Thứ 3, 23/04/2024 17:28:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:17, 30/03/2015 GMT+7

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng sản lượng điều trong nước giảm

Thứ 2, 30/03/2015 | 06:17:00 172 lượt xem
BP - Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu điều sau khi cán đích 2 tỷ USD năm 2014, 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là tín hiệu vui của thị trường điều nhân xuất khẩu năm 2015 nhưng ngành điều vẫn đối mặt với khó khăn là phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, mùa điều năm nay sản lượng giảm do ảnh hưởng thời tiết lạnh kéo dài...

THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH

Trong bối cảnh hầu hết những mặt hàng thuộc nhóm nông - lâm - thủy sản đều có kim ngạch xuất khẩu giảm trong 2 tháng đầu năm thì con số tăng trưởng xuất khẩu nhân điều là điểm sáng đáng ghi nhận. Cụ thể, 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu điều Việt Nam đạt 276 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2014. 8 năm liền ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu điều đạt 2 tỷ USD, trong đó nhân điều chế biến đạt sản lượng 1,2 triệu tấn. Hạt điều Việt Nam đã có mặt ở 50 quốc gia và lãnh thổ, trong đó Hoa Kỳ chiếm gần 30% sản lượng, còn lại 60% là Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ và Nhật Bản... Khách hàng thế giới đều đánh giá nhân điều Việt Nam có chất lượng tốt nhất thế giới và thuộc nhóm chủ lực của nông sản như gạo, cao su, cà phê và hồ tiêu.

Một doanh nghiệp thu mua điều ở Đồng Xoài

Khó khăn của ngành điều Việt Nam là phụ thuộc lớn vào nguyên liệu điều thô nhập khẩu, chủ yếu là từ các nước châu Phi, khoảng 60-70% sản lượng hàng năm. Nguyên nhân là do diện tích điều Việt Nam giảm mạnh trong những năm giá mủ cao su cao nên sản lượng năm cao nhất chỉ đạt khoảng 400.000 tấn (nhu cầu chế biến từ 1-1,2 triệu tấn). Điều thô nhập khẩu chất lượng thấp hơn điều trong nước. Đặc biệt, điều thô châu Phi tỷ lệ thu hồi nhân thấp và bảo quản nguyên liệu khó, hay xảy ra mốc, nên nhiều rủi ro. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, khi mua nguyên liệu từ châu Phi, doanh nghiệp phải chuyển tiền trước và phải chấp nhận chất lượng, chưa kể nhiều nhà xuất khẩu của châu Phi có thể “chạy làng” hợp đồng và doanh nghiệp Việt Nam mất vốn...         

Mục tiêu phát triển của ngành điều Việt Nam là xây dựng mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trong nước. Theo đó, cuối năm 2014 và đầu 2015 Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Vinacas đã mở nhiều hội thảo, hội nghị bàn về phát triển ngành điều. Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định để hình thành vùng nguyên liệu điều.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho rằng: Nhà nước cần tạo ưu đãi về vốn với lãi suất hợp lý cho cả người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp để tạo ra giống điều cho năng suất, chất lượng tốt, đồng thời hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Doanh nghiệp cũng được khuyến khích liên kết với các nước trồng điều như Campuchia, Lào để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, có vị trí gần với Việt Nam nhằm giảm chi phí nhập khẩu điều thô.

GIẢI PHÁP NÀO ỔN ĐỊNH VÙNG NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC?

Người trồng điều ở Bình Phước đều có chung một ý nguyện là: Nếu doanh nghiệp có ký kết thu mua nông sản với nông dân theo mức giá ổn định khoảng 27-30 ngàn đồng/kg thì chắc chắn diện tích, sản lượng tăng và chất lượng hạt điều sẽ ổn định tốt. Đây cũng là mức giá đảm bảo người trồng điều có lãi và yên tâm đầu tư chăm sóc để hồi sinh lại cây điều. Như vậy, gian lận thương mại nguyên liệu điều thô cũng sẽ giảm...

Đại lý phơi điều để cất trữ ở xã Lộc Tấn (Lộc Ninh)

Vinacas đánh giá thuận lợi của thị trường xuất khẩu nhân điều 2015 ổn định do nhu cầu ngày càng tăng cao và là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Hà Lan và các nước EU. Dự kiến, năm 2015 xuất khẩu điều đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn nhất của mùa điều 2015 là năng suất, sản lượng giảm so với năm 2014. Nguyên nhân, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu lạnh kéo dài làm điều héo, khô bông và nông dân chưa thật sự yên tâm đầu tư chăm sóc cây điều.

Theo số liệu khảo sát ban đầu của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thì điều 2015 ở Bình Phước năng suất, sản lượng ở tất cả huyện, thị đều giảm, trong đó mất mùa nhiều nhất là ở Bù Đăng - huyện đứng thứ 2 về diện tích điều, sản lượng giảm khoảng 35,7%, năng suất bình quân chỉ đạt 9 tạ/ha. Bù Gia Mập - huyện có diện tích lớn nhất, giảm khoảng 21,4%, năng suất đạt 11 tạ/ha; Đồng Xoài giảm 31,2%...

Với dự báo đó thì năm nay, dù xuất khẩu điều tiếp tục tăng và giá điều thô có thể cao nhưng chắc chắn điều đó không đủ làm cho người trồng điều ở Bình Phước cảm thấy vui.

P.Hà
(bài có tham khảo thông tin từ Vinacas)

  • Từ khóa
38388

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu