Thứ 7, 20/04/2024 02:47:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:40, 18/09/2020 GMT+7

Đừng rẻ rúng bằng cấp

Ngọc Tú
Thứ 6, 18/09/2020 | 14:40:00 428 lượt xem
BPO - Đã có một thời, đậu được đại học, nhất là lọt top “nhất y, nhì dược…” thì không chỉ ở lớp, ở khóa đó bàn tán, thán phục mà bà con lối xóm cũng dành nhiều ánh mắt thiện cảm, sự ngưỡng mộ không giấu giếm.

Nhiều gia đình còn mổ heo, mổ gà khao họ hàng, bạn bè trước khi con khăn gói nhập học.

Còn bây giờ, hầu như ít ai còn quan tâm tới việc con trẻ tốt nghiệp THPT rồi có đậu đại học không? Bởi hiện đang xảy ra một thực tế rất phũ phàng rằng, rất khó để trượt đại học. Đơn cử, 191 học sinh mới tốt nghiệp hết cấp của trường THPT An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang “bỗng dưng” cùng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP. Hồ Chí Minh.

Nhìn theo hướng tích cực, đây là quyền lợi của thí sinh. Từ nhiều giấy báo trúng tuyển ở các trường gửi về, các em có  quyền lựa chọn để quyết định nhập học ở một trường đại học phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân mình nhất. Nhưng ở góc độ khác, bằng đại học đã không còn được xem trọng, nâng niu như giá trị từng có. Nhiều người đã từng thốt lên, giờ thì trượt đại học mới là chuyện lạ. Thậm chí có người còn mỉa mai, trúng tuyển vào đại học còn dễ hơn trúng tuyển vào lớp 1 (?!).

Tâm lý của người Việt vẫn nặng tư duy bằng cấp nên thời gian dài chúng ta phải chấp nhận tình cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”. Hiện nay, xu hướng này nhờ có tư vấn tuyển sinh trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cũng “đỡ hơn”. Từ đó, nhiều em nhận ra được thực lực của mình; một số gia đình không còn ép con học theo ý phụ huynh... Tuy nhiên, sự chuyển biến vẫn rất chậm.

Thời gian qua đã có thực trạng phổ cập đại học bằng hình thức từ xa, tại chức... Rồi cũng sẽ có lúc phổ cập… thạc sỹ, tiến sỹ nếu tình trạng tuyển sinh ồ ạt vẫn tiếp diễn.

Dù đã có quy định cụ thể với các trường được phép tuyển sinh thạc sỹ, tiến sỹ nhưng để thu hút người học, chính các trường đại học “có tiếng tăm”, nằm trong top đầu về giáo dục – đào tạo cũng đang có xu hướng “thoáng” hơn trong tuyển sinh đầu vào. Điều đó càng dễ khi các tỉnh, thành trong cả nước đều liên kết với các trường đại học để mở các lớp cao học. Và biết đâu sẽ tiến tới đào tạo… tiến sỹ ngay tại địa phương?!

Vẫn biết việc học không bao giờ thừa. Người Việt cũng rất trọng việc học với hàng loạt các minh chứng hiếu học, vượt khó học giỏi, những “nhân tài đất Việt” rạng danh không chỉ ở trong nước mà được cả thế giới biết đến. Nhưng với thực trạng bằng cấp thật - giả, vàng – thau lẫn  lộn như hiện nay, tâm lý bất an về chất lượng giáo dục cũng dễ hiểu.

Giáo dục tư nhân về bản chất là một loại hình kinh doanh. Nhưng giáo dục là kinh doanh đặt biệt, liên quan trực tiếp đến con người. Nếu chỉ đặt nặng việc kiếm tiền, lo tồn tại mà “vơ bèo lặt tép” nguồn sinh viên thì thật khó để nói về chất lượng đào tạo. Với cách thức này, nhiều trường đang làm ảnh hưởng đến nền giáo dục nước nhà. Đặc biệt, làm cho tấm bằng đại học trở nên rẻ rúng, dễ kiếm như… mớ rau.

 Hãy trả lại giá trị đích thực cho bằng cấp!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu