Thứ 6, 29/03/2024 22:27:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:32, 08/05/2020 GMT+7

Gian nan bảo vệ  “lộc rừng” - Bài cuối

Thùy Hương
Thứ 6, 08/05/2020 | 06:32:00 981 lượt xem
BPO - Do kiếm được tiền triệu mỗi ngày nên mặc dù được ngành chức năng tuyên truyền vận động nhưng nhiều người vẫn vào rừng khai thác ươi trái phép. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện “ươi tặc” mang cả cưa máy vào rừng cưa hạ cây ươi để lấy trái.

NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG NGĂN CHẶN “ƯƠI TẶC”

Cây ươi thường ra trái nhiều hơn vào những năm nhuận. Do đó, vào đầu những năm này, Chi cục Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, đồng thời bố trí lực lượng để ngăn chặn người dân vào rừng lấy ươi trái phép. Tuy nhiên, do nguồn lợi cao cộng với thời điểm “ươi bay” cũng là lúc nông nhàn nên người dân bằng nhiều cách khác nhau đã vào rừng lấy ươi bay, thậm chí cắt hạ cây để lấy trái ươi.

Theo báo cáo của các đơn vị bảo vệ rừng, năm nay cây ươi được mùa. Nhận định trước tình hình, các đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn người dân xâm nhập lâm phần để khai thác trái ươi. Tuy nhiên, tại một số khu vực rừng trên địa bàn tỉnh nguy cơ xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi để thu hái trái là rất cao.

ĐI TỪNG NGÕ, GÕ TỪNG NHÀ

Ông Trần Quốc Hùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để kịp thời ngăn chặn tình trạng chặt hạ cây ươi thu hái trái, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và yêu cầu hạt kiểm lâm các huyện, thị xã; Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt bảo vệ rừng 24/24 giờ nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vào rừng thu hái hoặc khai thác ươi trái phép. Tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở những đối tượng thường xuyên qua lại trong rừng, các hộ dân sống gần rừng về việc nghiêm cấm hành vi khai thác ươi trái phép. Phối hợp với lực lượng biên phòng lập các chốt để kiểm tra, ngăn chặn người qua lại khu vực biên giới để vào rừng nhằm mục đích khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản ngoài gỗ, trong đó có hạt ươi trái pháp luật.

Lực lượng Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng cùng tổ nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra bảo vệ cây ươi tại vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, xử lý các vụ khai thác ươi trái phép theo đúng quy định pháp luật. Đội kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng cũng tăng cường kiểm tra các tụ điểm tập kết, mua bán trái phép gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh. Tích cực phối hợp các hạt kiểm lâm kiểm soát, xử lý hành vi khai thác, vận chuyển trái ươi trái phép. Đồng thời, chỉ đạo Đội trưởng Đội cơ động liên ngành bảo vệ rừng của tỉnh xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán ươi trái phép trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần đó, hạt kiểm lâm các huyện, thị xã đã tham mưu UBND cấp huyện, thị xã  chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, chủ động phát hiện các đối tượng từ nơi khác đến thuê nhà, tạm trú, lưu trú để thu mua trái ươi, nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hạt ươi trái phép. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp gồm các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, chủ rừng và UBND cấp xã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán hạt ươi trái phép.

Cây ươi thuộc loài gỗ thông thường nhóm VII. Trái ươi là sản phẩm của thực vật rừng thông thường, không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm. Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác, chặt hạ cây ươi để lấy hạt (trái, quả ươi) không tuân thủ các quy định là hành vi khai thác rừng trái pháp luật được quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại việc khai thác trái pháp luật trái ươi bị xử phạt mức thấp nhất là 500.000 đồng, mức cao nhất là 100 triệu đồng; bị tịch thu tang vật, công cụ, phương tiện thô sơ...

Ông Lê Hùng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng cho biết: Để thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác, chặt hạ cây ươi trái phép thì nhiệm vụ trước mắt là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng còn phối hợp các lực lượng liên quan rà soát số lượng cây ươi để khoanh vùng và tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra tại khu vực khi mùa ươi đến. Tuy nhiên, diện tích rừng rộng, đường ranh giáp với lô cao su nên việc ngăn cấm người dân vào rừng rất khó. Vì thấy lợi nhuận trước mắt, người dân sẽ lén lút vào rừng lấy ươi. Do đó, quản lý, bảo vệ rừng không để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi đã là thành công.

Phần lớn người dân vào rừng lấy ươi là các hộ đồng bào sinh sống gần bìa rừng nên lực lượng kiểm lâm địa bàn, ban quản lý rừng và các hộ nhận khoán đã đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động không vào rừng lấy ươi. Trong đó, xem cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng là lực lượng nòng cốt tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số chung tay bảo vệ rừng. Các chốt bảo vệ rừng chốt chặn 24/24 giờ để nhắc nhở, nghiêm cấm những đối tượng thường xuyên qua lại trong rừng khai thác ươi trái phép.

“Ươi tặc” vẫn mang  cưa máy vào rừng

Mặc dù được các ngành chức năng tuyên truyền vận động không vào rừng khai thác ươi trái phép, tuy nhiên vì nguồn lợi trước mắt nên nhiều người dân vẫn lén lút vào rừng lấy trái ươi. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện “ươi tặc” mang cưa máy vào rừng cưa hạ cây ươi để lấy trái. Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển, khai thác ươi trái phép (2 vụ khai thác và 2 vụ vận chuyển).

Tại vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên (khu vực xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) người dân thu lượm trái trên những cành ươi đã được cắt xuống

Các vụ khai thác lâm sản trái phép, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo xử lý nghiêm và những đơn vị để mất cây rừng cũng quy trách nhiệm cụ thể để xử lý. Hiện các vụ khai thác vận chuyển ươi trái phép đang được hạt kiểm lâm các huyện điều tra, xác minh hồ sơ để xử lý theo quy định. Riêng trường hợp để mất 1 cây ươi mà không phát hiện thủ phạm, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã kiểm điểm tập thể, cá nhân Trạm kiểm lâm ngã ba biên giới.

Tại huyện Bù Đốp, trong tháng 4-2020, Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp đã phối hợp Đồn biên phòng Phước Thiện và Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp tuần tra phát hiện 1 vụ khai thác ươi trái phép tại Tiểu khu 61, làm thiệt hại 3 cây ươi. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 4 đối tượng và thu giữ 1 máy cưa xăng, 1 dao rựa và 30kg trái ươi. Tại huyện Bù Gia Mập, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng vừa phát hiện 1 vụ khai thác ươi xảy ra tại Tiểu khu 27, làm thiệt hại 1 cây ươi có đường kính trung bình 27cm, chiều dài đến điểm phân cành khoảng 17,5m (ước khối lượng khoảng 1,001m3 gỗ), không biết được thủ phạm.

Ông Trần Quốc Hùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để khai thác hiệu quả các loại lâm sản ngoài gỗ, góp phần bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập người dân, chúng tôi đang nghiên cứu các phương án. Chúng tôi đã đề nghị Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cung cấp kết quả việc thực hiện thí điểm chia sẻ lợi ích từ việc bảo vệ, sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ (cây ươi) tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định hoặc Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên - Huế... để xem xét. Từ đánh giá tác động, hiệu quả của phương án, chúng tôi nghiên cứu và tham mưu UBND tỉnh đưa ra phương án bảo vệ, nhặt và sử dụng bền vững trái ươi tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập và một số khu rừng khác.

  • Từ khóa
94711

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu