Thứ 7, 27/04/2024 08:00:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:53, 01/11/2018 GMT+7

TRAO ĐỔI

Yêu thương và dạy dỗ

Thứ 5, 01/11/2018 | 08:53:00 246 lượt xem

BP - Dạy con có lẽ là việc làm lâu dài, liên tục và khó nhất đối với các bậc cha mẹ. Có không ít gia đình kinh tế khá, cha mẹ có địa vị cao trong xã hội nhưng con cái không ngoan, thậm chí sống hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Dù ở bất kỳ thời đại, hoàn cảnh nào thì gia đình và giáo dục của gia đình vẫn là nền tảng quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng quyết định đến tính cách, nhân cách của một con người. Hiện nay, các gia đình đều sinh ít con nên trẻ em thường được sự quan tâm, yêu thương nhiều từ cha mẹ. Thế nhưng sự quan tâm, yêu thương như thế nào là đúng mức, những việc làm nào của cha mẹ sẽ gây tổn hại đến sự phát triển bình thường của con là câu trả lời không dễ.

Chúng ta đã từng nghe chuyện một học sinh lớp 5 khi cha mẹ đi vắng đã bỏ cả dép vào máy giặt để giặt, một học sinh lớp 10 ở nông thôn nhưng không phân biệt được rau cải và rau mồng tơi, dù những em này là học sinh khá và có nhân cách tốt. Hỏi ra mới biết, các em chưa bao giờ phải làm những việc này nên không hề biết. Nhiều cha mẹ quan niệm “con chỉ cần học tốt, những việc còn lại để cha mẹ lo”. Nhưng cha mẹ có lo được cho con cả đời, bảo bọc quá, con liệu có trưởng thành như mong muốn? Kỹ năng quan trọng nhất đối với mỗi con người chính là kỹ năng sinh tồn. Vì thế, hãy cho các em trải nghiệm, chấp nhận thất bại.

Cha mẹ sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu về vật chất mà con đòi hỏi, đến khi con gặp khó khăn, thất bại, ta sẽ thấy chúng suy sụp nhanh về tinh thần như cơ thể không có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Hoặc nhiều bậc phụ huynh tham gia, can thiệp quá sâu vào việc chọn nghề nghiệp cho con, thậm chí sắp đặt luôn cả chuyện yêu đương, hôn nhân...

Những bậc cha mẹ thông minh không cần “phong tỏa” tự do của con mà hãy tư vấn, định hướng, chia sẻ cùng con. Tương lai của con phải do chính con tự quyết định. Yêu thương, chăm sóc con là bổn phận và xuất phát từ tình yêu thương vô bờ của cha mẹ. Nhưng khi con bắt đầu có nhận thức (từ 3 tuổi trở lên), cha mẹ phải giáo dục con nhiều hơn. Cha mẹ có vai trò quan trọng nhất trong giáo dục kỹ năng sống cho con. Vì thế, hãy rèn luyện những thói quen tốt cho con như đọc sách, học cách tự chăm sóc bản thân, biết làm những việc phù hợp với lứa tuổi, có trách nhiệm về việc mình làm, biết quản lý tài sản... Cha mẹ không nên đáp ứng ngay lập tức và tất cả nhu cầu về vật chất mà con đòi hỏi. Cần xây dựng nguyên tắc “có làm, có hưởng”, khuyến khích các con biết lao động, yêu quý công sức lao động, gia đình sẽ dành những khoản tiền nhỏ để trả công cho con khi chúng làm việc nhà hoặc có thành tích học tốt. Khoản tiền này hãy để con tự chi tiêu vặt. Dạy con biết rèn luyện tính kiên trì, trải qua gian khổ, kỷ luật bằng các hoạt động trải nghiệm như “Học kỳ quân đội”, “Một ngày làm bác nông dân” để các con cảm nhận đầy đủ hơn về cuộc sống...

Các bậc cha mẹ phải chấp nhận một thực tế rằng con cái lớn và chúng sẽ rời xa gia đình. Vậy hãy tạo dựng cho chúng có đủ khả năng để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống mà chỉ có bản thân chúng mới tự giải quyết được. Đừng yêu thương và lo lắng thái quá vì con, hãy truyền “lửa” để con có thêm sức mạnh. Một đứa trẻ muốn trưởng thành phải được yêu thương và giáo dục đúng cách.

Vũ Văn Tuấn

  • Từ khóa
88291

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu