Thứ 5, 28/03/2024 18:12:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:00, 26/02/2015 GMT+7

Một phán quyết không thấu tình đạt lý

Thứ 5, 26/02/2015 | 08:00:00 369 lượt xem
BP - Vừa qua, một số tờ báo đã phản ánh về vụ việc Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã bác đơn kiện đòi bồi thường của ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ phường 5, thành phố Bến Tre với chủ cơ sở bánh mì Minh Tuyến. Lý do mà ông Hoàng kiện đòi bồi thường đối với cơ sở bánh mì Minh Tuyến là vì ông đã bị ngộ độc sau khi mua và ăn bánh mì của cơ sở này. Việc bác đơn của tòa án đã làm không ít người dân và các chuyên gia pháp luật thất vọng.

Theo đó, căn cứ chính để tòa đưa ra kết luận trên là vì ông Hoàng không xuất trình được các chứng cứ chứng minh ông đã ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến. Thế nhưng, căn cứ trên rất khiên cưỡng bởi trước đó, Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã có kết luận chính bánh mì của cơ sở này gây ra vụ ngộ độc cho 173 người, trong đó có ông Hoàng. Xét về góc độ pháp lý, việc mua thực phẩm tại các hàng quán vỉa hè, không có nhãn hiệu thì theo quy định tại Điều 401 của Bộ luật dân sự, hành vi mua bán này được xác định là hợp đồng đã được giao kết bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Đồng thời, hợp đồng này cũng đã mặc nhiên đi kèm với những điều kiện ràng buộc về quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ. Nếu có những thiệt hại xảy ra (ngộ độc thực phẩm) thì chủ cơ sở sản xuất thực phẩm phải có nghĩa vụ đền bù thiệt hại cho khách hàng. Mối quan hệ nhân quả giữa thức ăn và sự ngộ độc là mắt xích quan trọng mang tính quyết định khi xử lý các vụ việc loại này trong truy cứu trách nhiệm nếu có sự việc xảy ra.

Hơn nữa, yêu cầu của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre về hóa đơn, chứng từ mua hàng là làm khó người tiêu dùng. Thực tế, những mặt hàng thực phẩm buôn bán nhỏ, lẻ làm sao cung cấp chứng từ cho khách hàng(?) Người tiêu dùng có thể kháng cáo và sử dụng các chứng cứ gián tiếp để chứng minh mình có sử dụng thực phẩm của cơ sở Minh Tuyến và bị ngộ độc như người làm chứng, hóa đơn điều trị ở bệnh viện...

Lâu nay, nhiều người vẫn lầm tưởng những vụ án liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm chủ yếu là xử lý dân sự. Nhưng với trường hợp khách hàng bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong thì người bán thực phẩm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 244, Bộ luật hình sự. Và theo quy định tại điều này thì: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại về tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.

Bên cạnh đó, tại Điều 11, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rất rõ: Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào những quy định trên đây của pháp luật về vấn đề này, nếu ông Nguyễn Văn Hoàng chết vì bị ngộ độc do ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ cơ sở này theo Điều 98 của Bộ luật hình sự về tội “Vô ý làm chết người”, chứ không thể bác đơn kiện của ông Nguyễn Văn Hoàng.

Hải An

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu