Thứ 6, 29/03/2024 05:59:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:37, 24/05/2019 GMT+7

Bệnh thành tích - phụ nhân tài!

Thứ 6, 24/05/2019 | 08:37:00 131 lượt xem
BP - Ngày 23-5, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đồng loạt bế giảng, khép lại một năm phấn đấu, nỗ lực. Mừng vì các em được nhận thành quả sau 1 năm học vất vả nhưng buồn vì những “hạt sạn” chưa thể loại bỏ của ngành giáo dục khiến niềm vui chưa trọn vẹn. Bên cạnh bạo lực, xâm hại thân thể, tinh thần... ở học đường, thời gian gần đây, bệnh thành tích vào cuối năm học lại được xới lên, khiến dư luận xã hội tỏ rõ quan ngại.

Câu chuyện 42/43 em trong một lớp ở Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận giấy khen học sinh giỏi đang là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Nhưng chuyện này không mới cũng không hiếm ở nhiều trường trên cả nước. Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải tìm cách nâng cao thành tích vì trường. Ban giám hiệu cần thành tích “đẹp” để báo cáo cấp trên. Từ đó cho thấy, chuyện chấm điểm, đánh giá học sinh không còn là quyền hay chuyện của riêng giáo viên, bởi đủ thứ áp lực tác động... Ngoài ra, họ còn phải tham gia “cuộc đua” vì đó là căn cứ xếp hạng, nâng ngạch, bậc lương...

Thế hệ 6X, 7X khẳng định, một lớp nhiều lắm cũng chỉ 5-6 học sinh khá, giỏi còn hầu hết trung bình, có cả học sinh yếu kém phải luyện thêm trong hè, không đạt yêu cầu thì ở lại lớp. Vì thế, ai được khen đều cảm thấy “nở mũi”, hãnh diện vô cùng trước ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè, người thân và sự yêu thương của thầy cô. Còn bây giờ, con nhận giấy khen, phụ huynh “bán tín bán nghi”...

Học sinh điểm cao, lớp nhiều học sinh giỏi thành nỗi ám ảnh của những giáo viên có tự trọng. Còn học sinh giỏi thật sự bị xếp ngang hàng với bạn thành tích khá, giỏi do thầy cô “điều tiết” điểm để đủ chỉ tiêu sẽ không vui. Điều này rõ ràng đang triệt tiêu sự phấn đấu nỗ lực của mỗi học sinh. Em giỏi ấm ức vì có giỏi trội thì cuối năm cũng ngang hàng với bạn trung bình (vì được “dựng dậy”); em trung bình thì nhận thấy... chẳng cần tốn công sức thì cuối năm cũng sẽ được khen thưởng... Biểu hiện của những “con điểm trên trời”, học sinh giỏi tràn lan còn là cách dạy con trẻ sự gian dối từ khi còn nhỏ, thỏa mãn với thành tích ảo...

Vụ việc gian lận điểm thi, biến học sinh dốt thành thủ khoa đại học trong năm học vừa qua chính là hệ lụy cao nhất của thành tích ảo. Điểm cho không đúng thực lực, học sinh, phụ huynh ảo tưởng về thành tích, sống chung với dối trá, gian lận là căn nguyên sâu xa của những vụ gian lận điểm thi chấn động. Cùng với đó, dư luận cũng rất phẫn nộ vì học sinh bị tát, bị đánh. Cá biệt, một giáo viên của trường THCS ở tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu học sinh tát bạn 231 cái và gần đây nhất, 2 giáo viên ở Hải Phòng, 1 bị cho thôi việc, 1 bị kỷ luật vì đánh học sinh... Tất cả khi được hỏi đều ân hận và cho biết nguyên nhân chính xuất phát từ áp lực của yêu cầu thành tích (!?).

Bệnh thành tích không chỉ đánh mất niềm tin của xã hội vào giáo dục, mà còn tạo ra chất lượng giáo dục ảo. Tác hại của nó là nguy cơ kéo giáo dục tụt hậu, không đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đau lòng hơn là đạo đức xuống cấp, thầy và trò đồng lõa, thỏa hiệp với cái xấu. Câu chuyện phụ huynh xin cho con ở lại lớp vì học kém vừa là nỗi xót xa vừa là sự châm biếm sâu cay vào “bệnh thành tích” đáng để những cá nhân, đơn vị liên quan suy ngẫm, thay đổi quyết sách trả “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” vào đúng vị trí.

An Nhiên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu