Thứ 4, 24/04/2024 16:31:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 11:12, 27/03/2020 GMT+7

KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM (27-3-1946 - 27-3-2020)

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo: Văn võ song toàn

Phạm Quang
Thứ 6, 27/03/2020 | 11:12:00 2,114 lượt xem
BPO - Năm 2020, đại võ sư quốc tế, thạc sĩ Trương Văn Bảo bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn luôn siêng năng luyện võ, duy trì cái uy thế hào sảng của con nhà võ; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, viết sách chuyên ngành vinh danh võ học cổ truyền dân tộc. Hiện ông là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, Phó chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam, Phó viện trưởng Học viện thế giới võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo ký tặng sách cho tác giả

Sinh ra ở miền Bắc, lớn lên trong miền Nam, cụ thể là gắn bó với Đà Lạt (Lâm Đồng), đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo là con nhà nòi võ thuật. Ngay từ nhỏ, ông đã được sống trong không gian, môi trường võ thuật của dòng họ Trương Văn đất Bắc. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ hài lòng với những gì bản thân lĩnh hội, mà luôn khát khao mở rộng, tìm hiểu sâu sắc hơn nữa; viết, ghi, hiệu đính lại những thông tin còn gây nhiều tranh cãi trong các lời thiệu (lời thiệu cho bài quyền) để làm tài liệu nghiên cứu võ thuật cho bản thân và cho giới nghiên cứu võ thuật nước nhà.

Đại võ sư Trương Văn Bảo đã từng được nhiều cơ quan thông tấn, đài truyền hình trong và ngoài nước viết bài, ghi hình làm phóng sự vinh danh, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam. Gần đây nhất, ông đã vinh dự có mặt trong cuốn "Chân dung trí thức Việt Nam - Trí tuệ và hoài bão lớn" của Nhà xuất bản Thanh Niên (in xong và nộp lưu chiểu tháng 2-2020).

Sử dụng tốt 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, đại võ sư Trương Văn Bảo dễ dàng giao lưu, trao đổi về võ thuật, lịch sử, văn hóa với các đồng nghiệp, đồng môn trong nước và quốc tế. Ông đã có nhiều cơ hội được học hỏi, giảng dạy, truyền bá và tìm hiểu nền võ học của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Hoa Kỳ, Pháp, Malaysia, Australia... Đến nay, đại võ sư Trương Văn Bảo đã viết trên 300 bài luận nghiên cứu về võ học, 5 tập sách chuyên đề võ thuật cổ truyền, 10 tập tài liệu chuyên môn võ học, dịch sang tiếng Anh một số tài liệu khác, đồng thời cung cấp tài liệu và tham gia biên soạn một số sách với các tác giả khác. Ông thấm nhuần quan điểm: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, vừa được mở mang tầm mắt, học hỏi, tiếp xúc thêm các quốc gia, các nền văn hóa; vừa được tự hào giới thiệu võ học nước nhà - võ học của một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng mang dòng máu của dân tộc hùng cường, chưa từng khuất phục trước ngoại xâm.

Trong nước, với đóng góp liên tục trên 30 năm cho võ thuật cổ truyền Việt Nam, ông được Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý nhất là Đại võ sư quốc tế. Với ông, việc dạy võ, truyền bá lại kiến thức võ học phải được thực hiện nghiêm túc, “nhất là phải làm gương, là thầy càng phải làm gương. Nếu không làm gương thì sự truyền bá đó sẽ không có giá trị”. Võ không chỉ là đánh bại đối thủ, mà còn là tinh thần thượng võ, võ đạo (đạo lý làm người, trật tự đạo lý làm người trong xã hội).

Đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo là một trong nhiều khách mời tham dự Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Phước lần thứ nhất vào đầu tháng 8-2018 tổ chức tại thị xã Phước Long. Từng nhắn gửi với các học trò, với đồng môn trong sự kiện này, cho đến giờ ông vẫn giữ sự đúc kết có thể nói luôn đau đáu trong ông: “Không riêng gì võ cổ truyền mà các môn võ khác cũng vậy. Cái cần nhất là sự đoàn kết. Đoàn kết phải biết mình, biết người và đừng để cái tôi của mình lớn quá”.

Đại võ sư quốc tế, Ths Trương Văn Bảo tại các buổi giao lưu, truyền bá kiến thức Võ học VN với các đồng nghiệp quốc tế.

Là một trong những học trò của đại võ sư quốc tế từ năm 2003, ông Cao Sĩ Hùng, Trưởng ban chuyên môn Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Bình Phước không giấu được sự ngưỡng mộ, khâm phục bậc đại sư: Thầy Bảo là một người có tâm, có tầm và sự truyền đạt nghiên cứu võ cổ truyền Việt Nam rất cao. Thầy đã dìu dắt, hướng dẫn, truyền “lửa” cho rất nhiều thế hệ võ sinh, võ sư.

Trong một bài báo sẽ không thể nói hết những thành tựu, đóng góp, hay có thể khắc họa hết về một nhà giáo, nhà nghiên cứu, một người thầy tâm huyết. Nhưng với cái tâm, cái tầm và cái tài của mình, đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo sẽ còn có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của văn hóa, lịch sử võ học Việt Nam.

  • Từ khóa
100848

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu