Thứ 3, 30/04/2024 10:56:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:58, 07/08/2018 GMT+7

Hồ tiêu và con đường dẫn dắt thị trường thế giới - Bài 1

Thứ 3, 07/08/2018 | 08:58:00 297 lượt xem

>> Bài 1: Những bước chân đơn lẻ
>> Bài 2: Giọt nước sạch hòa vào biển lớn
>> Bài 3: Lối đi cho hồ tiêu Bình Phước
>> Bài 4: Cần một đề án tầm cỡ quốc gia

NHỮNG BƯỚC CHÂN ĐƠN LẺ

BPO - Uy tín, thương hiệu là điều quan trọng nhất để một sản phẩm tồn tại trên thị trường. Như một số nông sản khác, dù ở ngôi vị quán quân về số lượng xuất khẩu, nhưng hồ tiêu Việt Nam lại chưa có thương hiệu trên bản đồ thị trường thế giới. Đã đến lúc quản lý nhà nước, chuyên gia trong ngành hồ tiêu và nông dân cùng liên kết chặt chẽ nhằm khẳng định vị thế của hồ tiêu Bình Phước, hồ tiêu Việt Nam. Làm được điều này, phải xóa bỏ những bước chân lẻ loi trên con đường chinh phục thị trường thế giới và liên kết cùng nhau như câu ngạn ngữ “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

CHÍNH SÁCH CHO HỒ TIÊU

Là ngành hàng xuất khẩu có giá trị hơn 1 tỷ USD mỗi năm, hồ tiêu được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào định hướng chiến lược là một trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta, đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, giải quyết đời sống kinh tế cho hàng chục ngàn hộ nông dân, trong đó có nông dân Bình Phước.

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu của đề án có nội dung tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Quyết định có nêu rõ đến năm 2020 ổn định diện tích trồng tiêu ở mức 50.000 ha ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

Ngày 28-10-2014, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định số 2313/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 2537/QĐ-UBND ngày 12-11-2015 về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 472 ngày 3-10-2016 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020. Theo kế hoạch, sản phẩm hồ tiêu đang nằm trong những sản phẩm có giá trị cao, mang tính chiến lược. Đến năm 2020, phát triển diện tích hồ tiêu của Bình Phước 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha, bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác hướng GAP, tập trung phòng trừ sâu bệnh. Sử dụng những giống có chất lượng cao, ít sâu bệnh, có khẳ năng chống chịu với sâu bệnh, đặc biệt bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu. Nâng cao chất lượng hạt tiêu, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản xuất hồ tiêu theo VietGAP; tiếp tục mở rộng chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu bền vững trong phạm vi toàn tỉnh.

Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu về thị trường tiêu Bình Phước nhưng đến nay người trồng tiêu vẫn đang tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trong ảnh: Đại diện tổ chức nông nghiệp Hà Lan khảo sát vườn tiêu sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Hợp tác xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp.

Những đóng góp của ngành hồ tiêu vào giá trị nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng được cả thế giới công nhận, ngành nông nghiệp cũng xác định hồ tiêu là nông sản chủ lực, thế nhưng trong vòng 7 năm số lượng văn bản, đề án, chính sách dành cho hồ tiêu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao diện tích hồ tiêu cứ tăng lên hàng năm nhưng sản lượng giảm xuống. Đặc biệt, hồ tiêu đã có mặt tại Bình Phước hơn 80 năm nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định. Cụ thể, hiện Bình Phước có 17.178 ha tiêu, tăng 726 ha so với năm 2017, năng suất niên vụ 2017-2018 chỉ đạt 14 tạ/ha, sản lượng 18.736 tấn, giảm 14.940 tấn so với năm 2017. Diện tích tăng nhưng năng suất và sản lượng giảm nhiều so với những năm trước đây. Cụ thể năm 2015, diện tích chỉ 13.843 ha nhưng năng suất đạt 29,01 tạ/ha, sản lượng đạt 25.919 tấn. Diện tích tiêu tập trung ở các huyện Lộc Ninh với 4.743 ha, Bù Đốp 4.489 ha, Bù Gia Mập 2.292 ha, Hớn Quản 2.006 ha, thị xã Bình Long 1.190 ha và 2,583 ha ở các huyện, thị còn lại. Mặc dù theo đề án đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 14.500 ha nhưng thực tế hiện nay đã vượt xa con số này. Ngành chức năng chỉ định hướng bằng khuyến cáo, không có chế tài nào để can thiệp việc người nông dân tăng hay giảm diện tích.

ĐI TÌM MỘT CÁI TÊN

Mặc dù được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu nhưng thật đáng buồn là cho đến nay Bình Phước chưa có một giống tiêu nào được chọn lựa là giống tiêu của tỉnh và tỉnh cũng chưa có lộ trình cụ thể trong quá trình xây dựng thương hiệu hồ tiêu Bình Phước...

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 70% là giống tiêu Vĩnh Linh, 30% còn lại là tiêu sẻ, Ấn Độ, tiêu Trung… là tất cả những giống tiêu đang được nông dân Bình Phước trồng. Theo những người trồng tiêu ở huyện Lộc Ninh, cây tiêu được người Pháp đem tới đất Lộc Ninh sớm nhất, khoảng gần 100 năm trước. Về nguồn gốc, cây tiêu được trồng và sử dụng làm gia vị từ thế kỷ 13 tại Ấn Độ. Vì vậy nhiều người cho rằng, có thể giống tiêu Ấn Độ được đem đến vùng đất Lộc Ninh trồng. Tuy vậy chính xác giống tiêu nào được trồng cách đây gần 100 năm thì không ai khẳng định.

Tiêu được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và dùng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh sẽ cho năng suất cao ổn định

Thập niên 80-90 của thế kỷ 20, trên đất Bình Phước nông dân chủ yếu trồng các giống tiêu sẻ, Ấn Độ và tiêu Trung. Sau đó, giống tiêu Phú Quốc được đem đến đất Bình Phước trồng nhưng năng suất không đạt. Hầu hết nhà vườn luôn trồng song song 2 giống tiêu sẻ và tiêu Ấn Độ hoặc tiêu sẻ và tiêu Trung. Cách trồng này bảo đảm việc mất mùa - được mùa trong một vườn tiêu và sự chênh lệch về thời gian thu hoạch. Giống tiêu Trung có một quy luật là cách một năm được mùa một lần và luôn chín trước tết Nguyên đán, còn giống tiêu sẻ năng suất bảo đảm và cho thu hoạch sau tết.

Thời điểm này, để bảo đảm cây tiêu trồng mới sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, nông dân không sử dụng lại giống tiêu trong vườn mà đến các vườn tiêu của nông dân địa bàn khác trong tỉnh mua giống khi mở rộng diện tích. Kinh nghiệm chọn giống cũng là truyền tai nhau hoặc từ thực tiễn giống tiêu đang trồng trong vườn đạt năng suất cao thì mua về trồng tiếp.

Hạt tiêu Bình Phước có vị cay nồng, thơm và được sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của Công ty Gia vị Nedspice. Trong ảnh: Tiêu sau khi hái được tuốt ra đem phơi và bán cho công ty thu mua

Từ khi xuất hiện trên đất Bình Phước, cây tiêu đã được gọi là cây xóa đói giảm nghèo, nghĩa là dù ít đất hay nhiều đất người nông dân vẫn trồng được tiêu. Năm 1970, diện tích tiêu trên cả nước chỉ 400 ha. Thế nhưng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, cây tiêu bắt đầu có giá và trở thành nguồn thu chính của những người trồng tiêu trên đất Bình Phước. Đến những năm cuối thập niên 90, giá tiêu tăng cao và nông dân như “lượm được vàng” khi giá tiêu được tính so với giá vàng. Chính vì vậy mà diện tích hồ tiêu của Bình Phước tăng lên theo cấp số nhân.

Một thời kỳ vàng son nữa của hạt tiêu đó là giai đoạn 2014-2016, khi giá tiêu bắt đầu gia tăng mạnh và đạt ngưỡng 250 ngàn đồng/kg. Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cải tạo vườn tiêu và tăng diện tích trồng mới. Không chỉ chuyển đồi cây trồng mà nông dân còn trồng tại những khu đất không phù hợp cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển. Điều này dẫn tới một hệ lụy là phá vỡ quy hoạch cây hồ tiêu.

Diện tích tiêu vẫn tăng thế nhưng đến hết năm 2017 chưa có một giống tiêu nào được khẳng định phù hợp với phần lớn khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Phước. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị chuyên môn công nhận một giống hồ tiêu ưu thế được đặt tên là BP-TĐT1 tại xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh có ưu điểm năng suất cao đưa vào sản xuất.

“Gia đình tôi có mấy ngàn trụ tiêu nhưng chưa nghe trụ tiêu nào được gọi một cái tên riêng mang tính chất “sở hữu” của giống hồ tiêu Bình Phước. Gần 1 thế kỷ - thời gian xấp xỉ bằng 8 vòng đời của cây tiêu (những trụ tiêu sinh trưởng bình thường, không bị sâu bệnh chết sớm) nhưng việc đưa ra giống tiêu cho Bình Phước quá muộn màng, khác nào hơn bao năm qua hồ tiêu Bình Phước ở tình trạng “mượn hình thay bóng”, theo kiểu “hồn trương ba, da hàng thịt””, một nông dân trồng tiêu ở Lộc Ninh nỗi niềm.

PV. BĐT

Link bài viết: http://baobinhphuoc.com.vn/Content/ho-tieu-va-con-duong-dan-dat-thi-truong-the-gioi-bao-dien-tu---bai-1-9598

  • Từ khóa
42895

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu