Thứ 4, 01/05/2024 00:14:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:37, 20/04/2019 GMT+7

3 nguyên nhân và các giải pháp giảm bạo lực học đường

Thứ 7, 20/04/2019 | 14:37:00 2,035 lượt xem
BP - Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, nhưng thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những video clip trên mạng xã hội đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng này. Các bậc cha mẹ, thầy cô giáo khi xem những video clip đó đều không khỏi đau lòng và trăn trở. Dù các bộ, ngành, nhà trường và xã hội đều có biện pháp để chấn chỉnh, nhưng chưa hiệu quả. Phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh, giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước về vấn đề này.

PV: Thời gian gần đây trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những video clip một học sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng, cô cảm thấy như thế nào khi xem những video clip đó?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh: Là một nhà chuyên môn và công tác trong ngành giáo dục 24 năm, tôi rất đau lòng khi xem những video clip bạo lực học đường như vậy. Đau lòng hơn khi địa điểm chính là trong lớp học và sự việc diễn ra trước sự thờ ơ, vô cảm từ những người bạn học của các em. Vết thương thân thể có thể lành trong nay mai, nhưng vết thương tinh thần, tôi không biết bao giờ các em mới lành lặn được.

Ngoài giờ học, sân chơi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sẽ giúp trẻ giải phóng năng lượng dư thừa và gắn kết mối quan hệ với bạn bè hơn

PV: Từ đầu năm đến nay, những video clip như vậy xuất hiện trên mạng xã hội khá nhiều. Theo cô, đâu là nguyên nhân?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh: Theo tôi, có 3 nguyên nhân dẫn đến các em có hành vi bạo lực học đường. Đầu tiên là yếu tố gia đình. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, văn hóa gia đình, cách cư xử của người lớn tác động rất nhiều đến hành vi ứng xử của các em. Cha mẹ quá khắt khe, kỳ vọng hoặc dạy dỗ bằng các biện pháp kỷ luật sẽ gây nên áp lực tâm lý cho các em. Khi tư tưởng bị gò bó không giải tỏa được, các em sẽ đem sự ức chế đó bùng nổ ở mối quan hệ khác. Ngược lại, nếu cha mẹ chiều chuộng con quá mức, cho đi mà không đòi hỏi nhận lại cũng làm cho con có tâm lý háo thắng, thích gì được nấy và dễ dàng tụ tập, bị lôi kéo bởi hành vi xấu.

Ngoài gia đình, nhà trường cũng tác động không nhỏ tới việc hình thành nhân cách của các em. Dù có đầy đủ các tổ chức như đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên... nhưng những tổ chức này ở các trường vẫn bị xem nhẹ, hoạt động  còn mang tính hình thức. Hoạt động mang tính giáo dục đạo đức như thiện nguyện, giúp đỡ bạn bè hay sân chơi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để khẳng định bản thân các em chưa có nhiều lựa chọn. Phần lớn nhà trường chỉ chú trọng đến hoạt động học tập, dạy chữ. Ngoài ra, cùng với sự phát triển, môi trường xã hội hiện nay thực sự là một “ma trận” với học sinh. Những kênh thông tin tốt không được các bạn chia sẻ nhiều, trong khi hình ảnh, video clip về bạo lực, tệ nạn xã hội lại lan truyền với tốc độ chóng mặt. Từ những điều ấy, tôi nghĩ rằng các em dễ dàng cư xử bạo lực với bạn bè nếu chúng ta không có phương pháp dạy dỗ phù hợp.

PV: Trong các video clip, khi thấy bạn mình bị đánh hội đồng nhưng hầu như không can ngăn, thậm chí có em còn hỗ trợ túm áo, túm tóc hoặc đơn giản là quay lại những video clip đó. Điều này thể hiện điều gì, thưa cô?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh: Mọi người dễ dàng nhận ra sự vô cảm của trẻ, của học sinh hiện nay. Thực tế điều này không chỉ xảy ra với trẻ mà cả người lớn. Ở lứa tuổi học sinh, nhận thức về giá trị xã hội còn non yếu, các em thường học sự vô cảm từ tấm gương của người lớn. Chúng ta dễ nhận thấy hiện nay rất ít trẻ thể hiện sự yêu thương ra bên ngoài với mọi người, thấy người gặp khó không quan tâm và không sẵn sàng giúp đỡ. Ngược lại, các em thích tạo ra những sự việc hoặc “scandal” để gây chú ý. Đây cũng là hồi chuông báo động với các bậc cha mẹ. Vì vậy, cần có biện pháp để các em không vô tâm trước hoàn cảnh khó khăn. Có như vậy các em mới không tham gia vào việc đánh bạn hội đồng. Thay vào đó, các em sẵn sàng can ngăn và hỗ trợ bạn.

PV: Theo cô, chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng bạo lực cũng như sự vô cảm ở một bộ phận giới trẻ hiện nay?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thị Lan Anh: Theo tôi, căn cứ từ 3 nguyên nhân đã nêu để đưa ra giải pháp. Trong đó, tôi nghĩ quan trọng nhất cha mẹ nên quan tâm sâu sắc hơn, tùy độ tuổi của con mà hãy làm bạn để nghe và hiểu trẻ hơn nữa. Việc thường xuyên trò chuyện sẽ giúp cha mẹ nhận ra sự thay đổi của con, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn cũng như giúp con xử lý tình huống phát sinh trong cuộc sống. Quan điểm “Thương cho roi cho vọt” đã không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Thay vào đó cha mẹ hãy lắng nghe và chia sẻ với trẻ bằng tình thương yêu.

Tiếp theo, ở môi trường trường học, nhà trường cần tạo thêm nhiều sân chơi, tạo nhiều cơ hội giao lưu lớp, khối, nhóm, giới tính... để các em có cơ hội yêu thương và chia sẻ. Ngoài ra, thông qua các cuộc thi, trẻ có cơ hội để khẳng định niềm đam mê, ưu điểm của bản thân. Đặc biệt, tôi nghĩ nhà trường cần tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về bạo lực học đường để các em có cái nhìn đúng đắn và tự răn mình. Đồng thời, cần thành lập một trung tâm hỗ trợ tâm lý, chuyên gia tâm lý học đường, qua đó hướng dẫn các em khả năng điều tiết, kiểm soát cảm xúc để xử lý khéo léo các tình huống, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

Trong quá trình đô thị hóa như hiện nay, chúng ta cũng nên xây dựng thêm sân chơi thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ... để các em có cơ hội thể hiện mình và giải phóng năng lượng dư thừa trong người. Nếu các yếu tố này được kết hợp lại, tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết tốt tình trạng này.

PV: Cảm ơn cô!                  

Thanh Nga (thực hiện)

  • Từ khóa
88502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu