Thứ 5, 18/04/2024 15:53:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:16, 27/01/2016 GMT+7

Ý nghĩa đặc biệt của một công trình

Thứ 4, 27/01/2016 | 14:16:00 133 lượt xem

BP - Ngày 17-1-2016, tại núi Thới Lới của huyện đảo Lý Sơn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt, được khởi công vào dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Khu tưởng niệm được xây dựng với diện tích khoảng 2 ha, nằm trên đỉnh núi Thới Lới, phía đông bắc đảo Lý Sơn, cách đảo Hoàng Sa khoảng 170 hải lý. Trong tâm thức của người Việt Nam, Lý Sơn là tuyến đầu của Tổ quốc. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Lý Sơn là nơi tập trung dân binh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo Lý Sơn như một bảo tàng sống về Hoàng Sa với những di tích lịch sử, văn hóa. Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” được xây dựng sẽ tái tạo lại một phần của bức tranh lịch sử hào hùng dựng nước, mở mang bờ cõi và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung tâm của khu tưởng niệm là tượng đài “Người mẹ thắp lửa”, cao 16m mô tả người phụ nữ Việt Nam đứng trên bờ biển với ngọn đèn mong ngóng chồng, con trở về. “Người mẹ thắp lửa” thể hiện ý nghĩa hướng về các bậc tiền nhân, bởi tổ tiên chúng ta đã phát hiện và xác lập chủ quyền Hoàng Sa từ thời chúa Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, người Việt Nam đã xây dựng ngọn hải đăng trên đảo, nhiều người làm việc và nằm lại ở Hoàng Sa... Bao quanh tượng đài là một bức tường lịch sử chạy từ chân lên đỉnh đồi ghi lại lịch sử Hoàng Sa. Toàn khu tưởng niệm có hình dáng như một con tàu hướng mũi về quần đảo Hoàng Sa.

Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” trên đảo Lý Sơn, có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và sâu sắc không chỉ đối với cán bộ và nhân dân Lý Sơn mà còn đối với nhân dân và công nhân lao động cả nước để tưởng niệm, tri ân và biết ơn những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là công trình được xây dựng từ nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, công nhân lao động và nhân dân cả nước. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, đây cũng là địa điểm giới thiệu cho du khách nước ngoài về lịch sử hình thành và chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các thế hệ người Việt Nam. 

“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa” là dòng chữ khắc đậm nét nơi tượng đài “Người mẹ thắp lửa”. Dù chưa biết ngày gặp lại một phần máu thịt của Việt Nam giữa trùng dương đang bị nước ngoài xâm chiếm trái phép nhưng câu nói ấy đã là một lời tuyên thệ với ông cha nằm lại Hoàng Sa, với những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đã ra đi từ Lý Sơn mãi mãi không về.

“Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa” cũng là lời thề sắt son với vong linh những người lính Việt đã anh dũng ngã xuống ngày 19-1-1974. Với người dân Việt Nam, mỗi ngày Hoàng Sa còn chưa trở về với đất mẹ là mỗi ngày còn cảm thấy nhức nhối trong trái tim. Ngọn đèn bão trên tay tượng đài người mẹ ngóng vọng Hoàng Sa sẽ sáng lên và ánh lửa vĩnh cửu ấy nhắc nhở mỗi con dân nước Việt luôn hướng về nơi một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

  Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu