Thứ 6, 29/03/2024 21:58:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:58, 30/10/2014 GMT+7

“Xóm hóng”: Nơi các danh hài Hà Nội cùng… “hớt chuyện”

Thứ 5, 30/10/2014 | 15:58:00 220 lượt xem
BPO - Ông Hóng (Chí Trung), cô Hớt (Vân Dung), ông Ngó (Đức Khuê), bà Soi (Minh Hằng) và cô Hớn (Thu Hương) sẽ là những nhân vật chính của “Xóm hóng.”
Từ trái qua: bà Soi, cô Hớt, ông Hóng, cô Hớn và ông Ngó của “Xóm hóng”

Từ năm ngôi nhà, họ sẽ cùng “hóng” ra để bàn tán về “máu Hoạn Thư,” về chuyện “công nghệ xuống phố...” Để “Xóm hóng” thêm rôm rả, những câu chuyện ấy còn được “thêm nếm gia vị” bởi những thành viên khác (do các danh hài nổi danh đất Bắc như Công Lý, Tự Long, Xuân Bắc… thủ vai.)

Không giống những chương trình hài kịch trước đây (chỉ được diễn ở các sân khấu thực), “Xóm hóng” - “sân chơi” mới của các danh hài Hà Nội sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình (từ tháng 1-2015.)

“Ông Hóng” Chí Trung đồng thời là người điều hành trực tiếp dự án này. Nói về “Xóm hóng,” giọng anh đầy hào hứng. Ẩn sau đó là chút hồi hộp của người chuẩn bị bước vào một cuộc chơi mới với những thách thức mới.

“Làm dâu trăm họ”

- Song song với việc biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, các tiểu phẩm trong sê-ri hài kịch “Xóm hóng” sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Vậy, đó sẽ là kênh truyền hình nào, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: Rất tiếc, hiện nay, tôi chưa thể tiết lộ với bạn về kênh truyền hình đó được!

“Xóm hóng” là sân chơi quy tụ các nghệ sỹ hài ở Hà Nội, được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa và chúng tôi đang bước vào một cuộc chơi mới.

- Lâu nay, công chúng vốn đã không mặn mà với việc đến rạp xem kịch. Bây giờ, chương trình lại được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Anh không sợ sân khấu sẽ ngày một thưa vắng khán giả ư?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: Tôi lại nghĩ ngược lại. Đây là cách để chúng tôi kéo khán giả đến rạp nhiều hơn.

Chúng ta vẫn thường thấy, các chương trình hài trên truyền hình được làm rất vội bởi các nhà đài không có diễn viên. Có khi, chuẩn bị đến thời gian phát sóng, chương trình mới được ghi hình và nghệ sỹ không có thời gian luyện tập.

Làm hài kịch không đơn thuần chỉ là chọc cười khán giả. Nghệ sỹ phải làm sao để khán giả cười sằng sặc; sau đó, đọng lại trong họ là những suy ngẫm về cuộc sống. Sau những tràng cười, khán giả ra về mà thấy cay cay nơi sống mũi thì mới gọi là thành công. Muốn vậy thì những vở hài kịch phải được tập đi tập lại cho thật nhuần nhuyễn.

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung

Với “Xóm hóng,” chúng tôi có đội ngũ diễn viên ổn định, sân khấu luyện tập thường xuyên và nguồn kịch bản được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi tin, khi xem truyền hình, khán giả cảm thấy thích thì họ sẽ tới rạp nhiều hơn.

- Nói vậy tức là anh và ê-kíp khá tự tin về thành công của chương trình?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: Thành công hay không là do khán giả đánh giá chứ không phải do người làm ra nó tự khen, tự nhận.

Hài Bắc có phong vị riêng và chúng tôi cố gắng giữ, thể hiện cho bằng được điều đó. Bên cạnh đó, việc làm sao để tránh được sự “một màu,” đi vào lối mòn trong suốt 52 số phát sóng trong 52 tuần cũng là một thách thức lớn với ê-kíp thực hiện.

Làm hài kịch như… làm dâu trăm họ! Xem một chương trình, có thể bạn thấy thích nhưng người kia không thích, có thể bà này cười sằng sặc nhưng ông bên cạnh lại thở dài kêu “nhạt.”

Có lẽ, cái bi dễ tạo được sự đồng cảm hơn cái hài. Sung sướng là cái mang tính chất riêng lẻ. Với trạng thái này, “điểm G” chạy rất lung tung, không cố định cho tất cả mọi người. Tức là, người ta có thể cùng cảm thông với một niềm đau nhưng chưa chắc đã cùng thích thú với một câu chuyện cười.

Bởi vậy, những người thực hiện chỉ biết nỗ lực hết mình.

“Không theo định dạng nào cụ thể”

- Để “Xóm hóng” tạo được dấu ấn riêng, những người thực hiện có “bí quyết” gì đặc biệt không, thưa đạo diễn?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: 52 số được triển khai trong năm 2015 sẽ có 52 chủ đề khác nhau, giúp khán giả “đổi món” liên tục. Chúng tôi không theo một định dạng cụ thể nào, tiêu chí duy nhất chỉ gói gọn trong ba chữ cái. Đó là “H-À-I.”

Những câu chuyện “thượng vàng hạ cám” trong đời sống xã hội sẽ được ông Hóng, cô Hớt, bà Soi, cô Hớn… bàn luận từ góc nhìn hài hước.

Với một số vở kịch, chương trình hài được phát sóng trên truyền hình, thông thường, khán giả sẽ chỉ nhìn thấy những gì đang diễn ra trên sân khấu.

Tuy nhiên, ê-kíp thực hiện “Xóm hóng” cố gắng tạo sự tương tác lớn với khán giả. Những gì công chúng có thể xem qua truyền hình sẽ không chỉ là những cảnh đang diễn ra trên sân khấu mà còn có cả những hình ảnh hậu trường, không khí của rạp hát, sự đón nhận của khán giả… Tất cả những cảnh đó sẽ được đan xen, lồng ghép vào nhau.

Đã gọi là “Xóm hóng” thì mọi thứ phải thật rôm rả (cười)!

- Điều gì ở khán giả tác động tới anh mạnh nhất?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: Với tôi, số lượng khán giả đến rạp không quan trọng bằng thái độ tiếp nhận vở diễn của họ. Tất nhiên, nếu khán giả lèo tèo, vắng vẻ quá thì sẽ ảnh hưởng tới không khí chung của vở diễn.

Còn nếu chương trình có số lượng khán giả đông  nhưng họ xem với thái độ thờ ơ, ngủ gật hoặc nghịch điện thoại thì… hỏng rồi!

Giữa diễn viên trên sân khấu và khán giả ở dưới luôn có sự giao thoa, tác động qua lại trực tiếp.

Nghệ sỹ muốn thu hút khán giả thì phải diễn tốt. Thế nhưng, ngược lại, khi khán giả đã sẵn tâm lý lạnh nhạt thì không thể đòi hỏi diễn viên diễn tốt theo kiểu: diễn viên được trả lương, trả thù lao thì phải có nghĩa vụ diễn hay. Tôi biết, có những người chưa bao giờ trực tiếp đi xem chương trình nào nhưng lại thường lớn giọng “mắng mỏ.” Tất cả đều cần sự tương hỗ hai chiều.

"Giáo sư Cù Trọng Xoay" vừa là người viết kịch bản vừa là người dẫn dắt chương trình ở "Xóm hóng"


- Khi thực hiện "Xóm hóng," điều gì khiến anh trăn trở nhất?

Nghệ sỹ ưu tú Chí Trung: Một trong những vấn đề mà tôi trăn trở nhất là nguồn kịch bản. Hiện nay, kịch bản hài rất nhiều nhưng số lượng kịch bản có chất lượng tốt lại không nhiều.

Chỉ có 1/3 lượng kịch bản của “Xóm hóng” là những kịch bản được rút ra, làm mới từ các chương trình hài kịch được dàn dựng và biểu diễn trước đây như “Đời cười,” “Phố cười..."

Số kịch bản còn lại sẽ do bảy tác giả được viết bởi nhiều cây bút viết tiểu phẩm hài đã quen thuộc với khán giả như “giáo sư Cù Trọng Xoay”-Đinh Tiến Dũng, “bác sỹ hoa súng” Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Minh Tuấn, Lê Chí Trung, Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Văn Quý, Duyên Anh.

- Trân trọng cảm ơn anh!
 

Trước khi lên sóng, “Xóm hóng” sẽ được diễn bốn số đầu tiên bắt đầu từ ngày 7-11 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm). Chủ đề của số đầu tiên trong dự án này là “Câu lạc bộ những người hâm mộ Hoạn Thư.”

Nguồn TTXVN 

  • Từ khóa
108081

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu