Thứ 4, 01/05/2024 01:02:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:48, 24/04/2019 GMT+7

Quy định về kỷ luật CBCC và những bất cập

Thứ 4, 24/04/2019 | 13:48:00 566 lượt xem

BP - Luật Cán bộ, công chức (CBCC) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13-11-2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Với sự ra đời của luật này, hệ thống các quy định về CBCC nói chung, về kỷ luật CBCC nói riêng đã được hoàn thiện một bước, góp phần xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm, xây dựng đội ngũ CBCC ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, qua gần 10 năm áp dụng vào thực tiễn, một số quy định về kỷ luật CBCC đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kỷ luật của một bộ phận CBCC trong những năm qua diễn biến phức tạp, với số lượng nhiều, trở thành rào cản trong quá trình đổi mới và hội nhập, phát triển đất nước.

Bất cập thứ nhất là về đối tượng được miễn trách nhiệm kỷ luật: Tại Điều 77, Luật CBCC quy định: CBCC được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; do bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Với quy định này chưa khái quát hết được các trường hợp mà CBCC được miễn trách nhiệm trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao. Vì trong các quy định của pháp luật hiện hành chỉ đề cập đến sự kiện bất khả kháng với nghĩa là: “Sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Trong trường hợp này, CBCC không có lỗi, do đó, không thể truy cứu trách nhiệm kỷ luật với họ. Đó là chưa kể đến trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình huống mất năng lực hành vi dân sự cũng cần được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, những trường hợp này lại không được đề cập trong luật. Vì vậy, trong văn bản quy định chi tiết hoặc khi sửa đổi, bổ sung luật này cần phải quy định rõ ràng hơn những trường hợp thuộc về “bất khả kháng”.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài (ảnh minh họa) - K.BNgười dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài (ảnh minh họa) - K.B

Bất cập thứ hai về các hình thức kỷ luật: Tại Khoản 3, Điều 78 của luật này có quy định: Cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc. Với quy định này thì “bị thôi việc” là hậu quả bất lợi mà cán bộ phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội bị tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo. Và tại Khoản 3, Điều 79 quy định: Công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm. Như vậy, nếu so sánh quy định tại Khoản 3, Điều 78 với Khoản 3, Điều 79 về các hình thức kỷ luật của công chức, thì có thể hiểu bị thôi việc là hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, đây không phải là một trong 4 hình thức kỷ luật đối với cán bộ. Bởi, tại Khoản 1, Điều 78 có quy định: Cán bộ vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.

Bất cập thứ ba là về hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức: Tại Khoản 8, Điều 7 của Luật CBCC giải thích: Giáng chức là việc công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị hạ xuống chức vụ thấp hơn. Với quy định này, nội dung của điều luật chưa trù liệu hết các hệ quả pháp lý đối với trường hợp giáng chức. Cụ thể, đối với những trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu bị giáng chức thì sẽ bị hạ xuống mấy cấp chức vụ? Hơn nữa, khi các chức vụ, lãnh đạo quản lý trong một cơ quan nhà nước đã được bố trí đầy đủ và đúng định mức theo quy định của pháp luật thì bố trí công vụ đối với cán bộ lãnh đạo bị giáng chức như thế nào? Hoặc nếu trong cơ quan, đơn vị không còn chức vụ nào trống thì người bị giáng chức sẽ ở vị trí nào, chức vụ gì? Bên cạnh đó, nếu công chức bị kỷ luật giáng chức mà đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cấp phó phòng thì bị giáng xuống chức vụ nào?

Bất cập thứ tư là về thời hiệu xử lý kỷ luật: Về thời hiệu xử lý kỷ luật, tại Khoản 1, Điều 80 của Luật CBCC năm 2008 quy định: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Như vậy, việc tính thời hiệu trong trường hợp hành vi vi phạm của CBCC không có dấu hiệu tội phạm thì theo quy định nêu trên là hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu hành vi vi phạm của CBCC có dấu hiệu tội phạm thì cần phải xem xét lại việc quy định thời hiệu này. Vì hành vi vi phạm của CBCC có dấu hiệu của tội phạm nên đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật nên phải xem xét xử lý kỷ luật. Trong trường hợp này, nếu thời điểm mà cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật nhận được hồ sơ vụ việc do người ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án chuyển sang chưa quá 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm, thì việc xử lý kỷ luật không có vấn đề gì phải bàn. Nhưng nếu đã quá 24 tháng kể từ thời điểm CBCC có hành vi vi phạm xảy ra thì việc xử lý kỷ luật có được tiến hành hay không? Bởi tình huống này chưa được quy định rõ trong Điều 80.

Đối với trường hợp hành vi vi phạm của CBCC có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan tố tụng hình sự mới có thể tiến hành kỷ luật. Vì vậy, nếu quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự kéo dài do tính chất phức tạp của vụ việc thì không ít trường hợp khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật thì đã quá 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như Điều 80 của luật hiện nay thì trường hợp này cũng không thể xử lý kỷ luật CBCC được. Tuy nhiên, việc không xử lý kỷ luật đối với trường hợp này là vừa không hợp lý vừa không phù hợp với chính các quy định trong luật này. Vì tại Khoản 3, Điều 79 quy định: Công chức bị tòa kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Và cũng từ quy định nêu trên có thể xảy ra 2 trường hợp áp dụng pháp luật khác nhau: Một là, khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực mà chưa quá 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật thì công chức vừa bị phạt tù vừa bị buộc thôi việc. Hai là, nếu đã qua 24 tháng thì công chức chỉ bị phạt tù mà thôi. Ngoài ra, với quy định này có thể tạo kẽ hở cho người vi phạm pháp luật lợi dụng. Ví dụ như CBCC bị tòa án kết án cố tình kháng cáo ngay cả khi họ thấy rằng bản án, quyết định sơ thẩm hoàn toàn đúng đắn, buộc tòa án phải giải quyết lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm chỉ với mục đích kéo dài thời gian để hết thời hiệu xử lý kỷ luật. 

M.Hạnh

  • Từ khóa
62132

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu