Thứ 7, 27/04/2024 01:11:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 08:54, 20/06/2015 GMT+7

Yêu thương đưa chồng vào bếp

Thứ 7, 20/06/2015 | 08:54:00 212 lượt xem
BPO - “Con là đàn ông, con không thể nấu ăn và làm việc nhà tốt bằng phụ nữ, hãy học cách cầm cuốc, búa, cưa, đục… công việc của con là ở đấy”, tôi được dạy như thế từ khi còn bé. Ba tôi không nấu ăn, ông tôi không nấu ăn, mẹ và bà tôi đã cáng đáng việc đó suốt cuộc đời mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ thực tế ấy, tôi rất vụng trong mọi việc nhà, đến rửa chén cũng không sạch. Ngày còn bé, mẹ và chị miễn cho tôi những việc không tên bộn bề ấy. Lớn lên, đi học xa, tôi vẫn không cách nào thích nghi được. Cơm bụi luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu thuở sinh viên, vì không phải nấu nướng. Những ngày bị buộc phải tự nấu ăn, tôi đã thử thách mình bằng nửa tháng liền trứng đổ ốp la và luộc luân phiên cho bữa trưa và tối. Tôi có thể vụng về, nhưng nấu nước sôi hay đập trứng vào chảo thì chưa đến nỗi không làm được.

Trước ngày cưới, tôi nói thật với vợ về khả năng việc nhà thuộc loại kém của mình, nàng cắn môi suy nghĩ rồi gật đầu. Cái gật đầu quả quyết chất chứa bao nhiêu yêu thương. Cái gật đầu khiến mỗi sáng thức dậy, nàng bần thần ngồi mãi trên giường và chỉ nói “Trưa nay em nấu gì cho anh ăn nhỉ?” khi tôi hỏi có việc gì thế. Cái gật đầu khiến nàng xua tôi ra khỏi bếp khi tôi loay hoay muốn giúp gì đó, nàng cứ nói “để em làm được rồi”. Cái gật đầu khiến tôi chỉ có thể chạy mua chút thức ăn bên ngoài cho nàng khi nàng bệnh, còn khi tôi bệnh thì đủ thứ thức ăn nóng được nàng nấu tại nhà. Chúng tôi sống cùng cái gật đầu ấy cũng đến vài năm, ở nàng có sự mệt mỏi, ở tôi sự áy náy tăng dần.

Nàng sinh con. Nhà neo người, nàng không thể lo cơm nước, tôi khoán việc đó cho tiệm cơm gần nhà. Bữa ăn lúc ấy không rộn rã, dù con tôi nằm bên cạnh. Nàng ăn uể oải, cả tôi cũng ngán các món xoay vòng ấy nhưng chúng tôi không ai nói ra. Chúng tôi cố ăn cho hết, cho trọn cái thỏa thuận tiền hôn nhân của mình. Nàng tôn trọng lời hứa và ở tôi, một phần cố chấp, một phần không tin mình có thể làm được gì với ngọn lửa bếp đã ngăn tôi thay đổi. Những miếng thịt rã rời, những cọng rau nhớt nhát… cả cái cách chúng tôi tỏ ra chịu đựng càng khiến bữa ăn như một cơn sốt định kỳ.

Ảnh minh họa. Nguồn: FB

Một ngày, tôi về muộn, trời mưa sầm sập, chẳng kịp mua thức ăn. Nàng đói và con chúng tôi có thể thiếu sữa. Tôi bắc vội nồi cơm và mở tủ lạnh. Chỉ còn dăm quả trứng và cà chua. Như cách thời sinh viên, tôi đổ ốp la chín, chỉ khác là tôi đứng theo dõi cố làm sao cho trứng tròn trịa và chín hơn. Tôi xới cơm ra đĩa, toát mồ hôi hột khi cố cắt những miếng cà chua mỏng và thẳng như nàng hay cắt. Tôi để trứng bên cạnh và dùng tương vẽ một trái tim mỏng hơi méo lên. Tôi đem hai đĩa cơm vào phòng. Nàng nhìn đĩa cơm, nhìn tôi như thể tôi vừa từ hành tinh nào xuống. Rồi nàng ngắm mãi đĩa cơm bình thường ấy, từng muỗng một nàng ăn ngon lành. Lâu lắm tôi mới thấy nàng ăn như thế!

Khi xắn miếng trứng ra, nàng bắt đầu khóc. Nàng bật ra hết những uất ức về tâm lý sau sinh, về mong muốn được chia sẻ, về việc nàng mong chờ một bữa ăn như thế này, bữa ăn ngon nhất nàng từng ăn, vì nàng biết tôi đã đặt hết tâm huyết và tình yêu vào đấy. Nàng cũng thú thật, khi gật đầu với tôi ngày xưa, nàng chưa phải là nội trợ giỏi giang gì. Vì cái gật đầu ấy, nàng phải học thêm nhiều thứ để quán xuyến gia đình trong thời gian ngắn. “Khi có đủ yêu thương anh không bao giờ là người vụng về”, nàng nói với tôi.

Tôi vẫn còn vụng về, tôi kho cá cháy, chiên cá chưa đủ chín và nêm canh thường hay mặn, nhưng tôi không từ chối sự thú vị khi thỉnh thoảng vào bếp. Tôi làm điều đó với tất cả yêu thương. Khi cầm thìa, cầm vá, cầm các gói gia vị… tôi xem như mình đang cầm búa, đục, cưa khi xưa. Đó cũng là cách để tôi sửa chữa, gia cố, làm đẹp hơn ngôi nhà - gia đình của mình.

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107689

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu