Thứ 6, 29/03/2024 20:31:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:17, 27/07/2019 GMT+7

Giải pháp bảo vệ môi trường chăn nuôi

Thứ 7, 27/07/2019 | 08:17:00 265 lượt xem
BP - Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ dân hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại. Trong đó, phổ biến là nuôi heo và gia cầm với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con heo và 8 triệu con gia súc. Mỗi năm, nguồn chất thải từ chăn nuôi ra môi trường chiếm một khối lượng khổng lồ - khoảng 84,5 triệu tấn. Trong đó chỉ khoảng 20% được sử dụng làm khí sinh học, ủ phân bón, nuôi trùn..., còn lại 80% thải ra môi trường gây ô nhiễm.

Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT có yêu cầu quá cao so với khả năng ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, nên hầu hết các trang trại không đáp ứng yêu cầu. Do không thể đáp ứng quy định xả thải nên ở nhiều nơi, việc áp dụng biện pháp xử lý môi trường của các trang trại chỉ mang tính đối phó. Mặt khác, vẫn còn tâm lý ưu tiên phát triển kinh tế, giảm nhẹ yếu tố môi trường ở nhiều cấp chính quyền, địa phương nên việc quản lý và xử lý môi trường chăn nuôi còn nặng tính hình thức.

Nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi Bình Phước được quan tâm đầu tư theo hướng công nghệ cao, nên mức tăng trưởng ngày càng nhanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 350 trang trại gia súc, gia cầm, trong đó có 263 trang trại nuôi heo với tổng đàn trên 500 ngàn con và 84 trang trại nuôi gia cầm với tổng đàn trên 3,3 triệu con và hơn 2,5 triệu con gia cầm nuôi trong nông hộ. Trong khi đó, ở Bình Phước không có nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ, chế biến; đặc biệt, sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít và chưa bền vững, một số nơi chăn nuôi đang phát triển “nóng”... nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh và ô nhiễm môi trường cao.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh tình trạng nhiều trang trại chăn nuôi trong tỉnh xả chất thải trực tiếp ra môi trường, thậm chí vứt xác heo ra sông, suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, gây bức xúc dư luận. Kế đến là bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh ở một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ liên tục phát sinh thời gian gần đây. Đặc biệt, do kiểm soát không tốt nên dịch tả heo châu Phi lây lan ra nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chăn nuôi. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 3.469 con heo với tổng trọng lượng 197.529kg của 184 hộ chăn nuôi tại 30 phường, xã, thị trấn thuộc 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2020. Theo đó, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải có trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi ở dạng rắn, lỏng, khí. Các trang trại quy mô lớn buộc phải áp dụng công nghệ cao để xử lý chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ khí thải tới chất thải lỏng, chất thải rắn... sau đó mới được phép xả ra môi trường. Luật còn quy định mật độ chăn nuôi, sản lượng chất thải tính trên số lượng vật nuôi cũng như dựa trên diện tích đất nông nghiệp cho từng vùng sinh thái. Nếu số lượng vượt quá mật độ cho phép sẽ không được nuôi nữa mà buộc phải giảm cho đúng quy định. Ngoài những quy định cụ thể, chặt chẽ, luật còn gắn liền với mức xử phạt nghiêm khắc. Hy vọng, luật sẽ mang lại những thay đổi tích cực đối với việc cải thiện môi trường trong ngành chăn nuôi.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu