Thứ 4, 01/05/2024 01:38:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:55, 13/06/2017 GMT+7

Danh tướng muôn đời

Thứ 3, 13/06/2017 | 08:55:00 207 lượt xem

BP - Theo sách “Lam Sơn thực lục”, sau khi Thái Phúc ra đầu hàng, Lê Văn An được lệnh tiến ra Đông Quan. Bấy giờ, Lam Sơn đã thắng trận quyết chiến chiến lược vang dội ở Tốt Động - Chúc Động, đẩy Tổng binh Vương Thông của giặc từ vị trí của một viên tướng đi cứu nguy, trở thành kẻ kêu cứu thảm thiết. Cũng lúc bấy giờ, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh ở Chi Lăng - Xương Giang. Đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ nhất của Lam Sơn đã được điều động vào trận đánh lịch sử này. Ngoài ra, một bộ phận khác đã được điều lên ải Lê Hoa để đánh chặn đạo quân của Mộc Thạnh và một bộ phận khác nữa cũng được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, dụ hàng thành Đông Quan.

Minh họa:S.H

Lê Văn An vinh dự được cùng với tướng Nguyễn Lý đem 3 vạn quân tiếp ứng cho các tướng sĩ Lam Sơn ở trận Chi Lăng - Xương Giang. Ông là một trong những tướng đã lập công lớn trong trận tập kích vào Xương Giang (tháng 11-1427). Trong sách “Đại Việt thông sử” (phần Chư thần truyện) có đoạn chép rằng: Lê Lợi lại sai ông cùng Lê Lý (tức Nguyễn Lý) đem 3 vạn quân lên hỗ trợ cho tướng Lê Sát làm thế ỷ giốc (nghĩa là trên dưới, sau trước, phải trái và trong ngoài cùng dựa vào nhau). Ông liên tục đánh phá quân của Thôi Tụ và Hoàng Phúc, vây hãm chúng ở Xương Giang. Kế đến, ông cùng các tướng hợp sức đánh phá giặc, bắt sống được Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng 3 vạn quân địch. Thiên hạ từ đó đại định”.

Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, Lê Văn An được phong là Nhập nội Tư mã, dự triều chính, hàm Suy Trung Bảo Chính Công thần. Năm 1429, nhà Lê dựng biển khắc tên công thần, Lê Văn An cũng có tên ở trong số đó. Cũng năm này, ông được ban tước Đình Hầu, được gia hàm Tán Trị Hiệp Mưu Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu Tư không, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự. Tháng 2-1434, Lê Văn An được cử làm Tư mã Bắc Đạo và nhờ có công trấn trị ở vùng này, ông được gia phong làm Nhập nội Đại Tư mã, Đô Đốc Đồng Tổng quản Bắc Đạo.

Tháng 2-1434, đời Lê Thái Tông, Lê Văn An được cử làm tư mã Bắc Đạo. Khi ấy, có viên trấn quản Lạng Sơn là Hoàng Nguyên Ý vốn là phụ đạo Lạng Sơn thời thuộc Minh  đã cùng với Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh quy thuận quân nghĩa quân Lam Sơn, được Lê Thái Tổ phong làm Thượng tướng và vẫn cho giữ Lạng Sơn. Chiến tranh kết thúc, các tướng triều đình được cử lên trấn trị là Lê Lộng, Lê Đồ không khéo vỗ về nên Hoàng Nguyên Ý mang lòng oán giận. Lúc đó, Nguyên Ý vào kinh triều kiến thì con cả Thái Tổ, anh Thái Tông là quận vương Lê Tư Tề có người vợ lẽ vì phạm lỗi nên bị đuổi đi. Nguyên Ý nhân gặp người vợ lẽ của Tư Tề thì đem bụng thích nên mang giấu về Lạng Sơn. Sau đó, Ý cùng Hoàng Văn Ngạc, Nguyễn Thế Ninh khởi binh chống triều đình. Có người gia nô của Ý là Phi Báo bị Ý đánh đòn nên oán chủ, chạy đến chỗ Lê Lộng, Lê Đồ tố cáo rằng Ý đã dấy binh làm phản.

Lê Thái Tông liền sai Lê Văn An mang quân đi đánh. Ông mang quân tới nơi thì Ngạc đã bị trấn binh Lạng Sơn giết chết, Nguyên Ý và Thế Ninh bỏ vợ con chạy sang đất nhà Minh. Ông bèn sai lùng bắt thân thuộc, nô tỳ, gia súc của mấy người làm phản cùng trấn binh địa phương trên 1.000 người mang về dâng nộp. Vua Thái Tông hạ lệnh tha hết dân thường, chỉ có gia thuộc những người làm phản bị sung làm nô tỳ của các quan. Lê Văn An có công được phong làm Nhập nội đại tư mã, Đô đốc đồng tổng quản Bắc Đạo. Tuy nhiên trong cuộc đánh dẹp này, ông bắt bớ tràn lan, thành ra quấy nhiễu kinh động nhân dân nên bị dư luận khi đó chê trách.

Tháng 6-1437, Lê Văn An qua đời vì bệnh. Vì chưa rõ năm sinh nên cũng chưa rõ khi mất, ông hưởng thọ bao nhiêu tuổi. Sinh thời, trong số võ tướng, ông là người hòa nhã và giản dị, thường dùng lễ để tiếp đãi các bậc đại sĩ phu.

Lời bàn:

Phong trào khởi nghĩa Lam Sơn là hiện tượng khá đặc biệt trong sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tưởng chừng như sau cuộc quật khởi của nhà hậu Trần thất bại, hiền tài nước Việt khi ấy đã mất mát quá nhiều, nguyên khí không còn đủ để làm nên nghiệp lớn. Thế nhưng thật bất ngờ là chỉ sau đó một thời gian không lâu (từ năm 1414-1418), phong trào Lam Sơn đã làm nên những chiến công hiển hách phi thường. Để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, trước hết Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn thời ấy đã tạo được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để chống lại kẻ thù xâm lược. Bên cạnh đó, khởi nghĩa Lam Sơn mà đứng đầu là Lê Lợi đã quy tụ được đội ngũ tướng lĩnh tài ba.

Các võ tướng theo Lê Lợi từ lúc đầu là những người có khí phách anh hùng, với lực lượng vỏn vẹn chỉ có mấy trăm quân lính nhưng chẳng những đã dám chống lại, mà còn chiến thắng oanh liệt trước một đế quốc phong kiến hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Chính những điều này đã làm cho tên tuổi của Lê Lợi cùng những danh tướng như Lê Văn An, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt, Lê Khôi, Lê Lai, Lê Lăng, Lê Lộng, Lê Ngân, Lê Niệm, Lê Sát, Lê Thạch, Lê Thận... mãi mãi được hậu thế tôn vinh. Điều quan trọng hơn cả là các danh tướng thời Lê sơ đã để lại cho đời sau nhiều bài học quý giá về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh chống ngoại xâm.

N.D

  • Từ khóa
109924

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu