Thứ 6, 29/03/2024 17:16:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:05, 19/09/2015 GMT+7

Khó xử lý hành vi cho vay nặng lãi

Thứ 7, 19/09/2015 | 13:05:00 213 lượt xem

BP - Những năm gần đây, tình trạng cho vay và cầm cố đất đai với lãi suất cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầm cố đất, bán đất diễn ra dai dẳng, phức tạp là hầu hết các hộ đồng bào có đời sống kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, không ít hộ có thói quen tiêu dùng không có kế hoạch hoặc cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ... nên tự dấn thân hoặc bị các đối tượng có tiền dụ dỗ.

Và một nguyên nhân nữa là do các cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở pháp lý cùng với những chế tài đủ sức răn đe để xử lý các vụ việc. Vì hầu hết các trường hợp cầm cố đất, cho vay nặng lãi đều thực hiện với giao dịch bằng miệng hoặc viết giấy tay giữa hai bên, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện và không có cơ sở pháp lý để xử lý. Trong khi đó, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập các giao dịch và ở phần lãi suất thì trên giấy tờ vay thường chỉ ghi “mức lãi suất do hai bên thỏa thuận”. Hành vi này của các chủ nợ nhằm tránh tội cho vay nặng lãi. Vì thế, hành vi cho vay nặng lại vẫn tồn tại, thậm chí còn “sống” khỏe là do luật chưa rõ ràng.

Ngân hàng, quỹ tín dụng luôn là “bà đỡ” cho phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hớn Quản làm thủ tục cho người dân vay vốn sản xuất - Ảnh: S.H

Theo quy định trong Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 thì giao dịch vay và cho vay giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau là hợp pháp và không cần phải đăng ký kinh doanh. Thậm chí tiền lãi cho vay còn được miễn thuế giá trị gia tăng (Điểm b, Khoản 8, Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 đã được sửa đổi bổ sung năm 2013)... Như vậy, khó có thể khẳng định trường hợp nào là cho vay hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Còn để khẳng định hành vi cho vay nặng lãi thì chỉ có căn cứ duy nhất là mức lãi suất cho vay. Theo quy định tại Điều 476 của Bộ luật Dân sự 2005 thì: Lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Hiện nay, mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố và đang áp dụng là 9%/năm (từ năm 2010), như vậy giao dịch nào vượt mức 13,5% là giao dịch bất hợp pháp về lãi suất và bắt đầu có dấu hiệu của hành vi cho vay nặng lãi, kể cả giao dịch của các tổ chức tín dụng.

Thế nhưng trong thực tế thì có nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này, vì rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5%, song vẫn không bị xử lý về hành vi cho vay trái phép. Vì ngay trong Bộ luật Hình sự hiện hành cũng không có quy định nào về hoạt động cho vay trái phép, mà chỉ có quy định về tội kinh doanh trái phép. Như vậy, xét dưới góc độ hoạt động cho vay trái phép thì hành vi cho vay nặng lãi sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự về hành vi “kinh doanh trái phép” khi cấu thành đủ tội danh gồm; “không có giấy phép hoạt động cho vay, hoạt động ngân hàng” mà đã bị “xử phạt hành chính về hành vi cho vay trái phép” hoặc thu lời từ 100 triệu đồng trở lên... Thế nhưng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Doanh nghiệp 2014 thì lại không thể xử phạt hình sự hoạt động cho vay của cá nhân, pháp nhân dù họ không có giấy phép và cả hai luật trên đều không “khống chế” mức lợi nhuận thu được từ hoạt động cho vay...

Xét về tội “cho vay nặng lãi” thì hành vi này được xử lý theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Và theo quy định trên thì một trong những yếu tố cấu thành của tội cho vay nặng lãi là “lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột...

Thế nhưng trong thực tế, các giao dịch cho vay trong cộng đồng dân cư không bao giờ ghi “mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng hoặc chỉ ghi lãi suất theo thỏa thuận nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thỏa thuận dân sự như ủy quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép... Hơn nữa, ở Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định là “mức lãi suất cho vay cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định”, trong khi ở Bộ luật Dân sự 2005 thì quy định “lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”... và chính vì sự thiếu thống nhất này đã và đang tạo kẽ hở để hành vi cho vay nặng lãi còn đất sống.

T.H

  • Từ khóa
52427

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu