Thứ 6, 29/03/2024 00:16:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:15, 19/06/2020 GMT+7

Chia sẻ thông tin từ báo chí

N.V
Thứ 6, 19/06/2020 | 10:15:00 285 lượt xem
BPO - Ngày 3-2-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020. Một trong những vấn đề đang được cộng đồng mạng xã hội quan tâm là chế tài xử lý về hành vi chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật…

Cụ thể, tại điểm đ, khoản 1, Điều 101 trong nghị định này có quy định mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;… Đây là vấn đề có không ít bạn đọc, bạn nghe đài gửi thư, email, điện thoại về Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước để hỏi về vấn đề này. Cụ thể, như: Người sử dụng mạng xã hội có được sao chép, trích dẫn tác phẩm báo chí không? Nếu được thì khi nào và phải thực hiện các bước ra sao? Và bài viết này không ngoài mục đích cùng bạn đọc tìm lời giải cho câu hỏi nêu trên.

Từ nhiều năm nay, việc chia sẻ những thông tin giả, tin mạo danh xuất hiện trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Bởi vì trước đây, internet không thể hiện danh tính của người dùng. Và khi mạng xã hội ra đời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội lại không bắt buộc người sử dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân khi thiết lập tài khoản và chia sẻ thông tin nên tình trạng tin giả, tin mạo danh ngày càng trở nên phức tạp. Vì ngoài hành vi chủ động cung cấp thì hành vi chia sẻ các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng cũng gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động xấu đến đời sống xã hội. Thậm chí trong một số trường hợp, thông tin được chia sẻ với số lượng người đọc quan tâm nhiều hơn rất nhiều so với thông tin gốc. Đó là những thông tin được chia sẻ bởi nhân vật thành danh, có nhiều người theo dõi trên mạng, nhất là các văn nghệ sĩ, MC hay những người trong giới showbiz… Và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là một trong những chế tài nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí theo quy định trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP như đã nêu, trước hết cần được hiểu là các hành vi như sao chép các tin, bài hoặc cung cấp đường dẫn tới các tin, bài, tác phẩm văn học được cơ quan báo chí đã đăng tải. Hành vi sao chép, trích dẫn để chia sẻ này còn tùy thuộc vào việc các tác phẩm ấy có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Và vấn đề này lại được điều chỉnh bởi Luật Sở hữu trí tuệ. Tức là tác phẩm này phải do chính tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 14 của luật này có quy định về tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự; Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian…

Khi sao chép các bản tin, bài báo thì người thực hiện hành vi này cần phải được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tức là của tác giả bài báo hoặc của cơ quan báo chí. Cụ thể là với các trang thông tin điện tử tổng hợp muốn dẫn lại nguồn tin từ các báo, thì bắt buộc phải có văn bản thỏa thuận sử dụng nguồn tin. Đối với trường hợp cá nhân sao chép, trích dẫn một phần của bản tin hay bài báo nào đó lên mạng xã hội hay trang facebook của mình, thì bắt buộc phải thực hiện thao tác đề đường link dẫn tới tin, bài báo chí và đặc biệt là khi bình luận thì phải bảo đảm không làm sai ý tác giả.

Đồng thời, tại Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định rõ về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, như sau: Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu. Bên cạnh đó, tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;… Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;...

Từ quy định nêu trên, ở đây có vấn đề được đặt ra là trong thực tế hiện nay, có rất nhiều bản tin, bài viết trên các loại hình báo chí không chỉ là việc đưa tin thuần túy, mà trong đó người viết, hay các tác giả đã bổ sung, đưa thêm vào tác phẩm của mình nhiều nội dung, hình ảnh ấn tượng, cuốn hút người đọc báo, bạn nghe đài và mang tính sáng tạo nên được coi là những sản phẩm tin tức có tính sáng tạo, không còn là những tin tức thuần túy. Vậy, với bản tin, bài viết như thế nào là thông tin thuần túy? Tại Điều 19 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định rất cụ thể về đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, như sau: Tin tức thời sự thuần túy… là các thông tin báo chí ngắn hằng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin không có tính sáng tạo. Văn bản hành chính… của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và lực lượng vũ trang nhân dân.

Việc nâng cao trách nhiệm, ý thức của người sử dụng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu tình trạng tin giả. Và để làm tốt việc này, ngoài nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan báo chí và các nhà báo có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp người dùng internet có thể điều chỉnh kịp thời hành vi của mình một cách đúng đắn. Đó là việc cơ quan báo chí và nhà báo không chỉ cung cấp các hướng dẫn, cảnh báo rủi ro cho người dùng internet mà còn cung cấp các thông tin chính xác, chính thống giúp người dùng có thể hiểu rõ về các sự việc, sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, nhân rộng, lan tỏa các hành vi ứng xử tốt đẹp nhiều hơn.

  • Từ khóa
34107

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu