Thứ 7, 27/04/2024 07:24:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 22/05/2020 GMT+7

Gỡ vướng cho điện áp mái

Lâm Phương
Thứ 6, 22/05/2020 | 08:25:00 533 lượt xem
BPO - Bình Phước có tiềm năng phát triển điện mặt trời, do số giờ nắng trung bình từ 2.400-2.500 giờ/năm và là một trong những địa phương có mức độ bức xạ nhiệt cao. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái - nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường.

Ngoài những ưu điểm vượt trội, như không tốn diện tích đất, giúp chống nóng cho các công trình, dễ lắp đặt, dễ đấu nối vào lưới điện, giảm quá tải cho ngành điện..., điện năng lượng mặt trời áp mái còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ việc sử dụng điện áp mái. Hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn lắp đặt điện mặt trời áp mái như một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Minh chứng là số hộ dân đăng ký lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn thành phố Đồng Xoài không ngừng tăng cao. Cuối năm 2018, thành phố chỉ có vài khách hàng thì đến nay đã có 148 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 2.557kWp, sản lượng phát lên lưới 141.256kWh, vượt 151% so với kế hoạch Công ty Điện lực Bình Phước giao.

Để phát huy lợi thế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg quy định giá mua điện mặt trời áp mái cao hơn các loại hình điện mặt trời khác, cho thấy, Chính phủ quan tâm và ưu đãi phát triển điện mặt trời áp mái. Bên cạnh ưu đãi về giá mua điện, quyết định này còn quy định hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm kể từ ngày đưa hệ thống vào vận hành, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Qua đó, tạo động lực hỗ trợ điện mặt trời áp mái tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời có thời điểm vận hành phát điện và xác nhận của chỉ số công-tơ từ ngày 1-7-2019 đến 31-12-2020. Như vậy, với những dự án chưa đưa vào vận hành, muốn được hưởng mức giá ưu đãi chỉ còn hơn 7 tháng để đầu tư, lắp đặt và đưa vào vận hành. Đây là điều bất lợi đối với người dân, doanh nghiệp. Nhất là với những dự án điện mặt trời áp mái có công suất lớn lắp đặt tại các nhà xưởng, khu công nghiệp... sẽ gặp khó khăn về nguồn vốn nếu không được ưu đãi. Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dẫn đến khó tiếp cận các nguồn vốn vay; việc nhập khẩu vật tư bị ảnh hưởng do nhiều nước cung cấp thiết bị lắp đặt đang thực hiện phong tỏa biên giới... Những yếu tố nêu trên đã và đang trở thành lực cản khiến các nhà đầu tư không mặn mà với loại hình này. 

Để phát huy thế mạnh của điện mặt trời áp mái, nhất là tại các địa phương có tiềm năng, ngành điện cần hỗ trợ khách hàng bằng những việc làm cụ thể, như: Chủ động cung cấp vật tư, trang thiết bị lắp đặt; tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật; đơn giản hóa các thủ tục, kiểm tra điều kiện nối lưới, lắp đặt đồng hồ 2 chiều... và ký kết hợp đồng mua bán điện ngay khi có yêu cầu, giúp khách hàng thấy rõ những lợi ích thiết thực của loại hình này. Ngành điện cũng cần nghiên cứu, đề xuất các chương trình hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời áp mái với nhiều ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng. Đồng thời nghiên cứu, đưa việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây mới của cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách...

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu