Thứ 6, 29/03/2024 22:54:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:53, 06/08/2020 GMT+7

Covid-19 và nhân quyền

Nhất Huy
Thứ 5, 06/08/2020 | 09:53:00 532 lượt xem
BPO - Ngày 11-3-2020, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cái được gọi là báo cáo tình hình nhân quyền Việt Nam 2019. Trong báo cáo này lặp đi lặp lại những luận điệu cũ rích đến nhàm chán, kiểu như: “Việt Nam là một quốc gia độc tài, do một đảng lãnh đạo nên tình hình vi phạm nhân quyền rất đáng báo động”. Hay, “nhà cầm quyền Việt Nam phân biệt đối xử với các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm”, hoặc ở “Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet”...

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nhiều chiều đến thế giới, song không vì thế mà nó làm giảm sự can thiệp thô thiển vì dụng ý xấu của các thế lực phản động, thù địch đối với tình hình nhân quyền Việt Nam hiện nay. Nhân câu chuyện làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 một lần nữa trở thành mối quan ngại của toàn nhân loại, xin được phép luận bàn đôi điều về báo cáo nêu trên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tính đến 9 giờ 12 phút ngày 2-8-2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 18 triệu người nhiễm bệnh và hơn 688 ngàn người tử vong; hoành hành dữ dội ở tất cả quốc gia vốn được coi là cường quốc kinh tế thế giới, có nền y tế và trình độ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được xếp vào nhóm hàng đầu nhân loại, trong đó có Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố tẩy chay việc đeo khẩu trang lại phải lên sóng truyền hình kêu gọi người dân đeo khẩu trang để phòng bệnh; các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tại Mỹ liên tục vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận và các nghị sĩ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy? Câu trả lời ở chính nội tại nền y tế được mệnh danh là số 1 thế giới. Chúng ta đều biết, mặc dù có trình độ y tế tiên tiến bậc nhất, song để được hưởng những điều ưu việt đó không phải dễ. Vì nền y tế đó không phải là nền y tế phục vụ toàn dân mà chỉ phục vụ những người giàu, có điều kiện, tức là nền y tế có sự lựa chọn rất khắt khe các khách hàng để phục vụ.

Để được đưa một nghiên cứu mới trong y tế phục vụ mục đích nhân đạo - cứu người tại Mỹ ư? Xin thưa rằng, không phải dễ. Trước tiên, phải được sự đồng ý của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (Center for Disease Control and Prevention - CDC). Còn nếu đã được CDC đồng ý ư, xin thưa còn phải qua chính quyền cấp bang nữa, vì ở Mỹ, ngoài luật liên bang còn có luật pháp của từng bang, mà đôi khi luật của bang lại đứng trên luật liên bang, dân gian ta thường hay gọi tình trạng này là “phép vua thua lệ làng”.

Rồi muốn được xét nghiệm xem mình có nhiễm virus nCoV không ư? Đầu tiên phải có tiền, nếu không có tiền thì đừng mơ. Tại Mỹ, không có chuyện khám bệnh bảo hiểm y tế, tất cả đều phải quy ra tiền, mà mức giá để được xét nghiệm khoảng 4-5 ngàn USD. Số tiền đó bằng cả 1 năm chi tiêu của người nghèo, người vô gia cư, thất nghiệp. Thử hỏi, đến chuyện ăn uống còn chưa biết thế nào, làm gì lo nổi ngần ấy tiền mà đi làm xét nghiệm. Cách ly lại càng là vấn đề nan giải, đau đầu với tầng lớp bình dân có thu nhập thấp tại Mỹ. Khi vào khu cách ly (bắt buộc hay tự nguyện) thì người bệnh, người nghi nhiễm bệnh đều phải trả 100% chi phí.

Còn Đài BBC của Anh, trong một chương trình phát thanh đã không lên tiếng bảo vệ quyền được sống, quyền được tiếp cận sớm các dịch vụ y tế nhằm phòng, chống dịch Covid-19, mà lại chỉ trích cách chống dịch của Việt Nam là “hình thức, khẩu hiệu” và “mô phỏng Trung Cộng”. Không hiểu họ nghĩ sao, khi mà Covid-19 đã trở thành đại dịch thì họ lại không có bất cứ phản ứng gì để bảo vệ tính mạng người dân của mình mà “ung dung chờ dịch đến”, thậm chí còn chủ trương để 60% người dân Anh mắc bệnh Covid-19 nhằm “tạo ra sự thích ứng, miễn dịch cộng đồng”. Vì vậy, ngay cả một số biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang, đóng cửa trường học ngay từ khi dịch mới bùng phát cũng không được khuyến cáo thực hiện.

Còn Việt Nam thì sao? Cả thế giới đều phải thừa nhận rằng, chúng ta đã rất kịp thời, mạnh mẽ, quyết liệt chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu, khi nó mới chỉ là những ca bệnh lạ, xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, chưa được chỉ mặt đặt tên là Covid-19. Người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải “chống dịch như chống giặc”. Ở Việt Nam, mọi công dân đều được miễn phí xét nghiệm và buộc phải xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện xem có bị nhiễm Covid-19 hay không khi có triệu chứng hoặc đến, đi qua vùng có dịch, trong khi nền kinh tế Việt Nam chưa mạnh, đất nước Việt Nam chưa giàu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế của đất nước để chăm lo sức khỏe và tính mạng nhân dân. Trả lời trên truyền hình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “...với người Việt Nam, dù Nhà nước còn khó khăn nhưng chúng ta chưa thu phí điều trị với những trường hợp nhiễm bệnh”. Chính vì thế mà chúng ta đã tổ chức hẳn các chuyến chuyên cơ để đón công dân của mình từ các tâm dịch trên toàn thế giới trở về, trong sự ngỡ ngàng, khâm phục của thế giới. Đó không phải là bảo đảm nhân quyền, thực thi nhân quyền thì là gì? Rồi thì, cũng Việt Nam chứ không phải nơi nào khác, người bệnh được bảo đảm chỗ ăn, ở, ngủ nghỉ miễn phí trong các doanh trại, bệnh viện của quân đội, công an; được phục vụ các dịch vụ y tế miễn phí bởi các nhân viên y tế. Đó không phải bảo đảm nhân quyền thì là gì?

Quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống. Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã viết: “...một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”; trong khi, thử tính lại xem, tại Mỹ, tính đến 9 giờ ngày 2-8 đã có 157.898 ca tử vong vì Covid-19, đứng đầu thế giới cả về số ca mắc và ca tử vong. Điều đó cho thấy ở đâu nhân quyền và ở đâu không nhân quyền.

  • Từ khóa
2933

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu