Thứ 3, 30/04/2024 18:54:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:04, 10/12/2016 GMT+7

Xứng danh người thầy

Thứ 7, 10/12/2016 | 13:04:00 119 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nguyễn Đăng Tuân sinh năm Nhâm Thìn (1772) tại làng Phù Chánh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân trong một gia đình nho học, cha ông là tiến sĩ Nguyễn Đăng Hoành. Mặc dù có tài năng nhưng vào thời Tây Sơn, Nguyễn Đăng Tuân không ra làm quan mà đi ở ẩn. Trong 5 người trong gia đình cùng làm quan thời triều Nguyễn (Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đăng Hành, Nguyễn Đăng Cù, Nguyễn Đăng Cư) thì Nguyễn Đăng Tuân là người được lịch sử ghi nhận có những tư tưởng tiến bộ trong việc giúp vua trị nước, yên dân.

Vua Thiệu Trị là con trai đầu của Minh Mạng do bà Thuận Đức Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa sinh ra. Minh Mạng muốn hoàng tử sớm nối nghiệp mình, sớm trưởng thành nên đã ban truyền tuyển người về giảng tập lễ phép cho hoàng tử và các công chúa. Nguyễn Đăng Tuân vốn là một công thần hay chữ, thông nghĩa lý, làm quan được dân tin mến nên đã lọt vào mắt rồng. Khi ông đang giữ chức Tri huyện Ngọc Sơn liền được vua ban chỉ triệu về kinh làm thị giảng ở cung Chấn hành. Sau thời gian trực tiếp việc đèn sách giảng học đã làm cho ông có nhiều suy nghĩ về những phiến diện của đạo học thời ấy. Bởi thế đã có lần Nguyễn Đăng Tuân mạnh dạn tâu lên vua Minh Mạng những suy nghĩ của mình rằng: Các hoàng tử ở nhà tập thiện, lúc tiến, lúc dừng phần nhiều chưa hợp lẽ, nếu chỉ giảng tập lễ phép thường thôi thì sợ khó nên người có đức. Xin cho thêm chước khuôn phép giảng học...

 Lời tâu của Nguyễn Đăng Tuân thấu tình, đạt lý đã làm cho vua thấu rõ ruột gan càng khâm phục người dưới trướng mình nên tỏ ý nghe theo. Năm Minh Mạng thứ 14, những quy định điều lệ về đạo đức do Nguyễn Đăng Tuân soạn thảo chu đáo, rõ ràng, đúng đắn đem dâng lên và được vua phê chuẩn. Ông được phong hàm Thượng thư vào năm 1833.

Khi tuổi đã già, Nguyễn Đăng Tuân tâu xin lưu chức trở về quê dưỡng lão. Ngày vua Minh Mạng băng hà, hoàng tử Thiệu Trị lên ngôi, ông vào kinh viếng, được vua giữ lại để bổ hàm thượng Thư bộ Lễ. Biết mình tuổi cao, sức yếu nên ông khẩn thiết xin từ. Tuy thế, từ lòng tin ấy, ông lại làm biểu dâng lên vua tỏ lòng tạ ân sâu và xin góp những thiện kiến của nghĩa vua tôi với tình thầy trò, đạo thần dân. Trong tờ biểu dâng lên nhà vua, ông nêu rõ: Chỉ xin rộng một đạo hiếu để ban ra luân thường, rõ chín đạo thường mà lập đạo trị quốc... Và ông đã ghi rõ chín đạo thường đó là: sửa mình; thân yên trăm họ; tôn trọng người hiền; kính trọng đại thần; thể tất quân thần; thương yêu muôn dân; khuyên lơn trăm họ; phủ ủy người phương xa; bao dung nước chư hầu.

Sau khi vua Thiệu Trị đọc sớ, ngẫm nghĩ kỹ chín đạo thường, liền ra lời khen: Mấy lời này rạng rỡ hơn 2 đạo sớ... Tiên sinh đã chống gậy vào viếng tang, cảm kính do tự trong lòng, dâng bài biểu tạ để làm khuôn mẫu, lòng thành thực càng nhiều, lấy đấy mà bàn, hai họ sớ không bằng.

Khi ông về già, vua ban sắc phong nhưng ông lại từ chối dâng sớ luận đạo đời: Thần nghe nói người đời xưa nói rằng, phàm việc gì cũng nên để đức có thừa không hết về sau, làm quan nên lấy thanh bạch mà để cho con cháu... Và trong sớ này, ông đã từ chối hết những gì nhà vua ban thưởng: Thần chỉ xin kính lĩnh một kỳ để được vinh hạnh về của vua ban cho mà tỏ rõ đạo khuyến trung, khuyến hiếu của hoàng thượng... Xin chiếu theo chí của thần, chuẩn cho đình, miễn.

Phụng sự ba đời vua (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị), khi Nguyễn Đăng Tuân mất (thọ 73 tuổi), triều đình truy tặng ông danh hiệu Thiếu Sư, tên thụy là Văn Chính, cho khắc thơ vua tặng lên đá và dựng bia trong nhà thờ ông.

Lời bàn:

Từ xa xưa cho đến ngày nay, vùng đất Quảng Bình là địa linh nhân kiệt, là nơi sản sinh nhiều người con ưu tú, đóng góp công sức và tài năng to lớn cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, những danh nhân Quảng Bình luôn khẳng định vai trò, vị thế của mình trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Và Nguyễn Đăng Tuân là một trong những con người như vậy. Trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, các sử gia thời nhà Nguyễn đã viết về ông như sau: Nguyễn Đăng Tuân là người có tính thận trọng, ít nói và lối học chủ về nghĩa lý.

Chỉ với nhiêu đó cũng đã là quá đủ để tên tuổi và sự nghiệp của ông lưu danh thiên cổ. Song, với Nguyễn Đăng Tuân như thế là chưa hết, mà với ông trước hết và trên hết là nghĩa vua tôi, sau là tình thầy trò. Bởi vậy suốt thời gian trị nước, vua Thiệu Trị luôn lấy chín đạo thường của ông để soi sáng cho mình lo việc yên dân vững bề trị quốc. Đạo làm quan của Nguyễn Đăng Tuân thực sự là tấm gương sáng để con cháu soi chung và muôn dân kính nể. Một đời làm quan đại triều, làm thầy hết lòng nên được vua cả trọng, dân kính nể như ông thì quả là người sống xứng đáng làm đẹp cho gia đình, dòng tộc, cho quê hương đất nước vạn đời sau.

N.D

  • Từ khóa
109868

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu