Thứ 4, 24/04/2024 23:21:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:05, 25/06/2016 GMT+7

Xuất khẩu điều: Thị trường sôi động nhưng khó khăn về nguyên liệu

Thứ 7, 25/06/2016 | 14:05:00 447 lượt xem
BP - Những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu (XK) điều sôi động nhưng giá điều thô nguyên liệu đang ở mức cao do ảnh hưởng của hiện tượng El nino làm điều mất mùa. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, đây cũng là năm doanh nghiệp (DN) chế biến điều gặp khó khăn nhất về nguyên liệu vì mất mùa và sự cạnh tranh khốc liệt khi nước nhập khẩu (NK) điều thô lớn nhất của Việt Nam là Bờ Biển Ngà đang có chiến lược bài bản phát triển công nghiệp chế biến điều trong nước.

XUẤT NHIỀU, NHẬP CŨNG NHIỀU

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam XK 119 ngàn tấn điều nhân, kim ngạch thu về đạt 910 triệu USD, sản lượng XK chỉ tăng gần 2% nhưng lại tăng gần 10% về giá trị. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, XK khó khăn thì điều nhân nằm trong top 3 nông sản XK sáng về tăng trưởng của Việt Nam, gồm: Hạt tiêu, gạo và hạt điều. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn là 3 thị trường NK điều nhân lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 29,25%, 18,46% và 12,49% tổng giá trị kim ngạch XK. Ngoài Mỹ là thị trường XK hạt điều lớn nhất của Việt Nam thì những tháng đầu năm 2016 có nhiều thị trường mua nhân điều nước ta tăng mạnh như: Hà Lan (32,92%), Anh (31,26%), Đức (38,1%) và Nga (42,9%). Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự kiến năm 2016 Việt Nam chế biến và XK khoảng 350 ngàn tấn điều nhân, kim ngạch thu về khoảng 2,5 tỷ USD và giữ vững vị trí top đầu XK điều nhân.

Doanh nghiệp điều Việt Nam yếu trong đàm phán NK nguyên liệuDoanh nghiệp điều Việt Nam yếu trong đàm phán NK nguyên liệu

XK điều nhân xếp vị trí số 1 thế giới nhưng trong những năm qua do hạt điều không cạnh tranh được với các nông sản khác như cao su, cà phê, hồ tiêu; đồng thời, mùa điều phụ thuộc lớn vào thời tiết nên diện tích, năng suất, sản lượng ở vùng nguyên liệu chính Bình Phước, Đồng Nai giảm. Trong khi đó, công suất chế biến điều tăng nên NK điều thô nguyên liệu của Việt Nam xếp top đầu thế giới với hơn 800 ngàn tấn/năm (60-70% tổng sản lượng chế biến).

Năm 2015, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, lượng điều thô NK của cả năm là 867 ngàn tấn, giá trị nhập khẩu 1,12 tỷ USD, tăng gần 48% về lượng và gần 73% về giá trị so với năm 2014. Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng điều thô NK là 226 ngàn tấn, trị giá 344 triệu USD, giảm 20,5% về lượng nhưng chỉ giảm 7,7% giá trị. Vinacas dự tính từ đây đến cuối năm, Việt Nam NK hơn 450 ngàn tấn điều thô nguyên liệu, tổng trị giá khoảng 600 ngàn USD.

DOANH NGHIỆP RỦI RO TRONG NK ĐIỀU THÔ

Bước vào mùa thu hoạch điều năm 2016, Vinacas đã cảnh báo XK điều nhân năm nay chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lượng hạt điều tồn kho trong nước ít, mùa vụ kéo dài do nắng hạn, dẫn tới tình trạng nhiều nhà máy chỉ đủ nguyên liệu sản xuất hết tháng 2 và sẽ thiếu trầm trọng trong các tháng 3, 4, 5. Trong khi đó, việc NK cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với thị trường Bờ Biển Ngà và châu Phi, nhiều khi hợp đồng đã ký nhưng đối tác không chịu giao hàng.

Giá điều cao nhưng vụ mùa 2016 giảm năng suất khiến doanh nghiệp khó khăn thu mua nguyên liệu. Trong ảnh: Người dân phơi điều ở thị xã Phước LongGiá điều cao nhưng vụ mùa 2016 giảm năng suất khiến doanh nghiệp khó khăn thu mua nguyên liệu. Trong ảnh: Người dân phơi điều ở thị xã Phước Long

iá trị kim ngạch XK tăng nhưng vụ điều 2015-2016 giá điều thô nguyên liệu trong nước đã đạt đỉnh điểm 10 năm qua. Cụ thể, niên vụ điều 2014-2015, giá bán điều thô tươi ở Bình Phước bình quân cả vụ khoảng 26 ngàn đồng/kg (trước năm 2015, giá chỉ đạt 15-17 ngàn đồng/kg). Năm 2016, giá bình quân cả vụ đã tăng so năm 2015 khoảng 6.000 đồng/kg, tức 32 ngàn đồng/kg. Giá điều khô trong nước nhập kho doanh nghiệp khoảng 39 ngàn đồng/kg. Thời điểm này, nông dân ở hai vùng trồng điều lớn nhất cả nước là các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã kết thúc mùa thu hoạch. Năm nay, sản lượng điều của nước ta đạt gần 400 ngàn tấn, giảm hơn 30% so với vụ điều năm trước. Trong khi đó, công suất chế biến của hơn 300 DN chế biến, XK hạt điều trên cả nước lên đến 1,3 triệu tấn.

Thông tin từ Vinacas, 5 tháng đầu năm nay, các đối tác bán điều thô từ châu Phi - đối tác cung cấp điều nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp chế biến điều tại Việt Nam lại tái diễn tình trạng hủy hợp đồng, chậm giao hàng hoặc đòi thêm tiền hỗ trợ và dự báo diễn biến phức tạp hơn trong những tháng còn lại năm 2016. Vinacas đã nhận được nhiều đơn khiếu nại của DN, trong đó 70% bị hủy hợp đồng, 30% giao hàng không đúng thời hạn. Nhiều lô hàng về đến Việt Nam bị nhà NK bán cho DN khác.

Để có nguyên liệu chế biến, DN điều Việt Nam phải NK điều thô từ 25 nước ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó Bờ Biển Ngà chiếm 40% sản lượng NK điều thô của Việt Nam. Bờ Biển Ngà sản lượng hơn 750 ngàn tấn/năm, năm nay dự kiến giảm sản lượng hơn 100 ngàn tấn. Mất mùa cùng với việc cạnh tranh gay gắt nguyên liệu giữa các DN Việt Nam và DN Trung Quốc, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà đã đẩy giá điều thô tăng lên 1.600 USD/tấn (năm 2015 là 1.200-1.350 USD/tấn).

Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, người có nhiều kinh nghiệm trong dự báo thị trường, tìm hiểu đối tác đã cảnh báo nguy cơ hủy hợp đồng của các nước XK điều trong năm 2016. Chỉ riêng trong 5 tháng, Công ty Hoàng Sơn 1 đã có 3.500 tấn điều thô không được giao đúng hợp đồng. Ông Huyên ngậm ngùi: Muốn có nguyên liệu sản xuất DN điều phải tăng giá thêm 100 USD/tấn và thêm 100 USD/tấn giảm chất lượng. Như vậy, 1 tấn điều thô NK đã tăng 200 USD, đồng nghĩa DN đội giá thành sản xuất thêm 15% theo dự kiến ban đầu. 

DOANH NGHIỆP ĐIỀU PHẢI ĐOÀN KẾT

Ngoài mất mùa, đẩy giá nguyên liệu điều thô tăng cao, DN điều Việt Nam nhiều năm qua còn bộc lộ điểm yếu không thống nhất trong đàm phán; mỗi DN có chính sách riêng và cạnh tranh mua bán nên bị đối tác tận dụng. Trong khi đó, Bờ Biển Ngà có sản lượng điều gấp đôi Việt Nam nhưng công suất chế biến chỉ chiếm 6-7% tổng sản lượng. Bờ Biển Ngà cũng là đối tác nguyên liệu chính, chiếm hơn 40% điều thô NK của Việt Nam năm 2015.

Tháng 2-2016, Vinacas và Hội đồng bông và hạt điều Bờ Biển Ngà đã ghi nhớ biên bản hợp tác về NK điều thô vào Việt Nam. Theo đó, nước này sẽ siết chặt chất lượng nguyên liệu điều thô vào Việt Nam, nếu không đạt quy định độ ẩm hoặc bị mốc... sẽ không được XK. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế ngành điều, quốc gia này đang có chiến lược bài bản để tăng công suất chế biến điều trong nước thông qua bắt tay với DN Trung Quốc xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ. Trung Quốc xếp thứ 3 về NK điều nhân của Việt Nam cũng đang muốn cạnh tranh phát triển công nghiệp chế biến điều nhân với ngành điều Việt Nam, từ nguyên liệu thu mua ở Campuchia và các nước Tây Phi. Như vậy, để giữ vị trí top đầu trong chế biến XK điều nhân, ngành điều Việt Nam đang đứng trước thách thức về cạnh tranh nguyên liệu quyết liệt.

Từ thực trạng khó khăn về nguyên liệu và phát triển bền vững ngành điều, nhiều DN có kinh nghiệm trong dự báo thị trường và đàm phán với nhà NK đã kiến nghị ngành điều cần có đầu tàu là Vinacas đoàn kết DN điều. Theo đó, Vinacas cần thành lập đầu mối để hợp đồng trong mua nguyên liệu, dựa trên cơ sở pháp lý trong đàm phán để thống nhất giá mua, tránh rủi ro cho DN. Vinacas cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương siết chặt quản lý các DN điều không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, chất lượng nhân điều chế biến không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... và có chính sách đầu tư cho nông dân để tăng năng suất vườn điều. DN phải xây dựng được vùng nguyên liệu cho sản xuất...

Nhiều DN thu mua điều thô từ Campuchia phản ánh, mùa điều năm nay thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua nguyên liệu ở Campuchia. Theo đó, nông sản như củ mì, hạt điều kém chất lượng NK về Việt Nam nhiều. Ngành điều Việt Nam đang sở hữu “bí quyết” trong thế mạnh cạnh tranh giá thành sản xuất đó là trang thiết bị máy móc sản xuất trong nước được xếp top đầu về giá rẻ, chất lượng tốt.

Bờ Biển Ngà đã và đang “gạ gẫm” DN Việt Nam thông qua Trường đại học Bách khoa, TP. Hồ Chí Minh để chuyển giao trang thiết bị máy móc phát triển công nghiệp chế biến dựa trên nguyên liệu hạt điều trong nước. Theo Vinacas, hợp đồng này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và đang bị đa phần DN phản đối vì cho rằng đây là việc làm “bóp chết” ngành điều Việt Nam, khi nhà xưởng sẽ bị bỏ hoang, hàng triệu lao động nông thôn không có việc làm vì DN “đói” nguyên liệu. Vinacas cũng đã kiến nghị Chính phủ dừng hợp đồng mua bán chuyển giao công nghệ chế biến điều cho Bờ Biển Ngà. 

Phương Hà

  • Từ khóa
40469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu