Thứ 6, 19/04/2024 05:14:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:19, 23/01/2020 GMT+7

Khát vọng về một thương hiệu

Phương Hà
Thứ 5, 23/01/2020 | 16:19:00 618 lượt xem
BPO - Mùa xuân này về xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, niềm vui tràn ngập khi đi giữa hương thơm lúa kiến vàng, katanot vừa được hồi sinh chín vàng dưới nắng sớm. Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh vui vẻ: “Tìm về cội nguồn để phục hồi sản xuất các giống lúa đặc sản của địa phương đã mai một, Lộc Khánh giữ vững cái nôi văn hóa Khơme Đông Nam bộ và cũng là hướng đi thực hiện Nghị quyết Đảng bộ xã về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, xóa nghèo bền vững... Xây dựng thương hiệu đặc sản gạo truyền thống kiến vàng, katanot là khát vọng của người Khơme ở Lộc Khánh trong mùa xuân Canh Tý 2020”.

HÀNH TRÌNH tìm kiếm,  PHỤC HỒI GIỐNG LÚA TRUYỀN THỐNG

Tháng chạp, cùng Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Chà Đôn và là người trồng lúa giỏi nhất xã Lộc Khánh Lâm Khên, chúng tôi ra cánh đồng lúa Ngô Lư lâu đời của người Khơme. Giữa cánh đồng, 2 giống lúa địa phương là kiến vàng, katanot vừa được phục hồi gieo thử trên diện tích khoảng 3 sào. Thời điểm này vụ đông xuân, lúa ngắn ngày đang trổ đòng thơm ngào ngạt. Ông Khên phấn khởi nói: Gia đình vừa thu hoạch xong 1 sào lúa kiến vàng năng suất đạt khoảng 5 tạ. Giống katanot khoảng 1 tuần nữa sẽ cắt, dự kiến năng suất cũng ngang với kiến vàng. Kỹ thuật gieo sạ 2 giống lúa này cũng giống các giống lúa ngắn ngày nhưng không phải sử dụng nhiều phân bón như giống lúa mới và thời gian dài hơn 1 tháng rưỡi (mùa vụ 4 tháng). Như vậy, năng suất lúa truyền thống có thể thấp hơn lúa ngắn ngày nhưng chi phí đầu tư thấp hơn nhiều. Điều đáng nói giá bán lúa truyền thống cao hơn gấp 3 lần so với giống mới ngắn ngày. Tuy chưa có lúa thương phẩm nhưng đã có nhiều người muốn đặt mua với giá 15.000 đồng/kg để ăn tết. 

Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Chà Đôn (xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) Lâm Khên với niềm vui tìm lại giống lúa katanot trên cánh đồng Ngô Lư

Ông Khên kể, trước năm 1998 (năm chia lại địa giới hành chính xã Lộc Khánh - Lộc Điền và một phần xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh), đồng bào Khơme chủ yếu sản xuất các giống lúa địa phương như kiến vàng, katanot và một số giống khác. Sau đó, một phần diện tích ruộng của xã được Nhà nước đầu tư thủy lợi nội đồng để sản xuất lúa 3 vụ/năm. Theo đó, Nhà nước khuyến khích chuyển đổi sản xuất các giống lúa mới ngắn ngày cho năng suất cao hơn nhằm thực hiện một phần chương trình xóa đói giảm nghèo. Do đó, các giống lúa địa phương dần ít sử dụng trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh chia sẻ: Những thập niên cuối của thế kỷ XX, đời sống kinh tế, xã hội còn rất khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số. Do đó, đưa giống lúa mới vào thay thế lúa địa phương là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, người dân có thu nhập cao sẵn sàng chi 70-80 ngàn đồng/kg gạo đặc sản để có bữa cơm ngon hơn, an toàn hơn. Theo đó, Lộc Khánh đã xây dựng đề án phục hồi và phát triển giống lúa truyền thống có chất lượng cao như kiến vàng, katanot nhưng các giống lúa này trên địa bàn huyện không còn. Từ thông tin kết nối của người dân, xã ứng kinh phí qua nước bạn Campuchia sưu tầm tìm mua giống đã thuần chủng để nhân giống nhưng vẫn giữ được những đặc tính của lúa kiến vàng, katanot mà đồng bào Khơme ở Lộc Khánh trồng khi xưa. Thế nhưng, ở Campuchia các giống lúa này cũng đang dần mai một. Sau thời gian tìm kiếm, xã chọn lọc mua được 30kg giống lúa giao cho người trồng lúa giỏi nhất là ông Lâm Khên gieo sạ thử trên cánh đồng Ngô Lư.

gắn với du lịch cộng đồng

Gắn bó với bà con Khơme 3-4 thập niên, Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh cũng đã được ăn gạo từ các giống lúa truyền thống địa phương. Theo nhận xét của các già làng thì lúa kiến vàng, katanot rất ngon bởi cơm mềm, thơm không thua kém bất cứ gạo đặc sản của Thái Lan, Campuchia đang bán ở các siêu thị với giá trên 100 ngàn đồng/kg. Ưu điểm hơn là do đặc tính lúa mùa nên ít bị sâu bệnh, bảo đảm gạo sạch vì không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian sinh trưởng dài (mùa vụ 4 tháng), thân cây cứng nên ít bị gãy đổ. Lúa kiến vàng, katanot được đồng bào Khơme ở xã Lộc Khánh canh tác nhiều năm trước đây nên nắm rõ kỹ thuật gieo sạ.

Ông Lâm Khên vui vẻ nói, hiện gia đình ông đã thu hoạch và phơi khô được 10 bao lúa kiến vàng. Đã có nhiều người hỏi mua để dành ăn tết nhưng đây là “lúa của xã”. Chủ tịch UBND xã Trần Quang Vinh giải nghĩa: Thành công của vụ thử nghiệm đầu tiên, xã mua hết sản lượng từ ruộng ông Lâm Khên với giá 15.000 đồng/kg nhưng trừ tiền mua giống. Theo đó, xã sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả kinh tế từ các nhà chuyên môn, nếu đạt chất lượng và năng suất sẽ nhân giống. Sau đó, Lộc Khánh sẽ thành lập tổ hợp tác để trồng lúa giống ở một số cánh đồng và nhân rộng sản xuất lúa thương phẩm; đăng ký thương hiệu đặc sản gạo kiến vàng, katanot. Thông qua tổ hợp tác thu mua, đóng gói sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm xay xát bán gạo thành phẩm ở các đại lý và khu du lịch trong tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Hiện nay, Lộc Khánh có 3/6 ấp định cư lâu đời của người Khơme. Diện tích trồng lúa một vụ nhờ nước trời 128 ha, thích hợp với sản xuất lúa kiến vàng, katanot. Do đó, nếu phục hồi được 2 giống lúa này thì ruộng một vụ sẽ tăng hiệu quả kinh tế. Lộc Khánh đang xây dựng triển khai dự án du lịch cộng đồng. Nếu xây dựng được thương hiệu gạo kiến vàng, katanot trở thành gạo đặc sản sẽ góp phần đa dạng văn hóa đồng bào dân tộc Khơme Đông Nam bộ khi khách du lịch được thưởng thức hương vị của niêu cơm thơm dẻo, ngọt trong những căn nhà sàn. Đó chính là hiệu quả kinh tế, xã hội cao nhất trong việc nâng cao giá trị đất chuyên canh trồng lúa và thu nhập cho nông dân là đồng bào dân tộc Khơme.

Nếu tăng giá trị đất canh tác lúa khoảng 1 triệu đồng/sào thì hằng năm tổng thu nhập của nông dân sản xuất lúa ở Lộc Khánh là 3,34 tỷ đồng. Như vậy, khôi phục sản xuất lúa kiến vàng, katanot trở thành đặc sản thì Nhà nước không tốn kinh phí đầu tư đào tạo dạy nghề nhưng vẫn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa và giúp họ gắn bó bền vững với ruộng đồng. Từ đó góp phần giúp xã Lộc Khánh xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

  • Từ khóa
39826

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu