Thứ 6, 26/04/2024 03:02:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 14:49, 06/11/2019 GMT+7

Chiến dịch Na Uy

Thứ 4, 06/11/2019 | 14:49:00 5,278 lượt xem
BP - Là nước trung lập nên Na Uy không bị sự uy hiếp về quân sự của bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử. Tuy nhiên, cuối tháng 11-1939, Liên Xô tấn công Phần Lan, Anh - Pháp liên kết với Na Uy, Đan Mạch... đưa 2 sư đoàn đến Thụy Điển tham chiến.

Cùng lúc này, Na Uy đã tự phá vỡ thế trung lập của mình khi hỗ trợ Phần Lan 12 khẩu pháo cỡ lớn cùng 12.000 viên đạn. Đồng thời, cho phép Anh sử dụng lãnh thổ của mình để vận chuyển máy bay, khí tài chiến tranh giúp Phần Lan. Lợi dụng điều này cùng sự kiện tàu chở dầu của mình (được 3 tàu chiến Na Uy hộ tống) bị hải quân Anh tấn công và giết chết thủy thủ đoàn vào đêm 16-2-1940 trong hải phận của Na Uy, Hitler ra lệnh xâm chiếm Na Uy và Đan Mạch.

Ngày 3-4-1940, với 9 sư đoàn bộ binh cùng 208 tàu chiến và 1.121 máy bay, quân Đức nhằm hướng Na Uy thẳng tiến. Các nước phe đồng minh cũng điều thêm 35.000 quân cùng 16 tàu ngầm, 12 tàu khu trục đến hải phận Na Uy. Sáng 8-4, hải quân Anh bắn pháo vào đội hình tàu khu trục của Đức làm hư hỏng nhiều chiếc. Cùng thời gian này, các cuộc đụng độ khác giữa tàu chiến Đức với hải quân đồng minh tại các vùng biển Ofot, Trondheim, Bergen... diễn ra rất quyết liệt. Ngay trong đêm, Anh đưa thêm 3 chiến hạm, 10 tuần dương hạm và 20 khu trục hạm đến hỗ trợ Na Uy, nhưng phải rút lui vào trưa 9-4. Tại vùng vịnh Oslo, mũi tấn công của Đức nhắm vào thủ đô Na Uy gặp khó khăn do đối phương chống trả quyết liệt. Quân Na Uy phòng thủ tại pháo đài Oscarsborg đã bắn chìm nhiều tàu chiến của Đức. Điều này đã làm giảm tốc độ tiến quân của Đức vào Oslo.

Khi quân Đức đổ bộ vào miền Nam và miền Trung Na Uy, Bộ Hải quân Anh đã điều nhiều tàu chiến và máy bay đến hỗ trợ. Tuy nhiên, do lực lượng máy bay của Đức áp đảo nên không quân Anh không có trận đánh để ghi nhận. Ngày 13-4, tàu chiến Anh tiến vào vịnh Vert bắn cháy 1 tàu ngầm và 4 tàu chiến mặt nước của Đức. Thế nhưng cuộc chiến trên đất liền thì quân Đức đã liên tục đánh bại lực lượng phòng thủ của Na Uy. Ngày 9-6-1940, những ổ kháng cự cuối cùng của quân đội Na Uy hạ vũ khí đầu hàng Đức.

Các nhà sử học đánh giá, Chiến dịch Na Uy là một thắng lợi quyết định của Đức trong việc khống chế toàn bộ vùng đất Bắc Âu rộng lớn. Thắng lợi của cuộc chiến này đã giúp Hitler có thêm một bàn đạp vững chắc, một mũi tấn công quan trọng vào nước Anh cả trên không lẫn trên biển. Đặc biệt, việc thôn tính được Na Uy, người Đức đã làm chủ hoàn toàn tuyến hàng hải trên biển Bắc, gây ra nhiều thiệt hại lớn cho lực lượng đồng minh trong hoạt động tiếp tế suốt thời gian chiến tranh thế giới thứ 2.

T.P (Trích các sự kiện nổi bật trong lịch sử)

  • Từ khóa
66742

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu