Thứ 3, 30/04/2024 18:03:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:30, 28/10/2018 GMT+7

Bà bầu đi học “tiền sản”

Chủ nhật, 28/10/2018 | 08:30:00 290 lượt xem
BP - Không phải ngẫu nhiên mà các bác sĩ đều khuyên phụ nữ mang thai nên đi học tiền sản, nhất là những người mang thai lần đầu. Việc đi học giúp bà bầu chuẩn bị tốt cho kỳ sinh nở, kiểm soát cơn chuyển dạ khi sinh và chuẩn bị an toàn cho em bé mới chào đời. Lớp học tiền sản cung cấp cho các bà bầu và người thân những kiến thức cơ bản để chuẩn bị làm cha mẹ, nuôi dạy con và ứng phó với những trường hợp rủi ro trong quá trình mang thai. Tuy nhiên ở Bình Phước rất hiếm những lớp học miễn phí như vậy.

Thực tế, không có mốc thời gian hợp lý cho bà bầu học tiền sản. Theo các chuyên gia, nếu có thời gian, bạn có thể đi học ngay khi có thai. Tuy nhiên, đa phần các bà bầu chọn học từ tháng thứ 7 thai kỳ, bởi cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để đỡ mệt mỏi do thai nghén.

“Học tiền sản là học cái gì?”

Lớp học tiền sản do Bệnh viện Hoàn Mỹ - Bình Phước tổ chức là chương trình đầu tiên tại tỉnh về tiền sản. Lớp học được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hồng Vân (Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ) chia sẻ về các nội dung như dinh dưỡng thai kỳ, chọn sinh thường hay sinh mổ và tại sao bà bầu phải tập yoga? Bà bầu sẽ được học những bài thể dục đơn giản và tư thế thuận tiện để sinh con. Bà bầu cũng được hướng dẫn thở, điều hòa hơi thở để có một kỳ “vượt cạn” an toàn nhất cho mẹ và bé. Cùng với đó, chồng của bà bầu sẽ được học một số kỹ năng hữu ích để chia sẻ cùng vợ trước những khó chịu của tháng cuối cùng thai kỳ và chuẩn bị tốt sẵn sàng lâm bồn.

Chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) đang mang thai tháng thứ 8. Chị đăng ký lớp học tiền sản trước hết vì tò mò nhưng sau khi trải nghiệm hết các hoạt động tại lớp học, chị cảm thấy thực sự hữu ích và tiếc nuối không tìm hiểu để tham gia sớm hơn. Chị Hạnh chia sẻ: Tôi mang thai lần đầu nên lo lắng rất nhiều. Tuy nhiên tôi chủ quan cho rằng kiến thức có thể tìm trên mạng, đến bác sĩ theo dõi thai kỳ đúng hẹn là ổn. Tham gia lớp tiền sản này, tôi thấy nhiều bà bầu ở đây cũng giống mình bởi có kiến thức nhưng không biết áp dụng sao cho đúng. Những kiến thức rất mới mà bác sĩ Vân chia sẻ tôi mới hiểu rõ như là “thai độc”, lợi ích của phương pháp “da kề da”, yoga cho người mang thai.

Phụ nữ mang thai được hướng dẫn các bài tập yoga phù hợpPhụ nữ mang thai được hướng dẫn các bài tập yoga phù hợp

Cũng vì hiếu kỳ mà đến với lớp tiền sản nhưng chị Hồ Thị Nhung, công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú lại hoàn toàn bất ngờ với nội dung thiết thực của buổi học. Chị Nhung chia sẻ: Em đọc báo mạng thấy bác sĩ khuyên khi mang thai nên ăn đủ 4 nhóm chất canxi, axít folic, DHA và lipit. Tuy nhiên xưa nay em vẫn nghe người lớn khuyên ăn cua đồng có nhiều canxi chứ không phải sữa, axít folic có nhiều trong thịt đỏ chứ không phải bông cải xanh, DHA có nhiều trong cá nhưng không biết đó là cá hồi... Những lời khuyên của bác sĩ Vân đã khiến em cảm thấy cần thay đổi thói quen dinh dưỡng để tốt cho mẹ và con.

Chị Hồng Vân, thành viên Ban tổ chức lớp tiền sản cho bà bầu Bệnh viện Hoàn Mỹ - Bình Phước cho biết: Khi phát thư mời cho khoảng 50 người tham gia lớp tiền sản, hầu hết các bà bầu đều hỏi: “Học tiền sản là học cái gì hả chị?”. Nhưng khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, được bác sĩ Vân truyền đạt kiến thức một cách vô cùng dí dỏm với những câu chuyện thực tế nên nhiều bà bầu hào hứng. Kết thúc buổi học dù khá muộn so với thời gian dự kiến nhưng một số bà bầu đã nán lại để nhờ bác sĩ Vân tư vấn thêm về sức khỏe cá nhân.

Nên sinh thường hay sinh mổ và phương pháp da kề da

Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: Các lớp học tiền sản mang lại rất nhiều lợi ích cho bà bầu vì đó là giai đoạn chuẩn bị quan trọng để họ vượt cạn thành công. Thời gian qua, tuy công tác truyền thông được chú trọng thông qua hoạt động của các câu lạc bộ tiền hôn nhân, xét nghiệm sàng lọc trước sinh... nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy, đây là một nội dung ngành sẽ quan tâm đầu tư để góp phần nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.        

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Vân kể, 10 năm trước, khi còn công tác ở Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh), tỷ lệ sinh thường/sinh mổ là 80/20, nhưng thời gian gần đây tỷ lệ này là 40/60. Nguyên nhân ngày càng nhiều bà bầu lựa chọn phương pháp sinh mổ là do sợ đau, do cơ địa, do “con cầu, con khẩn”, do bác sĩ chịu nhiều áp lực và còn có lý do... thầy bói. Bác sĩ Vân cho biết: Có trường hợp vừa qua giờ giao thừa thì sản phụ gọi điện trực tiếp cho bác sĩ năn nỉ: “Bác ơi vào mổ giúp con, thầy bói nói con con ra đời giờ này thì gia đình con mới có tài, có lộc, lớn lên cháu phương trưởng, thành công”. Mặc dù bác sĩ đã hết lời giải thích nhưng gia đình và sản phụ cứ khăng khăng tin... thầy bói cho nên phải mổ. Và không biết lớn lên con của sản phụ “yêu cầu mổ đúng giờ” có thành công không, nhưng theo các bác sĩ sản khoa việc sinh mổ đối diện nhiều nguy cơ như đau và nhiễm trùng vết thương sau mổ, sẹo lồi, em bé không được kích hoạt các chức năng như sinh thường và tốn kém chi phí. Thế nhưng vì sự tiện ích của phương pháp này mà nhiều sản phụ đã lờ đi rất nhiều cái lợi của việc sinh thường.

Cũng ít ai quan tâm đến việc phải cho em bé tiếp xúc với mẹ bằng phương pháp da kề da ngay khi chào đời. Bác sĩ Vân giải thích: Ngay khi rời bụng mẹ ra ngoài em bé sẽ bị “xì trét” vì thay đổi môi trường, cho nên việc da kề da sẽ giúp chống nhiễm trùng, chống “sốc” cho em bé. Cũng nhờ da kề da mà em bé có phản xạ mở mắt, tai nghe tim mẹ đập, khóc to để phổi nở, kích hoạt hệ hô hấp làm việc, đồng thời bé cũng sẽ khiến những dòng “sữa non kim cương” của mẹ tràn về mà không phương pháp nào hữu hiệu bằng.

Yoga cho bà bầu

Chị Hoàng Thị Thanh Nga, huấn luyện viên yoga Câu lạc bộ An Nhiên, phường Tân Phú (Đồng Xoài) cho biết: Yoga là bài tập thể dục cho bà bầu tuyệt vời, giúp tăng tính linh hoạt và chuyển động dẻo dai cho cơ thể. Yoga còn được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm stress và hạn chế lo lắng. Điều này đặc biệt quan trọng, bởi khi đến giai đoạn chuẩn bị “lâm bồn”, mẹ rất dễ mất bình tĩnh. Nhờ những lợi ích từ việc tập yoga sẽ giúp mẹ “đối phó” được với những cơn đau, tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu, giảm nguy cơ tiểu không tự chủ, sa ruột và bàng quang. Những bài tập từ yoga còn hỗ trợ hít thở và khả năng chịu đựng của cơ thể để chuẩn bị cho việc “lâm bồn”, nhất là giảm căng cơ bắp toàn thân.

Hơn 1 giờ hướng dẫn bà bầu các bài tập yoga, huấn luyện viên Hoàng Thị Thanh Nga đã dành phần nhiều thời gian giúp họ hít thở. Chị Nga giải thích, luyện tập hít thở sâu thường xuyên sẽ cải thiện lưu thông ôxy qua nhau thai tới thai nhi, kết nối, gắn bó tình cảm giữa mẹ và bé ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Theo dõi vợ tập yoga dành cho bà bầu, anh N.V.T, công nhân Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú chia sẻ: Vậy mà từ khi vợ có bầu đến giờ (6 tháng), tôi toàn khuyên vợ không nên vận động mạnh. Giờ tham gia lớp học mới biết mình sai. Tôi sẽ khuyên vợ kiên trì tập yoga để 3 tháng cuối thai kỳ khỏe mạnh, “vượt cạn” thành công.

P.Dung

  • Từ khóa
58521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu