Thứ 6, 19/04/2024 20:59:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:39, 23/11/2019 GMT+7

Giải bài toán thiếu điện

Thứ 7, 23/11/2019 | 08:39:00 255 lượt xem
BP - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, nếu không quyết liệt thực hiện các dự án, nguy cơ thiếu điện sẽ tăng... Vì vậy, việc giải bài toán thiếu điện ở nước ta đang là vấn đề hết sức bức thiết.

Hiện nguồn năng lượng từ nhiệt, thủy điện ở nước ta đang được khai thác tối đa dẫn đến nguy cơ thiếu điện ngày càng cao. Dự báo Nam bộ sẽ thiếu hụt 3,7 tỷ kWh vào năm 2021 và tăng lên 10 tỷ kWh vào năm 2022... Nguyên nhân là do nhu cầu dùng điện ở nước ta ngày càng tăng cao. Trong khi đó, thời tiết thay đổi bất thường nên lượng nước về các hồ thủy điện thấp; nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện thiếu hụt nên sản lượng điện thấp hơn dự kiến... Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hàng loạt dự án nhằm bổ sung nguồn điện vào hệ thống điện lưới quốc gia. Theo đó, giai đoạn 2016-2030 có tổng 116 dự án điện sẽ được đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư 24 dự án với tổng công suất hơn 15,2 ngàn MW. Hiện đã có 9 dự án phát điện và 15 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Những dự án còn lại do các đơn vị ngoài ngành đầu tư như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam... Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc cách chức một số cán bộ nếu để xảy ra thiếu điện. Chính nhờ sự quyết liệt này, tình hình sản xuất và tiêu thụ điện ở nước ta thời gian qua đã ổn định, các vùng, khu vực không để xảy ra mất, cắt điện cục bộ...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc giải bài toán thiếu điện trong tương lai ở nước ta đang hết sức nan giải. Bởi ngoài các yếu tố khách quan nói trên thì hầu hết các dự án điện đang triển khai đều chậm tiến độ. Trong đó, ngành điện có 9 dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; 4 dự án do Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam đầu tư đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên và 8 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài ra, nhiều nhà máy nhiệt điện BOT với tổng công suất 24 ngàn MW cũng chậm tiến độ nên nguồn điện dự phòng ở nước ta hầu như không còn, nguy cơ thiếu điện trong những năm tới là điều rất khó tránh khỏi.

Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Bình Phước đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên địa bàn. Trong 10 tháng năm 2019, Công ty Điện lực Bình Phước đã cung cấp khoảng 1.838.485 MWh điện thương phẩm, đạt gần 87% kế hoạch tổng công ty giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của cả nước thì nguy cơ thiếu điện ở Bình Phước từ năm 2021 trở đi là điều hiện thực. Vì vậy, ngoài đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, cần tăng cường phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm điện...

Với Bình Phước, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Lộc Ninh, đồng thời khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời áp mái. Đặc biệt, với diện tích hàng trăm kilômét vuông của 3 hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và 2 hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa là thế mạnh để tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng “nhà máy điện mặt trời lòng hồ”, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu