Thứ 5, 25/04/2024 20:29:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:10, 07/04/2018 GMT+7

Xu hướng lập vườn cây ăn trái ở Bù Đốp

Thứ 7, 07/04/2018 | 08:10:00 408 lượt xem
BP - Những năm gần đây, bên cạnh trồng tiêu, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp đã mạnh dạn chuyển dịch diện tích đất trồng tiêu, lúa kém hiệu quả để chuyên canh cây ăn trái. Từ đó đã có không ít hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia đình anh Lê Đình Sang ở ấp Tân Định, xã Tân Thành có vườn cam sành và quýt đường cho thu nhập cao, ổn định. Trước đây, hộ anh có 3,8 ha đất ruộng chủ yếu trồng lúa và hoa màu nhưng hiệu quả kinh tế kém. Là dân nhà nòi trồng cây ăn trái ở tỉnh Bến Tre lên Bù Đốp lập nghiệp, anh Sang nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng Bù Đốp phù hợp trồng cây ăn trái. Năm 2014, từ vốn vay ngân hàng và bạn bè, anh đầu tư cải tạo 1,8 ha đất trồng cam, quýt. Với kinh nghiệm sẵn có, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên vườn cây ăn trái của gia đình anh phát triển tốt. Sau 3 năm, cây quýt cho thu bói; năm thứ 4, năng suất vườn ổn định. Anh Sang tính toán, vụ mùa 2017, thương lái đến tận vườn mua với giá bình quân hơn 22 ngàn đồng/kg, năng suất gần 55 tấn/ha, vườn quýt đường và cam sành đem lại cho gia đình anh hơn 2 tỷ đồng. So với sản xuất hồ tiêu hoặc lúa của người dân trong vùng thì trồng cam, quýt thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần.

Xã viên Hợp tác xã trồng bưởi da xanh Bù Đốp Nguyễn Văn Bắc (thứ ba từ trái qua) cùng đoàn công tác huyện tham quan vườn bưởi của hợp tác xã

Năm 2018, gia đình anh đầu tư mở rộng diện tích cam, quýt thêm 4 ha, tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 40 lao động trên địa bàn, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Sang còn nhiệt tình hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi với những nông dân nhu cầu.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam, quýt, anh Sang lưu ý: “Đối với cây cam, quýt, nông dân khi trồng cần chú ý khâu chọn giống và chăm sóc đúng quy trình, đặc biệt phòng trừ sâu, bệnh hại cây. Người trồng phải nắm vững kỹ thuật để cây ra hoa đậu trái đúng vụ thì mới tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”.

Bên cạnh hộ anh Sang, nhằm hướng tới nền nông nghiệp cây ăn trái sạch, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, một số nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp đã liên kết thành lập hợp tác xã trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Theo đó, năm 2017, Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp được thành lập, thu hút 18 nông dân tham gia và trồng độc canh 70 ha bưởi da xanh. Hiện vườn bưởi 1 năm phát triển xanh tốt, hướng tới sản xuất bưởi sạch để xuất khẩu. Dự tính sau 4 năm trồng, bình quân mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 400-500 tấn bưởi, bình quân mỗi héc ta bưởi da xanh xã viên thu khoảng trên 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Xã viên Nguyễn Văn Bắc chia sẻ: “Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh trên thị trường nhu cầu rất lớn, cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện chưa đủ sản lượng để xuất khẩu chính. Vì vậy hướng đi của hợp tác xã là sản xuất theo quy trình hữu cơ sinh học, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng chất lượng sản phẩm”.

Việc thành lập Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp là kết quả bước đầu thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể của huyện. Liên kết, hợp tác để tạo ra chuỗi sản xuất công nghệ cao và là cơ hội để nông sản vươn ra thị trường lớn, nâng cao thu nhập nhà nông.

Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng cho biết: “Định hướng của huyện trong thời gian tới là giao Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, các trạm khuyến nông nghiên cứu, trao đổi với nông dân khẩn trương chuẩn bị vụ mùa mới. Chúng ta phải cải tạo lại đất vườn, thay đổi cây trồng phù hợp khí hậu Bù Đốp. Đặc biệt, huyện chú trọng định hướng nông dân những khu vực thuận lợi để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái”.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bù Đốp, năm 2017, địa bàn huyện đã chuyển đổi trên 100 ha vườn tạp. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cây trồng của nông dân, hiện ngành chức năng huyện Bù Đốp đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, vận động nông dân phát triển sản xuất. Trong đó, việc nhanh nhạy, mạnh dạn chuyển đổi đất trồng tiêu, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái là một trong những giải pháp căn cơ tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện.                 

Đức Trung

  • Từ khóa
42627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu