Thứ 7, 20/04/2024 06:04:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:40, 28/09/2018 GMT+7

Lộc Ninh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới nông thôn

Thứ 6, 28/09/2018 | 06:40:00 1,111 lượt xem
BP - Là huyện miền núi, biên giới, có 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế thuần nông, Huyện ủy Lộc Ninh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa X (Nghị quyết Trung ương 7) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn dựa trên những thế mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện. Sau 10 năm đưa Nghị quyết Trung ương 7 vào thực tiễn, đặc biệt 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện biên giới Lộc Ninh đã có nhiều khởi sắc cả về cơ sở hạ tầng và tư duy sản xuất của nông dân, phù hợp chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của Đảng, Nhà nước...

NÔNG DÂN LÀM TRỌNG TÂM TRONG TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP

Trong nhiều thập niên Lộc Ninh vẫn tự hào là vùng đất có các nông sản nổi tiếng như hồ tiêu, trái cây, cao su... Năm 2008, tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của Lộc Ninh là 26.791 ha, sản lượng đạt 32.941 tấn, nay đã tăng lên 45.227,9 ha (tăng 68%), sản lượng đạt 64.454,7 tấn (tăng 95%).

Ông Hoàng Nhật Tân, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thị trường nông sản luôn bấp bênh; đầu ra cho nông sản xuất khẩu và thị trường trong nước là bài toán khó và đây là những kiến nghị thường xuyên của cử tri. Giải được bài toán thị trường nông sản chỉ khi nông dân thay đổi tư duy sản xuất (sản xuất theo nhu cầu thị trường) và phải có sự liên kết giữa nông dân với nông dân trong các tổ hợp tác, hợp tác xã để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, nông dân phải là trọng tâm trong thực hiện “tam nông”.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thăm mô hình tưới tiêu tự động của xã viên Hợp tác xã trồng tiêu bền vững ấp 8, xã Lộc Thuận

Là vùng chuyên canh hồ tiêu của cả nước, từ năm 2013-2014, 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm điểm thực hiện mô hình liên kết người trồng tiêu với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, bước đầu thực hiện chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững. Từ 8 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững, đến nay Lộc Ninh có 24 câu lạc bộ. Trong giai đoạn hồ tiêu đang chịu tác động khủng hoảng thừa, giá giảm sâu thì các câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động. Câu lạc bộ hồ tiêu bền vững cũng là cơ sở để xây dựng hợp tác xã kiểu mới. Từ năm 2015, huyện Lộc Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, từ đó sâu sát hơn trong chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã. Hiện nay, toàn huyện có 14 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 9 hợp tác xã mới thành lập và 5 hợp tác xã chuyển đổi sang mô hình kiểu mới; 3 tổ hợp tác chăn nuôi heo, dê, rau an toàn ở các xã Lộc Hiệp, Lộc Thái và Lộc Khánh. Kinh tế trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất. Toàn huyện có 44 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó 6 trang trại chăn nuôi, 38 trang trại trồng trọt, sản xuất theo tiêu chuẩn mới.

Các xã biên giới của Lộc Ninh đất rộng, dân cư thưa, những năm gần đây đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư chăn nuôi heo quy mô lớn. Ngày 5-7-2016, Huyện ủy Lộc Ninh ban hành Nghị quyết số 26-NQ/HU về phát triển chăn nuôi công nghiệp vừa và nhỏ, giai đoạn 2016-2020. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực với việc áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, trong đó nuôi tập trung công nghiệp và bán công nghiệp chiếm 91,8% tổng đàn. Đến nay, toàn huyện có 57 trang trại chăn nuôi, trong đó 54 trang trại heo với tổng đàn 230.282 con; 26 cơ sở sản xuất con giống heo gồm 2 trại cụ, kỵ; 2 trại ông bà; 20 trại bố mẹ và 2 trại heo hậu bị. Nuôi hộ gia đình, trong đó nuôi heo sau khủng hoảng giá năm 2017 có giảm về tổng đàn nhưng các hộ đã chuyển đổi hình thức từ quảng canh sang công nghiệp, bán công nghiệp.

NÔNG THÔN MỚI KHANG TRANG

Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân cho biết, cuối năm 2013, mạng lưới giao thông đường bộ toàn huyện khoảng 1.202,6km. Trong đó: đường huyện dài 182,2km, đường xã khoảng 584,5km, đường đô thị 35,9km, đường chuyên dùng khoảng 400km. Là huyện biên giới, địa hình Lộc Ninh có độ dốc lớn, tuy hằng năm vẫn được bố trí kinh phí sửa chữa nhưng chỉ qua một mùa mưa là đường xuống cấp.

Nhân dân ấp 3B, xã Lộc Thuận tham gia làm đường nông thôn theo cơ chế đặc thù “Nhà nước hỗ trợ vật tư - nhân dân làm công trình”

Giao thông nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nếu gắn kết tốt các con đường ở xã, ấp với hệ thống giao thông của huyện, tỉnh sẽ tạo sự liên hoàn trong tăng trưởng. Để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhằm đảm bảo chức năng nêu trên cần phải có ý thức bảo vệ và trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng của nhân dân. Ngày 9-12-2013, UBND huyện Lộc Ninh ban hành Đề án 03/ĐA-UBND về đầu tư đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư”.

Đề án 03 của Lộc Ninh là minh chứng trong sáng tạo thực hiện hiệu quả chủ trương của tỉnh về làm đường nông thôn - chương trình xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đặc thù “Nhà nước hỗ trợ vật tư - nhân dân làm công trình” và theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi về mục tiêu xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích thiết thực của người dân nông thôn. 10 năm thực hiện “tam nông”, trong đó gần 4 năm thực hiện Đề án 03 và nay là Quyết định số 161 về làm đường nông thôn, huyện Lộc Ninh đã nâng cấp, xây dựng được 375,7km đường láng nhựa, 130,3km đường bê tông và cứng hóa, sỏi đỏ hàng trăm kilômét. Hiện nay, 100% xã trên địa bàn huyện có đường nhựa đến trung tâm, 3 xã về đích nông thôn mới. Dự kiến, cuối năm 2018 có thêm Lộc Tấn, Lộc Thạnh đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Đến năm 2020, Lộc Ninh có 8 xã về đích nông thôn mới. 

Để phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ năm 2008 đến nay, Lộc Ninh đã xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 6 công trình thủy lợi; kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, tạo động lực phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn. Đến nay, 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ có điện đạt 96,26%, dự kiến đến năm 2020 là 97,5%. Hiện có 7/15 xã đạt tiêu chí điện của chương trình nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đóng góp của nhân dân, đến nay 100% xã trong huyện có trường mẫu giáo, tiểu học, THCS. 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (6 trường tiểu học, 1 THCS và 1 THPT); 5 xã đạt tiêu chí giáo dục nông thôn mới... Mạng lưới y tế nông thôn xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia, trong đó đã có 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2010-2015; 14/15 xã đạt tiêu chí y tế nông thôn mới.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm đổi thay diện mạo huyện biên giới Lộc Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn.

Phương Hà

  • Từ khóa
1459

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu