Thứ 6, 29/03/2024 03:12:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 10:43, 20/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐỒNG XOÀI LẦN THỨ V, NHIỆM KỲ 2020-2025

Đồng Xoài phát triển nông nghiệp đô thị

Minh Luận - Phạm Tăng
Thứ 2, 20/07/2020 | 10:43:00 1,554 lượt xem
BPO - Những năm qua, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tại Đồng Xoài diễn ra nhanh chóng. Bên cạnh những thuận lợi, quá trình này cũng đặt ra không ít khó khăn cho địa phương, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và lực lượng lao động trong lĩnh vực này. Có nhiều giải pháp để khắc phục mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, trong đó lựa chọn sản xuất nông nghiệp đô thị là hướng đi phù hợp. Nông nghiệp đô thị không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định việc làm cho một bộ phận lao động ngoại thành, mà còn góp phần cân bằng sinh thái và tạo không gian xanh cho thành phố.

Chuyển dịch theo hướng hiện đại

Là đơn vị chuyên xử lý rác thải sinh hoạt của thành phố và một số vùng phụ cận, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước (xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài) đã “nhìn thấy” cách làm kinh tế trên cơ sở tận thu nguồn phân bón từ rác thải hữu cơ của nhà máy.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Kỹ thuật - Kinh doanh công ty, cho biết: “Trong chất thải rắn sinh hoạt luôn có những nguồn tận thu, như phân bón hữu cơ vi sinh, xơ dừa… Công ty muốn tận thu những sản phẩm đầu ra của môi trường làm đầu vào của ngành nông nghiệp nên đã nảy sinh ý tưởng trồng dưa lưới trong nhà màng. Một phần chất thải sinh hoạt hữu cơ sẽ được xử lý làm phân bón, một phần làm giá thể trồng dưa lưới, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa bảo vệ môi trường”. Năm 2019, ý tưởng trở thành hiện thực, khi công ty đầu tư 400 triệu đồng xây dựng nhà màng trồng thử nghiệm 1,8 ha dưa lưới. Sau 1 vụ thu hoạch, thấy hiệu quả, cán bộ, nhân viên công ty lại tiếp tục đầu tư 400 triệu đồng mở rộng sản xuất, trồng thêm 1,7 ha. Hiện nay, 1 héc ta dưa lưới cho thu 3 tấn/vụ, đem lại lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/vụ.

Sản phẩm dưa lưới của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Bình Phước

Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nông dân buộc phải tính toán để chuyển đổi cây trồng phù hợp. Nhận thấy thị trường tiêu thụ bưởi da xanh nhiều tiềm năng, trong khi giá bán mủ cao su chưa có nhiều khởi sắc, năm 2015, anh Lương Minh Tờ ở xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài đã tự tin chuyển đổi 3 ha cao su sang trồng bưởi da xanh. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ sinh học, cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh nên vườn bưởi của gia đình anh xanh tốt và cho thu quanh năm. Với giá bán hiện nay 38 ngàn đồng/kg, mỗi năm 3 ha bưởi của gia đình anh cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, để nông dân thành phố có thể “sống khỏe” dựa vào nông nghiệp trong bối cảnh diện tích đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, anh Lương Minh Tờ cho rằng, phải chú trọng đầu tư theo hướng công nghệ hiện đại để tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất, sản lượng và đáp ứng yêu cầu sản phẩm sạch cho cư dân thành phố. Tuy nhiên, để làm được điều này, nông dân cần rất nhiều vốn để đầu tư, cần ngành chức năng hỗ trợ đề xuất công nhận sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu và xác định vị thế trên thị trường.

Nhiều giải pháp cho nông nghiệp đô thị

Cần “giấy thông hành” để nâng cao giá trị và ổn định đầu ra cho nông sản là mong muốn tất yếu của nông dân. Hiện nay, nhiều nông hộ trên địa bàn thành phố đã đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân tự động, trồng rau thủy canh trong nhà màng… Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân vẫn phải “tự bơi” trên thị trường. Sản phẩm nông nghiệp sạch vẫn phải cạnh tranh và bị đánh đồng với nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ. Giải pháp nào cho nông nghiệp thành phố phát triển ổn định, nâng tầm giá trị là câu hỏi đặt ra đối với ngành chức năng thành phố.

Ông Lê Ngọc Tân, Trưởng phòng Kinh tế TP. Đồng Xoài cho biết: “Theo quy hoạch chung của đô thị Đồng Xoài, thời gian tới, đất nông nghiệp của thành phố giảm khoảng 15%. Vì vậy, mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại là phù hợp. Thành phố sẽ quy hoạch vùng đối với từng loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế. Dự kiến sẽ quy hoạch vùng trồng quýt đường, bưởi da xanh tại 2 xã Tân Thành và Tiến Hưng; quy hoạch vùng trồng rau sạch, rau an toàn ở 2 phường Tân Thiện và Tân Xuân. Ngoài ra, phòng cũng sẽ tham mưu UBND thành phố xây dựng quy hoạch vùng nuôi chim yến phù hợp tại khu vực xã Tân Thành”.

Với 26 trang trại, doanh thu mỗi trang trại đạt bình quân hơn 1,5 tỷ đồng/năm; 5 hợp tác xã sản xuất, chăn nuôi hoạt động hiệu quả, Đồng Xoài phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên gần 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 7,4%/năm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài chú trọng quy hoạch đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị có trọng tâm, trọng điểm, Đồng Xoài cũng sẽ dành một phần kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối giao thương các khu sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, định hướng nông dân tham gia vào các hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết, kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị bán lẻ, ổn định đầu ra cho nông sản. Với những định hướng và bước đi phù hợp, nông nghiệp thành phố được kỳ vọng sẽ khởi sắc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và là điểm đến của du lịch trải nghiệm.

  • Từ khóa
39883

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu