Thứ 7, 20/04/2024 16:41:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:16, 10/08/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN BÌNH PHƯỚC (29-6) VÀ NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN 10-8

Cần lắm mái nhà chung cho nạn nhân chất độc da cam

Thứ 2, 10/08/2015 | 10:16:00 203 lượt xem

NỖI ĐAU THỜI HẬU CHIẾN

BP - Rời chiến trường, ông Trần Văn Anh, người lính của Sư đoàn B3, đóng quân ở cầu Mười Tấn, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) ấp ủ về một gia đình hạnh phúc, luôn rộn rã tiếng cười con trẻ. Hạnh phúc đã mỉm cười khi hai người con trai của ông lần lượt ra đời. Mong muốn “có nếp có tẻ”, ông bà sinh thêm người con Trần Thị Tuyết Ngân (1991) và cuộc sống gia đình bắt đầu thay đổi khi Ngân ra đời.

“Lúc mới sinh ra, Ngân lành lặn bình thường, nhưng không nhìn thấy ánh đèn. Gần 3 tuổi vẫn chưa biết đi... Vì con, gia đình tôi bôn ba khắp nơi mong chữa lành cho con. Khi được bác sĩ người Pháp điều trị và báo cho gia đình tôi là cháu bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, tôi chưa hiểu hết sự đáng sợ của căn bệnh này và không hình dung được cuộc đời con tôi lại khổ như bây giờ. Không biết nước mắt vợ tôi đã rơi bao nhiêu lần mỗi khi chứng kiến cảnh con lên cơn, đập phá đồ đạc, xé nát áo quần... Nhìn con hành động một cách vô thức mà lòng tôi đau như dao cắt. Chúng tôi cố gắng làm lụng để có điều kiện chữa bệnh cho con, nhưng có tiền mà vẫn bất lực. Giờ tôi đã già, mong có cháu bồng bế nhưng đứa con trai đầu lấy vợ đã 4 năm vẫn chưa có con, nỗi đau để lại sau chiến tranh đang đè nén lên cuộc đời các con tôi” - ông Anh buồn bã nói.

Ông Đặng Hồng Hiến thăm em Trần Thị Tuyết Ngân đã 25 tuổi nhưng vẫn ngờ nghệch như trẻ lên 5

AI SẼ LO CHO CON KHI CHÚNG TÔI CHẾT?

Bà Hoàng Thị Tâm ở khu phố 9, phường Long Phước  (Phước Long) vì chữa chạy cho con Hoàng Văn Hưng (33 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam mà rơi vào cảnh “được bữa nay lo bữa mai”. Đến nhà bà khi mặt trời xế bóng, hình ảnh anh Hưng tay chân co quắp đang nằm lăn trên nền nhà mà lòng tôi thắt lại. Thấy chúng tôi đến, anh cười ngặt nghẽo, ú ớ vài câu trong cổ họng. Theo bà “phiên dịch” là anh hỏi chúng tôi có khỏe không? “Đây là câu mà bất cứ người lạ hay quen khi đến nhà nó đều nói như thế” - bà Tâm cho biết.

Chồng mất đã lâu, một mình bà gồng gánh nuôi 4 người con, khó khăn cứ nối tiếp nhau vây lấy cuộc đời bà. 3 người con lành lặn đã lập gia đình riêng nhưng hoàn cảnh khó khăn không giúp được gì nên một mình bà tuổi già, sức yếu phải chăm sóc người con tật nguyền. Mọi chi phí sinh hoạt của hai mẹ con dựa vào số tiền hỗ trợ của Nhà nước (gần 2 triệu đồng/tháng). Khổ quá nên có lúc bà nghĩ quẩn nói: “Mong sao tôi chết sau nó, nếu không ai sẽ chăm sóc nó”. Ánh mắt bà nhìn anh Hưng, chúng tôi như thấy được hàng ngàn mũi kim đang đâm vào lòng người mẹ.

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

5 năm qua, Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Phước Long đã đưa 229 cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ đi khám, kiểm tra mức độ nhiễm chất độc da cam và phát hiện được 10 trường hợp bị nặng. Hiện hội có 559 hội viên, trong đó có 40 nạn nhân. Từ đầu năm đến nay, hội đã tổ chức 3 đợt trao quà cho các NNCĐDC với 187 phần, trị giá khoảng 56 triệu đồng.

Cùng nỗi lo như ông Anh, bà Tâm cho biết: “Tôi chỉ mong có một trung tâm dành cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin. Đối tượng là NNCĐDC sẽ được tập trung về và có chế độ chăm sóc, điều trị riêng để khi chúng tôi qua đời còn có người chăm sóc các con. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ riêng cho những người đang phải chăm lo cho các NNCĐDC, như bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng... Không chỉ những gia đình có người thân bị nhiễm chất độc da cam mới lo lắng mà người làm công tác cho NNCĐDC cũng đau đáu với bộn bề nỗi lo cho phận đời của những đứa con bị ảnh hưởng bởi di chứng sau chiến tranh. Ông Đặng Hồng Hiến, Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thị xã Phước Long cho biết: “Khi tiếp xúc hay những lúc nghĩ về đồng đội, các cháu bị nhiễm chất độc da cam tôi thấy còn rất nhiều việc phải làm, như: Chế độ cho nạn nhân và người chăm sóc; ngôi nhà chung, chế độ chăm sóc khoa học cho các nạn nhân... Làm được như vậy mới có thể bù đắp một phần nào đó những thiệt thòi mà nạn nhân và người thân phải gánh chịu”. Theo ông, những lời thăm hỏi động viên hay phần quà dù lớn đến đâu cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Muốn chăm lo tốt cho NNCĐDC phải có những giải pháp lâu dài cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
52085

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu