Thứ 5, 25/04/2024 11:25:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:40, 07/06/2020 GMT+7

Hai Căn “thay áo mới”

Thanh Liêm - Đông Kiểm
Chủ nhật, 07/06/2020 | 07:40:00 1,347 lượt xem
BPO - Từ một vùng đất hoang vu được nhiều người ví von là nơi “khỉ ho cò gáy”, sau hơn 6 năm được “tiếp sức” từ nhiều phía, nay khu dân cư Hai Căn thuộc xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ổn định, ấm no.

Từ nơi “khỉ ho cò gáy” thành khu dân cư kiểu mẫu

Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao cho huyện Bù Gia Mập 279 lô đất (mỗi lô từ 350-400m2) trong tổng diện tích hơn 36 ha đất thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc để thực hiện dự án di dời và ổn định dân di cư tự do trên địa bàn huyện. Được giao đất, địa phương phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đóng quân trên địa bàn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí rồi bắt tay ngay vào xây dựng khu dân cư mới cho đồng bào S’tiêng tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn và đặt tên là Khu tái định cư 119 mà người dân trong vùng quen gọi là “khu Hai Căn”. Từ vùng đất hoang vu, xa xôi, lưa thưa vài cây rừng còn sót lại mà mọi người ví von nơi “khỉ ho cò gáy”, “điện, đường, trường, trạm” là “zero” dần được khai hoang. Song song với quá trình xây dựng, UBND xã Phú Nghĩa phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 vận động 42 hộ đồng bào S’tiêng với 200 người tại đội 6, thôn Tân Lập thuộc xã Phú Nghĩa trước đây di cư từ xã Long Hà, thị xã Phước Long (nay thuộc huyện Phú Riềng) lên năm 1997, để đến khu ở mới.

Diện mạo khu Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập hôm nay

“Các hộ này lúc đó có cuộc sống đặc biệt khó khăn. Các hộ có nhà cửa nhưng hầu hết ở dạng tạm bợ, tranh tre vách nứa, dột nát, nước uống thì lấy dưới sông hồ và chỉ một số ít hộ có đất sản xuất. Họ sống cách trung tâm xã hơn 15km, đường ra trung tâm xã thì nắng bụi, mưa lầy nên đi bộ là giải pháp tốt nhất. Đa phần họ không có nghề, không việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và làm thuê nên bữa đói, bữa no. Hầu hết người già mù chữ, còn trung niên, thanh niên mới chỉ học hết lớp 1, lớp 2, cao lắm học hết cấp 1. Trước thực trạng đó, địa phương đã quyết tâm “gom” các hộ về khu dân cư mới với kỳ vọng giúp các hộ “đổi đời”” - ông Trần Đại Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết.

Sau 1 năm vận động, 42 hộ đầu tiên đã đồng ý “chia tay” nơi ở cũ để đến với khu Hai Căn, được sống trong những căn nhà tình thương xây dựng khá khang trang, vững chắc với kinh phí từ 50-70 triệu đồng/căn, do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 hỗ trợ, trên diện tích từ 350-400m2. Kèm theo căn nhà được cấp, các hộ còn được doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng bò, tivi, quạt máy, bếp gas... phục vụ sinh hoạt.

Hành trình từ sông nước lên bờ

Thành công từ 42 hộ đồng bào S’tiêng ban đầu và bằng các nguồn hỗ trợ từ nhiều phía như: Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Quỹ “Vì người nghèo tỉnh”, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, địa phương tiếp tục mở rộng xây dựng khu Hai Căn. Huyện phối hợp Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 tiếp tục vận động những hộ dân khó khăn, nghèo, Việt kiều Campuchia về nước đến sinh sống tại khu Hai Căn. Thấy được sự quan tâm, chính sách tốt đẹp của địa phương và cuộc sống nơi ở mới hơn nơi cũ nên đồng bào đã nghe, hiểu và đồng ý 100% ra khu tái định cư mới ở. Qua công tác di dân, khu Hai Căn hiện có 119 hộ, với đủ thành phần dân tộc như: S’tiêng, Tày, Nùng, Mường, Kinh... Tổng kinh phí đầu tư khu Hai Căn đến nay đã lên đến hơn 12 tỷ đồng.

Ông Điểu Đé, 62 tuổi, người có 24 năm làm trưởng thôn, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hai Căn cho biết, sở dĩ có tên Hai Căn là xưa kia ở vùng đất này chỉ có 2 căn nhà, một của ông Điểu Đanh, sinh năm 1940 và một của ông Điểu Nam, sinh năm 1945, là cha của ông Điểu Đé. Vì có 2 căn nhà nên mọi người quen gọi là sóc Hai Căn, rồi từ đó hình thành nên thôn Hai Căn như hôm nay. Thôn Hai Căn hiện có 364 hộ dân, trong đó 4 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Riêng các hộ dân ở Khu tái định cư 119, đến nay đã có 20 hộ được vay vốn để xây dựng, sửa sang hệ thống nước, nhà vệ sinh; 17 hộ được vay vốn đầu tư sản xuất; 3 hộ vay để sửa nhà; đã có 42 hộ được cấp bò, còn 77 hộ chưa được cấp. Thôn có 2.316 ha, trong đó 116 ha rừng tự nhiên, 350 ha rừng trồng.

Ông Trần Đại Lợi cho biết thêm: “Ngoài đón 42 hộ ban đầu gặp khó khăn, thì đợt đón 30 hộ Việt kiều đến khu Hai Căn được xem là gian nan nhất. Các hộ này đều thuộc diện “đặc biệt”, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không giấy tờ và không học hành. Trước đây, họ sống ở Campuchia nhưng quá khó khăn nên đã hồi hương về Việt Nam và chọn khu vực lòng hồ (một khúc sông thuộc dòng sông Bé) ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập làm nơi tá túc, đánh bắt nguồn lợi thủy sản bán kiếm tiền sống qua ngày. Lúc đầu, các cán bộ đến vận động lên bờ sống, họ không tin vì cho rằng khó có thể thích nghi với cuộc sống trên bờ, lên bờ rồi làm gì để sống, nhiều hộ còn tiếc nuối vì sống lênh đênh trên mặt hồ có nghèo nhưng lại tự do, không gò bó... Qua nhiều lần giải thích, các hộ đã đồng ý lên bờ. Sau hơn 2 năm đến khu Hai Căn sinh sống, cuộc sống nhiều hộ giờ đã ổn định, có việc làm trong các công ty, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 cũng như các doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện và có thu nhập đủ trang trải cuộc sống”.

“Đổi đời”

Bà Huỳnh Thị Vân (64 tuổi) và con trai Huỳnh Công Phúc (40 tuổi) từ Campuchia trở về Việt Nam không nhà cửa, đất đai, cuộc sống nay đây mai đó, công việc không ổn định, bữa đói bữa no, nay được cấp nhà đất tái định cư đã ổn định cuộc sống ở khu Hai Căn. “Vì lớn tuổi không đi làm công ty được nên tôi lấy điều về bóc vỏ lụa, còn con tôi đi phụ hồ, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, không như trước đây khó khăn triền miên” - bà Vân nói. Tương tự, gia đình chị Điểu Thị Mai cũng được địa phương cấp nhà, đất ở khu Hai Căn. Đến đây một thời gian nay gia đình đã thoát nghèo. Hằng ngày, chị cùng con gái Điểu Thị Hằng (13 tuổi) đi lấy hạt điều về nhà bóc vỏ lụa, còn chồng đi làm thuê cũng có thu nhập ổn định.

Gia đình chị Thị Đúp trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo “không chốn nương thân”. Chị Đúp kể: “Trước đây, ông xã tôi bị bệnh nặng. Nhà có gì đáng giá cũng phải bán hết để chữa bệnh, nhưng tốn bao nhiêu tiền rồi ổng cũng mất. Cách nay 3 năm, các cán bộ đưa 3 mẹ con về đây cấp nhà, cấp đất rồi hỗ trợ nhiều thứ nữa, hồi tết rồi hỗ trợ thêm 2 con bò. Giờ tôi vừa nuôi bò vừa đi làm thuê nuôi 2 con ăn học, đứa lớn học lớp 8, đứa nhỏ lớp 4. Các con đi học không tốn tiền, hằng tháng Nhà nước còn hỗ trợ mỗi đứa 100 ngàn đồng. Tôi nói các con phải siêng học để sau này có việc làm ổn định”. 

Chị Thị Đúp chăm sóc 2 con bò được tặng

Cách nhà chị Thị Đúp không xa, gia đình anh Nguyễn Chí Linh và chị Nguyễn Thị Thi là điển hình trong thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Gia đình anh được “vớt” từ lòng hồ (thuộc xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) lên bờ. Sau khi được cấp nhà, đất, từ tiền tích cóp và đi vay, anh chị mở cửa hàng bán tạp hóa tại nhà phục vụ nhu cầu người dân trong thôn. Mặt khác, anh chị liên hệ với các doanh nghiệp lấy hạt điều về giao cho những lao động nhàn rỗi ở thôn bóc vỏ lụa. Công việc không chỉ mang về thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp hàng chục lao động nhàn rỗi có việc làm, tăng thu nhập.

Một trong những hộ khá giả nhất ở khu Hai Căn phải kể đến gia đình ông Điểu Tứ. Nhờ siêng năng, chí thú làm ăn, nay gia đình ông đã xây dựng được cơ ngơi bề thế. Sau khi chia tài sản cho 4 người con ra ở riêng,  ông còn 6 ha vườn, trong đó 5 ha cao su và 1 ha điều. Ngoài ra, ông còn có 0,5 ha đất trồng hoa màu vừa phục vụ gia đình vừa để bán và tặng những người khó khăn trong thôn. Thu nhập của gia đình ông Điểu Tứ mỗi năm hàng trăm triệu đồng. “Có tiền, tôi không xài phung phí mà dành dụm để mua đất, mua vườn mới có được như hôm nay” - ông Điểu Tứ nói. Ông còn đi đầu trong việc liên hệ với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 để đào tạo nghề cạo mủ cao su cho lao động trong thôn, sau đó giới thiệu vào đơn vị này và các công ty, hộ cá thể trong vùng cạo mủ.

  • Từ khóa
94721

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu