thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến việc tuyên truyền chính sách, pháp luật trong vùng đồng bào DTTS chưa đạt kết quả mong muốn”.

Song song đó, tình trạng sang nhượng, cầm cố đất sản xuất, lừa đảo chiếm đoạt tài sản vùng đồng bào DTTS diễn ra phức tạp, trong khi trình độ dân trí thấp, bà con bị động trong tiếp nhận thông tin pháp luật nên càng khiến nghèo và các hủ tục xoáy vào vòng luẩn quẩn. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chủ yếu lồng ghép vào các chương trình khác nên quy mô tuyên truyền không rộng và giới hạn về đối tượng tiếp nhận. Từ đó kết quả tuyên truyền nhằm xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đạt thấp.

Gian nan nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Từ năm 2012, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với mong muốn từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho 550 người DTTS về các quy định pháp luật có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng như hậu quả, tác hại và những hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết gây ra. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh còn biên soạn 3 chuyên đề hệ thống hóa văn bản pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình làm tài liệu tập huấn, tuyên truyền; phát hành 2.500 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Từ khi được giao là đơn vị thường trực thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu xây dựng mô hình thí điểm “Can thiệp tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2018” áp dụng tại xã Tân Lợi (Đồng Phú), dự kiến thực hiện và đánh giá có hiệu quả tốt sẽ nhân rộng. Tuy nhiên, đến nay chưa được Trung ương bố trí kinh phí nên mô hình vẫn “nằm trên giấy”.

Ông Ma Ly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Chưa được các cấp chính quyền cơ sở thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; thiếu kinh phí thực hiện các giai đoạn của đề án; trình độ nhận thức của người dân còn thấp; đồng bào DTTS còn duy trì nhiều phong tục cổ hủ; thiếu sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở... đang là những nguyên nhân cản trở giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS”.

Trên thực tế, chức sắc, người uy tín vùng đồng bào DTTS có vai trò, tầm ảnh hưởng rất lớn với người dân. Vì thế, hệ thống chính trị cơ sở cần phải kêu gọi sự quan tâm, phối hợp của già làng, người có uy tín. Ngoài ra, các hội, đoàn thể cần tích cực phối hợp thực hiện tuyên truyền như: đoàn thanh niên, ngành giáo dục, tư pháp, báo, đài, thông qua các già làng, người có uy tín... thì mới có thể thực hiện hiệu quả việc xóa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Ông Ma Ly Phước kiến nghị, muốn đề án đạt kết quả tốt, tỉnh cần bố trí kinh phí để khảo sát thực tế, tiến tới xây dựng và đề ra các phương pháp, giải pháp cụ thể. Đồng thời các đơn vị hữu quan cũng cần phối hợp xử lý mạnh những trường hợp cố tình vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh xử lý hành chính có thể truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp đã được chính quyền can thiệp, nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bởi đây là vấn đề “nóng” trong vùng đồng bào DTTS, nếu không ráo riết chấn chỉnh và có chế tài đủ sức răn đe thì thực hiện xong đề án vẫn chỉ là “đánh trống bỏ dùi”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
93361

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu