Thứ 3, 19/03/2024 12:51:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:05, 02/10/2015 GMT+7

Cần bổ sung tội bội tín và siết nợ

Thứ 6, 02/10/2015 | 13:05:00 1,963 lượt xem

BP - Một trong những điểm mới của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là đã bỏ mức án tử hình ở nhiều tội danh. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã bỏ một số tội danh mà theo quan điểm của ban soạn thảo là những loại tội này không còn nguy hiểm cho xã hội, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, dự thảo luật mới cũng đã bổ sung một số tội danh mới. Cụ thể: Dự thảo đã bổ sung các điều luật về 2 nhóm tội phạm, đó là nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX). Trong đó, ở Chương XVIII, dự thảo quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 6 tội, gồm: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (các điều 190, 204, 213, 214, 215 và 220).

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì việc bổ sung tội mới như trên là đúng, nhưng chưa đủ. Vì thực tế trong xã hội đã xuất hiện hành vi phạm tội mới, nhưng vẫn được gán ghép theo điều luật cũ. Cụ thể là trong những năm gần đây, ở Bình Phước nói chung và trong cả nước nói riêng đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, giật hụi với số tiền hàng trăm tỷ đồng và có những vụ số người là nạn nhân lên đến cả trăm. Điều đáng lo ngại hơn là phía sau những vụ giật hụi này là hệ lụy làm cho nhiều người phải lâm vào cảnh khốn khó. Và đã có không ít gia đình dẫn đến ly tán sau khi bị giật tiền hụi. Thậm chí có người tự tử vì không đòi lại được tiền đã giao cho chủ hụi. Và kéo theo đó là tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội ở những nơi bể hụi luôn trong tình trạng bất ổn. Chưa hết, sau khi bị giật hụi, nhiều người vì sót của nên đã manh động đi siết tài sản của chủ hụi. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng từ trước đến nay, hành vi giật hụi vẫn được xét xử theo tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) và hành vi siết nợ được xét xử theo tội: Chiếm giữ trái phép tài sản. Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời hành vi vay tiền thông qua việc huy động chơi hụi, rồi giật hụi cần phải được xử lý bằng tội danh khác - tội “Bội tín” và hành vi siết nợ cần có tội danh đúng với tên gọi của hành vi phạm tội này - tội “Siết nợ”. 

Thế nhưng, trong Điều 174 của dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi vẫn là những quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, với nội dung như sau: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó;  Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn phải trả lại tài sản nhưng cố tình không trả lại tài sản mặc dù có khả năng trả lại tài sản đó; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản...

Và nội dung của Điều 175 là quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản, với nội dung như sau: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần giá trị tài sản chiếm giữ, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm...

Theo đó, những quy định trên đây không phù hợp với hành vi vi phạm pháp luật, mà cụ thể là hành vi giật hụi, siết nợ đã và đang xảy ra trong cuộc sống. Do đó, tôi đề xuất ban soạn thảo cần bổ sung hai tội danh trên trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi. Có như vậy thì khi xét xử mới đúng người đúng tội và điều quan trọng hơn là ngăn chặn được hành vi bội tín dẫn đến giật hụi và siết nợ.  

N.V

  • Từ khóa
27317

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu