Thứ 6, 29/03/2024 20:36:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:36, 14/10/2020 GMT+7

Hướng tới kho bạc số

Ngọc Bích 
Thứ 4, 14/10/2020 | 09:36:00 959 lượt xem
BPO - Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Phước đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn. Điều này góp phần quan trọng vào hoạt động cải cách hành chính của ngành tài chính cũng như hướng tới hình thành ngành kho bạc số trong hệ thống KBNN của tỉnh. Theo đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2019 khối Tổng cục tại Quyết định số 1302/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, KBNN đứng vị trí thứ 2 về chỉ số theo dõi, với điểm thẩm định 96,5/100.

Chị Phan Thị Cẩm Nhung (trái), nhân viên kế toán hướng dẫn khách hàng sử dụng các giao dịch trực tuyến với Kho bạc Nhà nước Bình Phước 

99% hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công

Trong quý 3/2020, KBNN Bình Phước triển khai ứng dụng dịch vụ trực tuyến tới các đơn vị sử dụng NSNN, đối với cấp tỉnh đã đạt 100%, bình quân số lượng hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công đạt trên 99%; cấp huyện đạt 100%, khối lượng hồ sơ giao dịch qua dịch vụ công bình quân đạt trên 95%.

Ông Phạm Văn Tuyển, Trưởng phòng Kiểm soát chi KBNN Bình Phước cho biết: Phòng Kiểm soát chi được giao nhiệm vụ kiểm soát các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định tại Luật Đầu tư công. Đối với hồ sơ thanh toán của các đơn vị sử dụng ngân sách gửi sang đều được chuyển lên dịch vụ công quốc gia ở mức độ 4. Theo đó, kho bạc thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định. 

Thời gian qua, ngành KBNN Bình Phước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ. Trong đó, trọng tâm là cải cách quy trình thủ tục hành chính về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch.  

Với việc triển khai thành công ứng dụng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), trong đó, hệ thống TABMIS đóng vai trò trung tâm kết nối với một số hệ thống liên quan - cơ sở dữ liệu thu - chi NSNN; để cung cấp thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời cho các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình quản lý điều hành. 

Ông Đặng Minh Dương, Trưởng phòng Kế toán nhà nước KBNN Bình Phước cho biết: Hiện KBNN Bình Phước triển khai đồng bộ ứng dụng các hệ thống: Thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại và thanh toán liên ngân hàng với ngân hàng nhà nước; thanh toán song phương điện tử và phối hợp với thu ngân sách điện tử với các ngân hàng thương mại theo mô hình tài khoản và kỹ thuật tập trung. Đây là bước tiến lớn trong công tác quản lý quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thời gian thực hiện giao dịch thu nộp NSNN và hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN.

Vừa nhanh vừa chính xác

Tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, hiện KBNN Bình Phước đã tích hợp thành công 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ông Đặng Minh Dương cho biết thêm: Với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ, đơn vị đã thực hiện: Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua kho bạc; thực hiện giao dịch “một cửa, một giao dịch viên”; đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi; trao đổi thông tin, dữ liệu và các giao dịch thực hiện trên nền tảng điện tử. Đã rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi ngân sách tại đơn vị trực thuộc kho bạc từ 7 ngày còn từ 1-3 ngày làm việc mà vẫn đảm bảo an toàn tiền và tài sản cho khách hàng.

Hiện đã có 92% giao dịch thu NSNN được thực hiện bằng hình thức điện tử liên thông ngân hàng - kho bạc - thuế - hải quan; chỉ còn 8% số lượng giao dịch thu ngân sách thực hiện thủ công chủ yếu liên quan đến thu phạt, lệ phí hành chính.

Ông Đặng Minh Dương, Trưởng phòng Kế toán nhà nước Kho bạc Nhà nước Bình Phước

Anh Đỗ Văn Nam, cán bộ Công ty Điện lực Bình Phước cho biết: Hiện các giao dịch liên quan đến KBNN Bình Phước đều được thực hiện qua nền tảng điện tử thông qua dịch vụ công của tỉnh hoặc dịch vụ công quốc gia giúp tiện hơn trước rất nhiều. Trước đây chưa có cổng thông tin điện tử này, khi thực hiện các giao dịch phải đến trực tiếp kho bạc và thực hiện nhiều thủ tục.

Không còn cảnh doanh nghiệp, người dân xếp hàng chờ xử lý thủ tục như trước, không gian làm việc của Phòng Kiểm soát chi cũng thông thoáng hơn, cán bộ làm việc không cảm thấy áp lực vì sự chờ đợi của khách hàng. Ông Phạm Văn Tuyển, Trưởng phòng Kiểm soát chi cho biết thêm: Dịch vụ công mang lại rất nhiều lợi ích, các đơn vị sử dụng ngân sách biết được hồ sơ của mình đang ở giai đoạn nào trong xử lý của kho bạc. Áp dụng dịch vụ công thì tốc độ thanh toán nhanh, chính xác. Những dữ liệu đầu vào do đơn vị sử dụng ngân sách thiết lập, kho bạc căn cứ vào giao diện các chương trình thanh toán. Thời gian thanh toán rút ngắn xử lý chứng từ trong ngày làm việc”.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chữ ký số đã tăng cường tính bảo mật, giúp khách hàng cũng như KBNN Bình Phước có thể giám sát quá trình xử lý hồ sơ và kiểm soát chi NSNN, nâng cao trách nhiệm và minh bạch trong công tác kiểm soát chi NSNN và giao dịch với khách hàng. Quy trình giao dịch điện tử này đã góp phần tích cực giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong giao dịch với hệ thống KBNN. Với thành quả đạt được sẽ là nền tảng để ngành KBNN Bình Phước thực hiện mục tiêu xây dựng ngành kho bạc số, giai đoạn 2021-2030.                              

  • Từ khóa
64660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu