Thứ 3, 30/04/2024 07:35:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:47, 05/06/2016 GMT+7

Nữ trung hào kiệt

Chủ nhật, 05/06/2016 | 13:47:00 402 lượt xem

BP - Theo giai thoại còn truyền đến ngày nay, Nguyễn Thị Bích Châu là con gái cưng của một cận thần dưới triều Trần, từ thời niên thiếu đã nổi tiếng xinh đẹp lại thông tuệ, giỏi văn chương, âm nhạc. Bà quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công. Bà được cha mẹ đặt tên Bích Châu, tự là Bích Lưu. Ngụ ý con gái của ông bà quý giá sánh với châu ngọc, lưu li ở trên đời.

Năm 16 tuổi - 1372, bà vào cung, được vua Trần Duệ Tông rất đỗi thương yêu, phong là ái phi. Sau một thời gian, bà Bích Châu nhận thấy đức quân vương tính nóng nảy, thiếu bản lĩnh, triều chính đang có nguy cơ rạn nứt, suy sụp. Bà đăm chiêu, chú tâm soạn thảo bản điều trần dâng vua, nhan đề: Kê minh thập sách - 10 kế sách trị nước an dân. Đại ý mượn tiếng gà gáy sáng để thức tỉnh nhà vua, với những lời tâm huyết được trải ra từng câu. Xem xong bản điều trần của ái phi Bích Châu, nhà vua cảm kích vỗ trán thốt lên: Không ngờ ái phi lại thông tuệ đến thế? May cho trong cung của trẫm xuất hiện một bậc Từ phi.

Nhưng sau đó, bản điều trần ấy không được vua quan tâm đến nên chẳng thực hiện một điều nào, thật đáng tiếc. Năm 1376, đất nước ta bị chúa Chiêm Thành Chế Bồng Nga thường sang gây hấn quấy rối. Và mùa đông năm đó, giặc lại tràn sâu vào lãnh địa của ta phá phách rất hung bạo. Vua Trần Duệ Tông giận dữ xuống chiếu ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Bà Bích Châu bồn chồn lo lắng dâng biểu khuyên can.

Rồi bà lại viết tiếp đoạn ngắn nhắc nhở nhà vua: Việc trị đạo nước trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn. Trị cái rắn nên dùng cái mềm, phục rợ xa cốt lất đức... Đó là thượng sách, xin quan gia xét đoán cho minh. Bài biểu dâng lên cũng không lay chuyển nổi nhà vua. Cung phi Bích Châu buồn lo than thở: Nghĩa lớn là vua tôi, ái tình là vợ chồng. Vậy mà không giỏi khuyên can để giữ nền bình trị, không biết khéo lời để ngăn lòng hiếu chiến, như thế ta đã là người vô dụng chăng? Biết nhà vua nhất định không chịu nghe, bà đành xin đi theo hộ giá.

Khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa biển Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Nghệ Tĩnh) trời bỗng nổi bão lớn. Đoàn thuyền chiến va vào nhau, nhiều cái bị đứt dây, dạt vào đá vỡ toang, quân lính chết vô số... Vua Duệ Tông nhất quyết đợi bão tan sẽ tiến binh tiếp. Bích Châu rất lo lắng. Bà chợt nhớ về truyền thuyết thần biển đòi mỹ nữ và nghĩ đến việc liều mình để giúp đất nước. Bà liền xin vua được hiến thân cho thần biển để thần phù hộ nhà vua chiến thắng. Mặc những lời can ngăn, bà vẫn một mực xin thực hiện ý nguyện của mình. Vua Trần Duệ Tông khi ấy còn đang bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì bà Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền và ban lệnh: ... Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước.

Mặc cho sóng đánh tới tấp, nước tràn lênh láng, bà Bích Châu vẫn tươi tắn đến sụp quỳ lạy nhà vua, cầu chúc nhà vua bình tĩnh và đại thắng, rồi quay về hướng bắc lạy cha mẹ, vái chào tử biệt hàng quan quân, trang nghiêm đến ngồi gọn vào trong lòng chiếc thuyền thoi nhỏ nhắn có cắm đại hoàng kỳ (cờ nhà vua). Chiếc thuyền được quan quân thòng dây thả từ từ xuống biển, giữa những cơn sóng thần liên tiếp quật nước lên cao. Bà Bích Châu bình tĩnh nắm dây nhắm mắt.

Sau khi bão ngớt và đoàn chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông đã đi khá xa, thi hài Bích Châu mới nổi trên mặt biển và trôi dần vào bờ. Bà được dân làng rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Đến nay, ngôi làng này vẫn thờ thần phi Bích Châu. Vì vua Trần Duệ Tông không nghe lời can gián, vẫn cho quân tiến sâu vào động Y Mang, đất Chiêm nên bất ngờ bị trúng mưu của giặc Bà Ma, một tướng của Chế Bồng Nga, toàn quân tan rã. Vua tử trận ở Đồ Bàn (Quy Nhơn ngày nay). Sử ghi đó là ngày 23 tháng Giêng năm 1377.

Lời bàn:

Mặc dù không được lưu danh trong chính sử nhưng giai thoại về Nguyễn Thị Bích Châu vẫn được truyền tụng theo thời gian. Bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, sẵn sàng hy sinh bản thân để đổi lấy bình yên cho nhiều người, đã trở thành tín ngưỡng, niềm tin tâm linh trong lòng người Việt. Chính vì vậy mà vua Lê Thánh Tông đã từng ngự giá đến dâng hương tại ngôi đền thờ bà và viết bốn chữ “nữ trung hào kiệt” rồi dán lên bài vị của bà. Và mặc dù thần phi Nguyễn Thị Bích Châu ra đi đã gần 7 thế kỷ trước nhưng tấm gương hy sinh vì nước, vì dân của bà vẫn còn chói sáng đến muôn đời sau.

Nói về sự nghiệp văn chương của bà, các sử gia thời nay đều có chung một nhận định là mặc dù những sáng tác của bà còn lại tuy rất ít nhưng chỉ với bài “Kê minh thập sách” đã là quá đủ để chứng tỏ ngòi bút sắc bén của cung phi nữ sĩ Bích Châu đáng bậc nữ lưu văn học dưới triều Trần Duệ Tông. Với bài văn này, nữ sĩ cung phi Bích Châu đã thực sự đóng góp vào nền văn học nước nhà nói chung và nền văn học viết từ đời Trần của giới nữ nói riêng, một áng văn bác học tinh tế. Với lời văn hùng hồn và thiết thực có giá trị như một ngọn đuốc soi đường cứu đất nước một cách tích cực, tỏ rõ tâm hồn tha thiết yêu nước thương dân.  

N.D

  • Từ khóa
109800

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu