Thứ 5, 18/04/2024 07:33:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:10, 11/02/2019 GMT+7

Chim đậu đất lành

Thứ 2, 11/02/2019 | 14:10:00 1,070 lượt xem
BP - Bình Phước đã đi qua 22 mùa xuân với chặng đường 8.000 ngày không nghỉ để gặt hái những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong những thành tựu đó phải kể đến kết quả thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh trong 22 năm qua. Bởi nhờ thu hút đầu tư hiệu quả nên hoạt động kinh tế của tỉnh đã trở nên đa dạng, nhiều lĩnh vực phát triển với tốc độ cao, góp phần làm thay đổi diện mạo xã hội của tỉnh. Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi, phóng viên Báo Bình Phước đã trao đổi với một số nhà đầu tư trên đất Bình Phước về chính sách này.

Tạo sức hút mới

Sau ngày tái lập tỉnh, Bình Phước chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 5 doanh nghiệp nhà nước và 176 doanh nghiệp tư nhân. 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh bột mì, còn 5 doanh nghiệp nhà nước là các công ty cao su. Doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản chiếm đa số nhưng hầu hết chỉ ở quy mô nhỏ. Hoạt động kinh tế ở Bình Phước lúc này chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên thu ngân sách năm 1997 chỉ đạt 172 tỷ đồng.

Để phát huy lợi thế trong nông nghiệp nhằm tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; đồng thời đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở, tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng và tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn. Khi có đoàn công tác của Trung ương, Chính phủ, đại diện các đoàn ngoại giao, khách quốc tế... đến thăm và làm việc, lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm kết nối trong thu hút đầu tư. Nhờ những hoạt động tích cực đó, đến nay Bình Phước đã có 13 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế thu hút hơn 6.340 doanh nghiệp với số vốn trên 52.839 tỷ đồng và 183 dự án FDI với số vốn 1 tỷ 692 ngàn USD đến hợp tác đầu tư.

Trụ sở Thaco Bình PhướcTrụ sở Thaco Bình Phước

Sau 22 năm, sản xuất công nghiệp ở Bình Phước đã có nhiều thay đổi cả về chất lượng lẫn số lượng và sản phẩm không còn đơn điệu với mây tre, củ mì... như trước mà đã xuất hiện nhiều lĩnh vực có giá trị xuất khẩu cao như khai khoáng, chế tạo, cơ khí, điện, điện tử... nâng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 của tỉnh đạt trên 21.000 tỷ đồng. Nhờ hoạt động kinh tế đa dạng, sản xuất công nghiệp sôi động nên thu ngân sách của tỉnh năm 2018 đạt 7.658 tỷ đồng, cao gấp 44,5 lần so với năm 1997, thu nhập bình quân đạt 58,3 triệu đồng/người.

Dấu ấn Trường Hải

Là một trong những doanh nghiệp được đánh giá đầu tư rất hiệu quả tại Bình Phước, Công ty TNHH MTV TM-DV-VT Trường Hải (Thaco Bình Phước) đã tạo ra sự đột phá trong các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải... liên quan lĩnh vực ôtô ở tỉnh trong thời gian qua.

Công ty ôtô Trường Hải được thành lập tháng 4-1997 tại Biên Hòa (Đồng Nai). Năm 2007, đổi tên thành Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) chuyên về lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, phân phối, cung ứng dịch vụ bảo trì, sửa chữa và phụ tùng ôtô gồm: Sản xuất - kinh doanh xe ôtô từ xe hơi đến xe tải và xe bus với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp) và BMW (Đức). Ông Trần Đức Hùng, Phó giám đốc Thaco Bình Phước cho biết: “Trong quá trình phát triển, Thaco nhận thấy Bình Phước là thị trường rất tiềm năng, bởi đây là vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ với Tây Nguyên. Hơn nữa, tiềm năng kinh tế của người dân Bình Phước rất lớn và tỉnh đang thực hiện các chính sách thu hút đầu tư với những cơ chế thông thoáng nên lãnh đạo công ty đã quyết định đến Bình Phước mở rộng thị trường”.

Gian hàng Mazda tại Thaco Bình PhướcGian hàng Mazda tại Thaco Bình Phước

Thaco Bình Phước chính thức hoạt động từ tháng 9-2009, trên diện tích gần 32.000m2 thuộc khu vực bến xe liên tỉnh cũ. Ban đầu, Thaco Bình Phước chỉ hoạt động kinh doanh bến xe và trưng bày các sản phẩm do công ty phân phối như Kia, Mazda, xe tải, bus, trong đó bán xe bus, xe tải là chủ yếu. Ông Hùng nói: “Từ năm 2015, chúng tôi đã hình thành tại Thaco Bình Phước 3 cửa hàng trưng bày xe Kia, Mazda và xe tải, bus đạt tiêu chuẩn 3S. Trong đó, cửa hàng Kia có diện tích trên 6.500m2; khu hàng Mazda rộng 6.000m2 và khu trưng bày xe tải, xe bus rộng hơn 10.000m2. Hiện các khu trưng bày của Thaco Bình Phước đều được trang bị hiện đại, các xưởng dịch vụ đủ sức tiếp nhận hàng chục lượt xe/ngày đến bảo hành, sửa chữa. Riêng phân khúc xe Mazda, Thaco Bình Phước tiếp nhận trên 40 lượt xe/ngày, xe tải, bus khoảng 13.000 lượt xe/năm”. Ngoài ra, khu vực bến xe, khu dịch vụ nhà hàng được Thaco Bình Phước đầu tư theo hướng hiện đại, văn minh, đủ sức đón tiếp và phục vụ tốt mọi nhu cầu của hành khách, chủ phương tiện. Chính nhờ sự đầu tư kịp thời, nhận định đúng tiềm năng nên Thaco Bình Phước hoạt động ngày một hiệu quả, thị trường đã vươn đến Đắk Nông và Phú Giáo (Bình Dương)... Trong năm 2017, doanh thu của Thaco Bình Phước đạt trên 680 tỷ đồng, trong đó kinh doanh dịch vụ phụ tùng đạt 38 tỷ đồng. 9 tháng năm 2018, doanh thu của Thaco Bình Phước đạt trên 600 tỷ đồng, trong đó có 33 tỷ đồng từ kinh doanh phụ tùng.

Nói về chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, ông Trần Đức Hùng cho biết thêm: “Những năm qua, Bình Phước đã xây dựng nhiều chiến lược phát triển các ngành kinh tế phù hợp để phát huy toàn diện lợi thế của mình. Hiện nay, Bình Phước đang cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa và giảm thiểu các thủ tục hành chính, cùng nhà đầu tư giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đối với Thaco Bình Phước, từ khi thành lập đã được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt từ công tác giải phóng mặt bằng đến các thủ tục để công ty mở rộng kinh doanh và gặt hái thành quả như ngày hôm nay. Chúng tôi tin rằng, trong tương lai gần, bằng sự tích cực nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng với nỗ lực mời gọi đầu tư, Bình Phước sẽ là nơi đất lành cho các doanh nghiệp lớn”.

Thêm một “đại bàng về làm tổ”

Tiếp bước sự thành công của Thaco, Bình Phước vừa đón thêm một nhà đầu tư mới trong lĩnh vực ôtô, đó là Công ty TNHH MTV ôtô Tam Bình. Công ty Tam Bình ra đời năm 1992 tại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về thị xã Thuận An (Bình Dương) để mở rộng sản xuất, lắp ráp các loại ôtô tải.

Trước đây, tại thành phố Đồng Xoài,  Công ty Tam Bình chỉ có một cửa hàng nhỏ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Thấy tiềm năng to lớn của Bình Phước và các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh rất thông thoáng nên năm 2017, lãnh đạo công ty đã đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Năm 2018, Công ty Tam Bình xây dựng nhà xưởng sản xuất, dây chuyền lắp ráp ôtô tải và xe bus tại xã Tân Lập (Đồng Phú) trên diện tích 52.000m2, với tổng vốn đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Đến nay, diện tích nhà xưởng, văn phòng làm việc... đã hoàn thiện với trị giá xây dựng trên 160 tỷ đồng. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV ôtô Tam Bình cho hay: “Hiện chúng tôi đã xây xong nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị và tuyển công nhân đưa đi đào tạo tay nghề gồm điện, sơn, cơ khí... ở nước ngoài để phục vụ sản xuất. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, nhà máy có công suất ban đầu trên 2.000 xe/năm, sau đó nâng dần đến 5.000 xe vào những năm sau với tỷ lệ nội địa hóa cao hơn so với yêu cầu của Chính phủ đề ra”. Được biết, hiện có 1 doanh nghiệp tại Bình Phước đã đặt hàng Công ty TNHH MTV ôtô Tam Bình trên 50 xe bus.

Đây là hai trong số hàng ngàn doanh nghiệp đã và đang tìm về “đậu” trên đất lành Bình Phước. Tuy nhiên, để có thêm nhiều “đại bàng về làm tổ” Bình Phước còn rất nhiều việc phải làm, trong đó tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực... như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc căn dặn tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh cuối tháng 8-2018.

Xuân mới đang về, Bình Phước không còn định danh là mảnh đất vùng sâu, hoang vu. Thay vào đó là sự vươn mình đầy ấn tượng, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang cùng cộng đồng doanh nghiệp góp phần đưa Bình Phước vững vàng bước vào quá trình hội nhập.

Tấn Phong

  • Từ khóa
43837

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu