Thứ 5, 28/03/2024 16:28:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:34, 28/01/2014 GMT+7

Bạn bè một thuở

Thứ 3, 28/01/2014 | 08:34:00 205 lượt xem

Ngày rời quân ngũ xách ba lô trở về quê nhà, Đức thấy lòng phơi phới. Hai người bạn chí cốt thuở nhỏ của anh, giờ một người là chủ tịch xã Đông Nam, một người là trưởng công an xã. Ngay trong bữa tiệc rượu mừng Đức trở về, Nguyên - chủ tịch ủy ban nhân dân xã đã trịnh trọng nói: Ông về đúng lúc lắm. Cậu cán bộ địa chính đi học hàm thụ đại học để mai mốt lên huyện, hợp thức hóa gia đình. Thế nên ông phải “gánh” giúp tôi cái chân địa chính xã. Thấy bạn quá nhiệt tình, Đức lo ngại: Tôi vừa trong lính ra, chưa biết mô tê gì, ông giao cho tôi làm cái gì liên quan đến chút kiến thức quân sự chứ giao quản lý đất đai, tôi làm sao nổi! Nguyên xua tay, chuyện vặt, tôi có học làm chủ tịch xã ngày nào đâu mà vẫn làm được. Cứ làm rồi sẽ biết! Hòa - Trưởng công an xã cũng hùa theo: Ông cứ lo bò trắng răng. Dân quân tự vệ thì thằng nào làm chẳng được. Tôi với ông Nguyên được như thế này mà nỡ để ông phải khó khăn chật vật, còn ra thể thống gì!


 

Đêm đầu tiên trở về quê nhà, Đức đã trằn trọc không sao ngủ được. Cảm xúc lâng lâng xâm chiếm hồn anh. Suốt hành trình từ đơn vị trở về quê, Đức cũng đã mường tượng một số công việc sẽ làm để có thêm nguồn thu nhập bù đắp cho vợ con sau những năm tháng dằng dặc trong quân ngũ. Mở tiệm sửa xe, mở cửa hàng xay xát hoặc xin làm bảo vệ cho một cơ quan nào đó - Đức chỉ có thể nghĩ được đến thế, bởi anh không có vốn liếng, không nghề nghiệp. Thế mà đích thân chủ tịch xã lại mời anh đảm trách nhiệm vụ địa chính xã - một vị trí không hề nhỏ ở một vùng quê đang trong quá trình đô thị hóa. Đức thực sự không ngờ hai thằng bạn thuở nhỏ của anh vẫn chân tình và trách nhiệm đến thế. Còn vợ Đức, từ hôm chồng về rất chăm thắp hương trên bàn thờ gia tiên và cứ một mực rằng phúc nhà lớn lắm nên chồng mình mới có được những người bạn tốt đến thế. Thời buổi này, chẳng ai lại cho không nhau một công việc nhiều hứa hẹn như cán bộ địa chính xã. Thế nên gia đình mình, không ai được quên ơn nghĩa mà các bác ấy đã dành cho - vợ Đức dặn đi dặn lại chồng con như thế. Trong thâm tâm, Đức đã vô cùng cảm kích tấm chân tình của hai thằng bạn và tự nhủ sẽ thật cố gắng, không để bạn thất vọng về mình.

Ngày đầu tiên đến làm việc, sau khi nhận bàn giao giấy tờ, sổ sách từ anh cán bộ địa chính trẻ, Đức một mình lang thang trên cánh đồng - nơi ngày xưa ba đứa cùng đám con nít trong xóm thường cưỡi trâu đánh trận giả trên những cồn bãi hoang. Gió lồng lộng từ khoảng không mênh mông phả vào mặt Đức hơi thở của ruộng đồng với mùi nồng nồng của phân chuồng, của bùn đất, mùi ngai ngái của cỏ dại và mùi hương đặc trưng của những ruộng lúa đang thì con gái. Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật, những bờ ruộng, bờ mương thân thương, những cồn bãi thân thương gắn với rất nhiều kỷ niệm trong ký ức chợt hiện về. Mình sẽ góp phần nhỏ bé để giữ mãi màu xanh khoai lúa trên những cánh đồng quê yêu dấu - Đức thầm nhủ lòng như thế.

Đức nhận nhiệm vụ mới chừng nửa năm thì có thông tin dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Đông Nam. Cả tập thể ban thường vụ có vẻ rất phấn khích với thông tin này. Giá đất khu vực dự kiến triển khai dự án bỗng tăng vùn vụt. Những khu vườn cây trái sum suê, những thửa ruộng vuông vức đang xanh màu mạ non được cắm cọc, giăng dây chia lô để rao bán. Cả xã rùng rùng chuyển động và như lên cơn sốt. Ngoài chợ, trong quán ăn, thậm chí ngoài đồng đều xôn xao chuyện dự án, chuyện mua bán đất. Những cuộc điện thoại ngã giá oang oang ngoài đường, trong quán nước. Từng nhóm người quen có, lạ có ra tận ruộng tìm chủ đất để bàn chuyện bán mua.

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng của vợ chồng Đức bỗng có nhiều người ghé thăm, trong đó có cả những người thường tỏ ra kẻ cả với Đức như tay Ngạn phụ trách văn phòng, tay Thông xã đội trưởng. Họ đến, mang theo những tập hồ sơ dày cộp để xin tách sổ chủ quyền đất hoặc làm mới sổ đỏ. Và người dúi cho Đức tập hồ sơ dày nhất là Nguyên, là Hòa. Những người già cả mù lòa hoặc bại liệt, tâm thần, những đứa trẻ còn học trung học cơ sở, những đứa cháu họ, em họ xa lơ xa lắc của những vị cán bộ xã tự nhiên thành những người đứng tên trong các hồ xơ xin làm sổ đỏ hoặc tách sổ. Đức ngợp trong đống hồ sơ và thấy thực sự hoang mang. Vợ Đức động viên chồng: Anh cứ làm theo chỉ đạo của anh Nguyên là được. Người ta nắm người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu mà anh sợ. Với lại mỗi bộ hồ sơ làm xong, người ta bồi dưỡng dăm ba triệu, mình cũng có được một khoản để dành, mai mốt làm lại cái nhà. Lẽ ra, anh mừng mới phải chứ!

Nhưng Đức không thể nào mừng được. Nỗi bất an sau mỗi lần thực hiện theo sự chỉ đạo miệng của chủ tịch xã luôn gặm nhấm anh. Sau vài lần giãi bày nỗi lo lắng của mình nhưng bị gạt đi, Đức quyết định không làm theo chỉ đạo miệng của Nguyên nữa mà yêu cầu chủ tịch xã phải có văn bản. Nhiều người bảo Đức là cứng đầu, là kẻ chắc lép. Nguyên không còn xưng hô với Đức là ông - tôi nữa, mà xưng là “đồng chí”. Và Nguyên thể hiện sự khó chịu ra mặt khi trong một vài cuộc họp chi bộ, Đức đồng tình với ý kiến của ông Long, Bí thư đảng ủy xã về việc không nên kết nạp đảng viên ồ ạt mà kém chất lượng; xét cấp tái định cư phải căn cứ vào tình hình thực tế và không nên máy móc...

Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì khiến Đức phải lo lắng và khiến mối quan hệ giữa Đức với Nguyên, với Hòa bị xấu đi. Mối quan hệ đó chỉ thực sự xấu đi khi Nguyên vô hiệu hóa toàn bộ hội đồng xét cấp tái định cư dự án đường Hồ Chí Minh mà Đức là thành viên. Những lô đất đẹp nhất, bằng phẳng nhất, chiếm mười lăm phần trăm tổng quỹ đất tái định cư được Nguyên dành cho công tác ngoại giao. Hai mươi phần trăm dành cho nội bộ cán bộ xã và ưu tiên theo thứ tự chức danh, trong đó, Đức cũng có một lô. Nhưng Đức và ông Long đã khảng khái từ chối lô đất “nội bộ” và yêu cầu hội đồng đền bù, giải tỏa, xét tái định cư làm đúng nguyên tắc, ưu tiên những hộ phải giải tỏa diện tích lớn, gia đình chính sách, đông nhân khẩu và tự giác giải phóng mặt bằng sớm.

Khi danh sách cấp tái định cư được ký duyệt, không chỉ những hộ có đất giải tỏa mà cả những hộ không có đất giải tỏa cũng bất bình. Họ làm đơn tố cáo lên huyện. Đơn lại được chuyển ngược về xã. Nhưng việc ai nấy làm. Trên khu đất tái định cư, những lô đất dành cho “ngoại giao” và “nội bộ” đã mọc lên những căn nhà mới, nhưng chủ nhân của những căn nhà đó không phải những người được cấp đất mà họ mua lại.

Sự bất hợp tác của Đức không chỉ làm cho Nguyên mà nhiều người là cán bộ chủ chốt của xã điên tiết. Họ cho Đức là đồ dở hơi, đồ phá bĩnh. Và khi Đức chính thức tuyên bố sẽ báo cáo tình hình lên huyện thì họ quy kết Đức là nhân tố gây mất đoàn kết nội bộ. Dù việc làm của Đức được một số cựu chiến binh và ông Long bí thư đảng ủy xã đồng tình, nhưng không ai còn dám chuyện trò với Đức nữa.

Một buổi chiều, vợ Đức từ đâu về, mặt nặng như chì. Vừa trông thấy chồng đã nước mắt ngắn dài: Thật không biết chui xuống lỗ nào cho hết nhục. Cả xã bảo anh là đồ ăn cháo đá bát, lấy oán báo ân, là đồ phản bạn. Anh có biết con anh đi học bị ném đá, chó gà bị đánh bả, rồi người ta ném cả phân vào nhà hay không hả? Người ta nói chẳng oan chút nào đâu. Sao lại có thứ người vô ơn đến thế kia chứ!

Bỏ mặc vợ bù lâm bù loa, Đức lững thững ra đồng. Những ngọn gió chiều phóng túng xoa dịu cơn đau đầu của anh. Mình đã làm sai ư? Liệu có còn cách nào hay hơn để ngăn Nguyên và cả tập thể cán bộ xã lún sâu vào sai phạm? Không! Nếu mình không làm thì sẽ không có ai làm cả. Và như thế tội của Nguyên sẽ càng nặng hơn. Mình không thể thấy bạn đi vào chỗ chết mà không ngăn lại.

Rồi từ những lá đơn của dân, từ nội dung đơn tố cáo của Đức, Ủy ban kiểm tra huyện ủy đã vào cuộc, cử đoàn xuống xã làm việc. Và vụ việc ở xã Đông Nam được huyện chọn thí điểm thực hiện chương trình khắc phục hậu quả sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương IV. Buổi làm việc của đoàn kiểm tra có báo, đài của tỉnh về ghi hình. Các phóng viên đài tỉnh còn phỏng vấn riêng Đức. Và anh đã nói rõ lý do khiến anh đứng đơn tố cáo sự việc là bởi trách nhiệm của người đảng viên, thấy sai không thể làm ngơ.

Ngay tối hôm đó, đài truyền hình tỉnh phát phóng sự về vụ việc chống tiêu cực ở xã Đông Nam. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, phóng viên đã viết lời bình khiến Đức trở thành người hùng trong đấu tranh chống tiêu cực, dù người bị tố cáo là chỗ bạn bè thân thiết, ân tình. Phóng sự mới phát được một lúc thì điện bỗng tắt phụt. Cả xã Đông Nam tối om như mực và chừng mười phút sau điện sáng trở lại.

Ngày hôm sau, Đức vừa dắt xe ra ngõ đưa con đi học thì vợ Nguyên cầm tờ báo có in hình Đức xăm xăm bước vào sân. Mặt đằng đằng sát khí, vợ Nguyên quát, ông vào đây cho tôi nói chuyện. Đức ôn tồn, có cô ấy ở nhà, chị cứ ngồi uống nước, tôi đưa cháu đến trường rồi sẽ về ngay. Nhưng vợ Nguyên đã hùng hổ chặn ngay đầu xe. Ông định tránh mặt tôi hả. Ông tránh tôi nhưng có tránh được cả xã này không? Một thằng khố rách áo ôm, chân không đến đất, cật không đến giời như ông mà bỗng dưng trở thành anh cán bộ địa chính xã. Có ai nhận của ông một trinh sứt nào không? Thì ra ông thích được lên báo, lên truyền hình. Hừ, một kẻ lấy oán báo ân như ông mà còn dám mở miệng nói đến hai tiếng bạn bè hả? Bạn bè với một kẻ như ông thật chẳng bằng cái bẹn bà, xí. Vợ Nguyên nhổ một bãi nước miếng trước mặt Đức, đập đập tờ báo vào đít quần rồi te tái đi. Vợ Đức nãy giờ đứng như trời trồng giữa sân vội chạy theo, chị ơi, chị tha lỗi cho em. Số em khổ mới vớ phải cái thứ dở ông dở thằng thế này, hu... hu...

Đức cứ để mặc cho vợ khóc mà không dỗ dành. Cô ấy cần phải khóc để giải tỏa nỗi ấm ức trong lòng. Nhớ lại buổi tiệc rượu hôm rời quân ngũ trở về, những lời động viên của Nguyên, của Hòa vẫn văng vẳng bên tai khiến lòng Đức nghẹn ứ. Nhưng anh không hối hận về những việc mình đã làm. Nguyên cầm chắc sẽ bị kỷ luật, sẽ không còn là chủ tịch xã nữa. Bây giờ vợ con Nguyên oán trách anh, nhưng một ngày nào đó họ sẽ hiểu cho anh. Ngay ngày mai Đức sẽ xin nghỉ việc. Không phải anh không chịu nổi áp lực của dư luận - khi mà cái sai, cái đúng đã được làm rõ. Anh chỉ không muốn người đời nghĩ rằng anh tố cáo những việc làm sai của Nguyên là bởi mâu thuẫn, động cơ cá nhân và anh không dám hy sinh quyền lợi của bản thân mình.

Rồi anh chợt nhận ra một điều, ai cũng muốn đi đến cùng con đường mình đã chọn (như anh từng hứa với lòng sẽ đồng hành và không bao giờ để bạn bè phải thất vọng về mình). Nhưng đôi khi chỉ rẽ ngang một chút thôi, ngoảnh lại thấy mình đã lại đi trên con đường không định chọn. Cái con đường không định chọn ấy, nó không tệ. Nhưng sao thấy thật buồn!

Tháng 12-2013
Truyện ngắn của Linh Tâm

  • Từ khóa
90702

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu