Thứ 6, 29/03/2024 19:02:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:18, 08/09/2020 GMT+7

Đừng “nối giáo cho giặc”

Nhật Minh
Thứ 3, 08/09/2020 | 09:18:00 695 lượt xem

BPO - Trong bản tin thời sự lúc 19 giờ ngày 4-9-2020, VTV1 cho biết, chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã trả lời một số nội dung liên quan đến vụ việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Theo đó, Bộ Công an đã thông báo ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án hình sự, gồm: Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội và một số đơn vị liên quan; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP. Hà Nội và vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.

Trước đó, tối 28-8-2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh theo đúng quy định pháp luật. Đối với vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, bước đầu Bộ Công an xác định ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt một số tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường. Như vậy, trong vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 bị can. Trong đó, xác định gói thầu số hóa của TP. Hà Nội ký kết với Công ty Nhật Cường đã xảy ra vi phạm quy định về đấu thầu, bước đầu làm rõ gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng và trong vụ việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Vụ án thứ 3 là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Với vai trò là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung có một phần trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát khoảng 41 tỷ đồng trong quá trình ký hợp đồng mua hóa chất Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước sông, hồ nước trên địa bàn. Cũng theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, UBND TP. Hà Nội đã làm việc với một đối tác ở Đức để sản xuất riêng cho thành phố một chế phẩm phù hợp với đặc tính sông, hồ của địa phương này. Tuy nhiên, đến khi thực hiện quy trình ký kết hợp đồng, thanh toán, Hà Nội lại ký qua một đại lý khác, gây thất thoát 41 tỷ đồng. Trước khi ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, bắt tạm giam, ngày 11-8-2020, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Chung trong một số vụ án theo quy định pháp luật.

Như vậy, đến nay ông Nguyễn Đức Chung mới chỉ bị khởi tố và bị bắt giam 4 tháng về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Công an là Thiếu tướng Tô Ân Xô cũng cho biết tại cuộc họp báo rằng, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến các vụ án hình sự khác nữa là: Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đây là 2 vụ án hình sự khá phức tạp, vì có nhiều đối tượng liên quan và trong đó có những đối tượng đã bỏ trốn ra nước ngoài nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Do đó, cả 2 vụ án này chưa có kết luận điều tra nên chưa thể biết mức độ vi phạm của ông Chung đến đâu để khởi tố bị can. Chính vì thế, vụ việc này đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, các nhà báo ở trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội cho các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị mở hết công suất để vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu chế độ, bôi nhọ hình ảnh đất nước Việt Nam. Đối với các tổ chức phản động như “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”,  “Triều đại Việt”, “Đảng Người Việt yêu người Việt”, “Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam”… thì việc làm nêu trên của chúng là điều dễ hiểu. Thế nhưng có những tờ báo, nhà báo ở trong nước lại đưa tin theo kiểu quy kết, suy diễn, câu view bằng cách mập mờ rằng nếu ông này thế này thì người này, người khác sẽ phải thế này hay thế kia.

Chính sự “nối giáo” của một số người cầm bút thiếu hiểu biết pháp luật, kém bản lĩnh chính trị nên các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và bất mãn ở trong cũng như ngoài nước được dịp thi nhau “sủa”. Cụ thể là trên trang tiếng Việt của đài RFA ngày 1-9-2020, kẻ lưu vong Nguyễn Quang A đã nói rằng: Diễn biến vừa qua có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông và nó có thể phản ánh những sự đấu đá nội bộ giữa nhiều phe phái khác nhau trong hệ thống. Hay như kẻ đã công khai tự nhận mình từ lâu nay chuyên môn nói ba láp, ba sàm ở trong nước là Nguyễn Hữu Vinh cũng tru tréo lên rằng: Sắp Đại hội 13, việc xử lý một số cán bộ các cấp thường bị công luận soi xét dưới góc độ rất khác với bình thường. Trường hợp ông Chung không ngoại lệ, nhất là nếu so sánh với TP. Hồ Chí Minh, từ lâu và mới đây, thấy quá thiên lệch. Vài vụ việc mới được cơ quan công an hé lộ ra về ông Chung, thật chẳng thấm vào đâu so với bao nhiêu vụ việc khủng ở TP. Hồ Chí Minh trong bao nhiêu năm qua, vẫn chưa được giải quyết tận gốc, còn những người lẽ ra phải chịu trách nhiệm nặng nề thì lại chỉ bị xử lý quá nhẹ…

Đó là giọng điệu của những kẻ có bản chất cố hữu là xuyên tạc, bịa đặt. Trong khi đó, Đảng và Nhà nước đã công khai tuyên bố rằng không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Bằng chứng là: Ngày 10-1-2020, phát biểu chỉ đạo hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho biết, từ năm 2016 đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.111 tổ chức đảng, 18.265 cấp ủy viên các cấp và 54.573 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 45 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 111 đảng viên. Trong số đảng viên bị kỷ luật có 92 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, gồm: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 21 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 38 sĩ quan trong lực lượng công an, quân đội, trong đó cấp tướng là 23 người.

Vu khống, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo… là bản chất cố hữu của các cá nhân, tổ chức phản động, thù địch và cơ hội chính trị. Và hơn lúc nào hết, mỗi khi đất nước ta có sự kiện chính trị lớn như đại hội đảng các cấp, hay bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, là cơ hội để chúng ra sức chống phá bằng mọi cách, mọi lúc và mọi nơi. Vì thế, mỗi nhà báo, mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội phải thực sự tỉnh táo để đừng bao giờ vô tình “nối giáo cho giặc”.
 

  • Từ khóa
2939

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu