Thứ 6, 29/03/2024 18:29:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:30, 26/03/2019 GMT+7

Chân lý giản đơn

Thứ 3, 26/03/2019 | 13:30:00 179 lượt xem

BP - Ngày 19-3 vừa qua, phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, một tòa án đặc biệt sẽ được thành lập để giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ án tham nhũng tại nước này. Được biết, từ khi Chương trình hành động quốc gia chống tham nhũng của Malaysia ra đời vào năm 2018, đã có 26 sáng kiến được đưa ra tại cuộc họp Nội các đặc biệt về chống tham nhũng. Và việc thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử các vụ án tham nhũng cho thấy sự quyết liệt của quốc gia này đối với nạn tham nhũng.

Tại Trung Quốc, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc diễn ra ngày 11-1, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra 6 nhiệm vụ nhằm thúc đẩy xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và chống tham nhũng. Năm 2019, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục truy quét tham nhũng từ chính quyền cấp cơ sở trở lên, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến dân sinh; đồng thời thúc đẩy các chiến dịch chống tham nhũng quốc tế, truy bắt những nghi phạm bỏ trốn ra nước ngoài. Từ tháng 8 đến tháng 12-2018, Trung Quốc đã bắt giữ 441 quan chức tham nhũng bỏ trốn và trừng phạt khoảng 621 ngàn quan chức tham nhũng, trong đó 50 người ở cấp bộ trưởng hoặc cấp tỉnh trở lên...

Còn tại Việt Nam, 2018 được coi là năm có nhiều đột phá trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử như đại án tại PVN, PVC, Oceanbank, vụ đánh bạc ngàn tỷ trong lực lượng công an nhân dân... Điều này cho thấy quan điểm “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố đã và đang được thực hiện nghiêm minh, góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước.

Dù đã có những bước tiến vượt bậc, song công tác chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là tình trạng thiếu quyết liệt, thiếu toàn diện và thiếu đồng bộ; là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện còn yếu; tình trạng tham nhũng ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính, thuế, hải quan, hành chính công, dịch vụ công... còn khá phổ biến với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng... Nguyên nhân là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của nạn tham nhũng ở nơi mình lãnh đạo, quản lý; thiếu gương mẫu, thiếu quyết liệt, thậm chí sa vào tham nhũng hoặc tiếp tay cho nạn tham nhũng. Thể chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực chưa đủ mạnh để kiểm soát quyền lực và chế tài thật mạnh để xử lý tội tham nhũng.

Tham nhũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, mọi quốc gia đều coi chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tuy nhiên,  tham nhũng vẫn tồn tại như một căn bệnh ung thư quái ác và nhiều nước phải tiếp tục đấu tranh với nó.

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí, quan liêu “là một thứ giặc ở trong lòng”. Rõ ràng, không có cuộc đấu tranh nào lại gay go, khó khăn như đấu tranh với chính bản thân mình. Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng từng khẳng định, một khi những nhà lãnh đạo chủ chốt kém liêm khiết, lúc đó cấu trúc toàn vẹn của hệ thống hành chính sẽ yếu đi và dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Còn tục ngữ Việt Nam có câu “Nhà dột từ nóc dột xuống”, để giữ một hệ thống liêm khiết, trong sạch phải bắt đầu ngay từ những người lãnh đạo, người đứng đầu. Nhưng để thực hiện chân lý giản đơn ấy lại chẳng hề đơn giản chút nào!

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu