Thứ 6, 29/03/2024 06:57:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:25, 15/05/2020 GMT+7

Hồ tiêu một thời hào quang - Bài 1

Ngọc Bích - Xuân Túc
Thứ 6, 15/05/2020 | 07:25:00 1,870 lượt xem
BPO - Với lịch sử xuất hiện từ những năm 1940, Bình Phước là một trong 6 vựa tiêu lớn của cả nước, có 4 vùng trồng hồ tiêu tập trung với quy mô diện tích lớn. Nhưng hiện nay, những vùng trồng hồ tiêu lớn của tỉnh có nguy cơ bị xóa sổ như vựa tiêu Bình Long năm nào. Các vùng trồng tiêu lớn như Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập đang đứng trước “bão bệnh”, “bão giá” và nhiều nhà nông không còn khả năng cầm cự để gắn bó với cây tiêu.

MIỀN ĐẤT HỨA VÀ NHỮNG TỶ PHÚ “VÀNG ĐEN”

Từ những thập niên 1940-1970 trở đi, nhiều người di cư đi tìm miền đất hứa đến lập nghiệp ở Bình Phước chọn cây hồ tiêu để phát triển kinh tế. Điều này khiến Bình Phước trở thành thủ phủ hồ tiêu nổi tiếng thế giới và trong danh sách 5 vùng trồng tiêu lớn nhất của cả nước, gồm: Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Tây Nguyên. Gắn với Bình Phước gần 1 thế kỷ, hồ tiêu trải qua nhiều thăng trầm. Những giai đoạn hồ tiêu ở thời hoàng kim về diện tích và giá, đưa các nông hộ trồng tiêu trở thành tỷ phú sau một vụ mùa bội thu. Khi được “vàng đen trả ơn”, cuộc sống của những nông hộ trồng tiêu tỏa sáng như ánh hào quang.

Hiện nay, cây tiêu vừa chịu “bão bệnh”, thêm phần bị bỏ bê do nhiều hộ dân không còn khả năng chăm sóc. Một “án tử” đã được báo trước, thậm chí cây tiêu đang bị “bức tử”. Ở những vựa tiêu có lịch sử lâu đời như Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long, Bù Gia Mập..., người dân đang tự tay bứt đi những dây tiêu, dỡ bỏ trụ tiêu để thay thế cây trồng mới. Có mặt ở những vườn tiêu đó, chúng tôi cảm nhận được vị cay nồng của xác tiêu, vị mặn mồ hôi và nước mắt của người nông dân quyện vào nhau. Vòng đời cây tiêu miễn cưỡng bị khép lại, cuộc đời của những nông dân trồng tiêu như đứng giữa ngã ba đường với bài ca đến hẹn lại lên “trồng cây gì?”.

“Héo theo dây tiêu”

Nhiều người trồng tiêu lâu năm trên vùng đất Bình Long đã “héo theo dây tiêu”. Ông Nguyễn Văn Đô ở phường An Lộc, thị xã Bình Long cũng ở thế cầm cự gắn bó cây tiêu. Gắn bó với cây tiêu hơn 20 năm, ông Đô nắm rõ đồ thị biến thiên của cây tiêu.

Ông Phương Công Ký, tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây sachi và đang cho thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra

“Thủ phủ hồ tiêu của Bình Long là xã Thanh Phú. Trước đây, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú có khoảng 200 hộ, tất cả đều trồng tiêu. Riêng tổ 5, ấp Thanh Sơn có hơn 20 hộ, thì giờ chỉ còn 6 hộ trồng ít tiêu xen kẽ với các cây khác. Hồ tiêu bây giờ không còn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế mà chỉ còn vài trụ làm cây gia vị cho gia đình sử dụng”.
Ông Phương Công Ký,
tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long

Năm 1999, ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”, diện tích tiêu trên địa bàn thị xã Bình Long giảm đi rất nhiều. Trải qua nhiều lần bị sâu bệnh tấn công, rớt giá vào những năm 1999-2004, từ năm 2007-2009 giá tiêu nhích lên, nhưng năm 2017 đến nay giá tiêu giảm sâu, đồng thời bị dịch bệnh tấn công. Đến năm 2019, diện tích hồ tiêu trên địa bàn thị xã Bình Long chỉ còn 1.190 ha. Riêng xã Thanh Phú năm 2015 có 274,5 ha, đến nay còn 210 ha.

Tiêu chết, nhiều nông hộ trồng tiêu đã thay đổi cơ cấu cây trồng. Nhưng do một số hộ có diện tích ít và vì tình yêu với cây tiêu nên vẫn chung thủy với loại cây này. Sức khỏe, tiền của, thời gian có được đều dành cho hồ tiêu nhưng với thực tế hiện nay nguy cơ khả năng “ngả về 0” của nông dân trồng tiêu rất lớn.

“LÒ XAY” TỶ PHÚ

Từ những thập niên 1940-1970, diện tích hồ tiêu của 6 tỉnh thuộc miền Trung và Nam bộ, gồm: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai khoảng 400 ha... Nhưng năm 1997, riêng tỉnh Bình Phước có 13.500 ha; năm 2003 trên 14.000 ha và năm 2005 giảm còn khoảng 10.000 ha. Đến năm 2017-2018, diện tích hồ tiêu ở Bình Phước đạt tới 17.178 ha, vượt xa quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 6.987 ha. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, diện tích hồ tiêu Bình Phước ổn định ở mức đến năm 2020 là 14.500 ha. Diện tích trồng hồ tiêu trung bình/hộ khoảng 0,5-1 ha, nhiều hộ có diện tích trồng hồ tiêu đạt 2-3 ha và cá biệt cũng có hộ lên đến vài chục héc ta.

Năm 2017, nông dân trồng tiêu ở xã Tân Tiến huyện Bù Đốp hồ hởi vì tiêu cho năng suất, sản lượng cao

Gạt đi những giọt mồ hôi hòa lẫn vào vị mặn của nước mắt, chị Lê Thị Chọn ở ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho biết: Rời Thanh Hóa vào Bù Đốp lập nghiệp từ năm 1989, 3 chị em tôi trồng 5 ha tiêu liền khoảnh nhau cho dễ chăm sóc. Riêng tôi, đang nợ ngân hàng 530 triệu đồng - tiền vay đầu tư cứu vườn tiêu bị bệnh năm 2018. Giờ gia đình khánh kiệt không có tiền để chăm sóc nữa, chỉ tưới nước cầm chừng, nhìn tiêu chết dần từng ngày nhưng bất lực. Nếu biết không thể cứu được vườn tiêu, tôi không “đốt tiền” như vậy. Giờ chỉ có nước bán vườn mới trả được nợ.

Từ năm 2016 trở lại đây, giá hồ tiêu có xu hướng giảm nhiều nên diện tích ổn định và giảm nhẹ, cụ thể: Năm 2016, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh 16.452 ha, năm 2018 là 17.178 ha. Hiện nay, diện tích tiêu trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Lộc Ninh 4.743 ha, chiếm 27,6% toàn tỉnh; Bù Đốp 4.489 ha, chiếm 26,1%; Bù Gia Mập 1.983 ha, chiếm 11,6%; Hớn Quản 2.006 ha, chiếm 11,8%; thị xã Bình Long 1.190 ha, chiếm 6,9%; diện tích còn lại khoảng 2.392 ha trồng không tập trung trên một số huyện, thị xã còn lại.

Ông Đào Nguyên Ba, Trưởng ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho biết: Ấp 6 có diện tích đất nông nghiệp 147 ha. Trước đây, diện tích cây tiêu khoảng 80 ha, nhưng nay người dân chuyển đổi sang các loại cây ăn trái khác, cây tiêu chỉ còn 35 ha. Do ảnh hưởng tiêu chết, ấp có 30 hộ bỏ vườn chuyển sang đi làm công nhân, chưa tính các hộ bỏ đi làm ăn xa. Thời điểm tiêu giá cao, trong ấp có nhiều tỷ phú mang tiền sang Đắk Nông mua đất đầu tư trồng tiêu. Giờ tiêu chết lại rớt giá, nhiều hộ treo bảng bán vườn nhưng không ai mua.

Cây tiêu góp phần đưa Bình Phước nổi tiếng trên thế giới vì sản lượng tiêu cung cấp cho thị trường hằng năm. Đi cùng sự nổi tiếng ấy, Bình Phước là lò sản sinh ra nhiều tỷ phú “vàng đen”. Nhưng vào giai đoạn cây tiêu hết thời vàng son, những tỷ phú ngày nào đã trở nên trắng tay. Vì nhiều năm liền họ chỉ mải miết “đốt tiền” vào chăm sóc, mở rộng diện tích vườn tiêu và đầu tư nhiều kênh khác, trong khi nguồn thu chỉ bám vào mỗi “vàng đen”. Khi cây tiêu thất thế là lúc nhiều tỷ phú cũng bị xoay vần rơi vào thất thế.

  • Từ khóa
94713

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu