Thứ 6, 29/03/2024 13:39:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:58, 17/11/2018 GMT+7

Xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế

Thứ 7, 17/11/2018 | 08:58:00 151 lượt xem
BP - Sau khi giành được chính quyền (2-9-1945), Bác Hồ rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp của đất nước. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945, Bác Hồ xác định, cần phải có một cơ quan tối cao để điều hành, giải quyết vấn đề về canh nông. Ngay trong ngày, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông để chỉ đạo phát triển nông, lâm nghiệp.

Trải qua 73 năm hình thành và phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều thay đổi về tên gọi, cơ cấu tổ chức như Bộ Canh nông, Bộ Nông lâm và Thủy lợi, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ Nông nghiệp... nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các lĩnh vực nông nghiệp, lâm, diêm, ngư nghiệp, thủy lợi và phát triển nông thôn. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành vào sự nghiệp xây dựng đất nước, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 18-6-2015, lấy ngày 14-11 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”. 

Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua khó khăn để gặt hái những thành tựu vượt bậc và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư, đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (1988) ngành nông nghiệp nước ta đã đổi mới toàn diện với những đột phá thần tốc, vừa đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, vừa tạo ra những mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Nhờ đó, giá trị gia tăng bình quân giai đoạn 1988-2014 đạt 3,65%, trong khi mức tăng bình quân của thế giới là 2%. Đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế với mức tăng trưởng nhanh, ổn định và nước ta trở thành một trong 20 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Nông nghiệp nước ta là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội và là “cứu cánh”, trụ đỡ cho nền kinh tế vào những giai đoạn khó khăn nhất.

Sau ngày tái lập tỉnh, Bình Phước đã tích cực phát huy lợi thế để phát triển toàn diện ngành nông nghiệp. Tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh hiện nay là 455.783 ha; đàn heo 370.680 con cùng hàng chục ngàn con trâu, bò và 4.645.000 con gia cầm. Bình Phước còn có trên 2.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản với sản lượng đạt 6.250 tấn/năm, đưa tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2017 đạt gần 23.000 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Bình Phước đạt gần 10.000 tỷ đồng. Bình Phước đang có 110 hợp tác xã nông nghiệp với 2.434 xã viên và 1.315 tổ hợp tác với gần 12.000 thành viên. Toàn tỉnh hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn gần 35.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 33.000 lao động... Nhờ những bước phát triển ngoạn mục trong nông nghiệp, phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta diễn ra nhanh, mạnh, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn và đời sống của người dân trên địa bàn.

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để thực hiện thắng lợi công cuộc tái cơ cấu, ngoài phát huy những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất. Đồng thời phải đa dạng hóa các nguồn lực, có cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia mạnh mẽ của mọi thành phần kinh tế. Phải nâng cao nhận thức của nông dân về xây dựng nông thôn mới, coi đây là động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, bởi nông thôn có ổn định, bền vững, nông dân có tri thức thì nông nghiệp mới phát triển toàn diện trong bối cảnh nhân loại đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu