Thứ 6, 29/03/2024 05:16:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:27, 20/04/2019 GMT+7

Chấm dứt tình trạng “trồng - chặt”

Thứ 7, 20/04/2019 | 09:27:00 208 lượt xem

BP - Từ đầu năm đến nay, giá trái mít Thái liên tục tăng đã làm cho một số hộ nông dân có ý định chặt bỏ những cây khác để trồng loại cây này. Trong năm 2018, giá mít dao động từ 12-15 ngàn đồng/kg, hiện nay giá bán từ 45-50 ngàn đồng/kg. Từ giá trị hiện tại, người dân nhẩm tính cứ mỗi héc ta mít sẽ thu gần 1 tỷ đồng tiền lãi. Mặc dù đang là cao điểm của mùa khô nhưng giá cây mít giống đã được đẩy lên cao hơn nhiều so với năm trước. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã vào cuộc, khuyến cáo nông dân không nên chạy theo giá thị trường khi chưa nắm rõ đầu ra. Đặc biệt, cần tránh tình trạng “chặt - trồng” một cách tùy tiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua việc phát triển một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào giá sản phẩm. Khi giá nông sản nào lên cao, người trồng có lãi là xảy ra tình trạng trồng mới ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng. Việc nuôi - trồng tự phát trong những năm qua đã để lại nhiều bài học đau lòng. Tình trạng “thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào” đã dẫn đến quá nhiều hệ lụy, mà người thiệt thòi chính là nông dân.

Làm giàu là khát vọng chính đáng của mọi người, nhất là bà con nông dân. Tuy nhiên, cách sản xuất phong trào, chạy theo thị trường như hiện nay cần phải chấm dứt ngay trong suy nghĩ của mỗi người. Những hậu quả của điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” một số loại cây những năm trước đây vẫn luôn là bài học đắt giá đối với nông dân trong tỉnh. Tự phát và phá rào quy hoạch là 2 vấn đề lớn đã đặt ra đối với ngành trồng trọt nhiều năm qua. Thực tiễn cho thấy, hầu hết những trường hợp chạy theo phong trào trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể đem lại hiệu quả mùa đầu tiên khi may mắn được giá, còn sau đó chỉ là “trái đắng”. Các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người dân không nên chặt điều để trồng cao su khi giá cao su lên cao; không nên chặt cao su để trồng tiêu khi giá cao su xuống thấp... nhưng trên thực tế khuyến cáo chỉ dừng lại ở “khuyến cáo”. Bởi lẽ, nông dân là chủ thể sản xuất, họ sẽ quyết định trồng cây gì, nuôi con nào trong mỗi mùa vụ để tăng thêm nguồn thu nhập. Việc chặt bỏ cây này, trồng cây kia là vì nông dân đang cố gắng tìm một sản phẩm có thể mang lại giá trị kinh tế nhiều hơn cho mình.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 16-11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Thực hiện đề án này là nhiệm vụ không dễ dàng, vì đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào căn cơ, người nông dân tiếp tục điệp khúc chặt - trồng, chạy theo giá bán của các mặt hàng nông nghiệp vốn không ổn định trên thị trường. Vì vậy, phải làm sao để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen nuôi - trồng theo phong trào, tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác. Qua đó, chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Việc đưa ra giải pháp giúp nông dân tăng giá trị kinh tế trên một diện tích trồng trọt sẽ thuyết phục họ hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt - trồng không hợp lý như thời gian qua.                                               

Thanh Hà

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu