Thứ 3, 30/04/2024 23:54:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:38, 05/09/2018 GMT+7

Ý nghĩa nghiên cứu thực tế

Thứ 4, 05/09/2018 | 06:38:00 11,440 lượt xem

BP - Đi nghiên cứu thực tế đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng là một phần trong chương trình học tập. Nội dung nghiên cứu thực tế rất đa dạng, gồm: Công tác xóa đói giảm nghèo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chương trình xây dựng nông thôn mới; vấn đề dân tộc - tôn giáo; công tác xây dựng đảng; công tác cải cách hành chính... Các hoạt động trong chuyến đi nghiên cứu thực tế phong phú, sôi nổi, giúp học viên rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc sau khi tham gia các khóa học.

Trước đây, một số lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính (LLCT-HC) thường đi nghiên cứu thực tế ở ngoài tỉnh. Thời gian dành cho thực tế khá khiêm tốn, chủ yếu đi tham quan, du lịch dẫn đến ý nghĩa và vai trò của một phần học trong chương trình đào tạo chưa thực sự được phát huy.

Một học viên của lớp K86 giao lưu văn nghệ với cảnh sát nước bạn Campuchia và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tà Nốt

 Để khắc phục tình trạng nêu trên, ở tỉnh ta, từ năm 2018, Trường Chính trị tỉnh tổ chức đi thực tế tại địa bàn các xã khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Kết thúc chuyến đi, học viên làm bài thu hoạch, kết quả được tính là một phần học. Quy định này hoàn toàn mới bởi trước đây kết quả bài thu hoạch với 2 mức đạt và không đạt để làm điều kiện được thi tốt nghiệp, viết tiểu luận.

Bạn Đinh Hồng Ảnh, học viên lớp trung cấp LLCT-HC khóa 86 (mở tại huyện Chơn Thành) chia sẻ: Lớp K86 đi thực tế tại xã Lộc Điền (Lộc Ninh) từ ngày 20 đến 24-8-2018. Đi mới biết, ở Lộc Điền nay các tuyến đường giao thông nông thôn được đổ bê tông chạy dài với bạt ngàn cao su, tiêu, điều khiến học viên không khỏi ngạc nhiên về diện mạo vùng biên giới. Dù thưa dân sinh sống nhưng chính quyền nơi đây vẫn vận động đổ được đường bê tông. Lớp còn đi thăm các mô hình làm kinh tế giỏi; thăm tặng 54 phần quà cho các gia đình chính sách, khó khăn, tặng học bổng 5 học sinh nghèo hiếu học, với tổng 29,5 triệu đồng; khám bệnh, kê đơn phát thuốc, tư vấn sức khỏe (trong lớp có 1 bác sĩ chuyên khoa) 2 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 đảng viên cao tuổi Đảng...

Học viên còn được lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lộc Ninh và các phòng, ban của huyện chia sẻ thuận lợi và khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Lớp còn tham quan các di tích lịch sử ở huyện Lộc Ninh, thăm cột mốc biên giới, giao lưu văn nghệ, bóng chuyền với chiến sĩ Đồn biên phòng Tà Nốt...

Kết thúc đợt thực tế, các học viên đều có chung nguyện vọng, đề xuất Trường Chính trị tỉnh tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế ngay từ đầu khóa học hoặc khi đã học xong 2/3 nội dung chương trình đào tạo thay vì kết thúc các phần học như hiện nay. Vì qua chuyến đi thực tế, các học viên tích lũy được rất nhiều vốn tri thức lý luận và thực tiễn ở những nơi đến, tiếp thêm động lực hăng say học tập và công tác tốt. Bên cạnh đó, các mối quan hệ công tác được mở rộng, đặc biệt là tinh thần tập thể qua đợt đi thực tế được nâng cao.

Thầy Đỗ Tất Thành, Hiệu phó Trường Chính trị tỉnh cho biết, nghiên cứu thực tế đạt được mục đích đề ra hay không là do cách thức tổ chức và sự chủ động lĩnh hội tri thức của học viên. Các lớp đi thực tế đều trên cơ sở kế hoạch của trường, tuy nhiên kế hoạch này là khung nhưng nếu bám sát khung và biết cách tổ chức thì chắc chắn đi nghiên cứu thực tế sẽ rất hiệu quả, bổ ích.

Nhật Hạ

  • Từ khóa
22831

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu