Thứ 6, 19/04/2024 01:36:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:50, 29/08/2020 GMT+7

Bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

Lan Thanh
Thứ 7, 29/08/2020 | 10:50:00 751 lượt xem
BPO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10-2020.

Theo Điều 15 Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền từ 500 ngàn đến 50 triệu đồng dựa trên giá trị của hàng hóa nhập lậu.

Đặc biệt, phạt tiền gấp 2 lần mức phạt nêu trên (tối đa 100 triệu đồng) đối với: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn…

Mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân, còn mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng). Vì thế, đối với hành vi kinh doanh hàng xách tay như mỹ phẩm, thuốc... không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan có giá trị trên 100 triệu đồng, thì mức phạt với tổ chức vi phạm lên đến 200 triệu đồng.

Nghị định còn quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 100 triệu đồng với cá nhân; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng. Mức phạt với tổ chức sẽ gấp 2 lần mức phạt của cá nhân, tương đương 200 triệu với hành vi trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 400 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Cụ thể, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1 triệu đến 70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi. Đối với hành vi sản xuất hàng giả, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân. Tương tự mức phạt tối đa 200 triệu đồng nếu sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.

Trong lĩnh vực kinh doanh rượu, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi. Trường hợp bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định các mức phạt đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề đầu tư cấm, đầu cơ hàng hóa và găm hàng; xúc tiến thương mại, vi phạm về thương mại điện tử…

  • Từ khóa
23496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu