Thứ 5, 28/03/2024 16:58:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:55, 21/05/2020 GMT+7

Khó quản rừng giáp ranh

Lệ Quyên - Phạm Tăng
Thứ 5, 21/05/2020 | 06:55:00 747 lượt xem
BPO - Không chỉ áp lực trong phòng, chống cháy rừng, từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Nông.

Kẽ hở trong quản lý, bảo vệ rừng

Vườn quốc gia Bù Gia Mập giáp Vương quốc Campuchia và huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, với diện tích gần 26 ngàn ha. Ở đây có nhiều loại động - thực vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới. Khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Nông thuộc các tiểu khu 5, 6, 9, 14 và 22 có trữ lượng gỗ quý lớn, đặc biệt là các loại quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương... Đây chính là lý do “lâm tặc” tìm cách tiếp cận.

Cán bộ kiểm lâm và người dân bảo vệ kiểm tra hiện trạng rừng

Thời gian qua, lợi dụng rừng liền rừng, nhiều đường mòn dẫn từ rừng phía tỉnh Đắk Nông xâm nhập vào vườn quốc gia, nhiều đối tượng đã liều lĩnh vi phạm lâm luật. Cụ thể, các nhóm đối tượng thường đi xe máy theo quốc lộ 14C, rẽ vào các đường mòn thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ. Từ đó tiếp tục xâm nhập vào vườn quốc gia để khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Các công cụ, phương tiện khai thác lâm sản được các đối tượng cất giấu sẵn trong rừng, chờ cơ hội là thực hiện hành vi.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Trước tình hình phức tạp tại khu vực giáp ranh với Đắk Nông, đơn vị đã làm việc với ngành chức năng tỉnh bạn, phối hợp với chủ rừng đề ra quy chế phối hợp. Qua đó kịp thời ngăn chặn các đối tượng có ý đồ xâm phạm rừng. Hiện có 3 chốt phối hợp bảo vệ rừng được vườn quốc gia lập và chuẩn bị thêm 1 chốt mới. Các chốt này đặt trên đất của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và có sự phối hợp giữa Ban quản lý vườn với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ để đảm bảo giữ rừng tốt hơn. 

Đến nay, Vườn quốc gia Bù Gia Mập có 10 trạm kiểm lâm, 6 chốt bảo vệ rừng và hơn 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khu vực rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Nông vẫn rất phức tạp. Nguy cơ mất lâm sản rất cao nếu không có sự phối hợp hiệu quả giữa chủ rừng, các cấp, ngành chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. “Khó khăn nhất hiện nay là đối tượng lâm tặc vào khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo quy định, đơn vị phải chuyển cho kiểm lâm hoặc ngành chức năng thuộc tỉnh Đắk Nông xử lý. Vì vậy, nếu đối tượng phá rừng không bị xử lý nghiêm minh thì rất khó giáo dục, răn đe kẻ khác cũng như phòng ngừa chung” - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa trăn trở.

Thách thức với người giữ rừng

Theo quốc lộ 14C, phóng viên có mặt tại chốt phối hợp tuần tra bảo vệ rừng Dốc Cháy. Đây là một trong 3 chốt mới được Vườn quốc gia Bù Gia Mập thành lập, trên đất lâm phần thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, huyện Tuy Đức. Chốt mới hoạt động được khoảng 2 tháng với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt.

Anh Đinh Duy Thắng, Trạm phó Trạm kiểm lâm số 2 kiêm Trưởng chốt cho biết: Kể từ khi thành lập chốt, tình hình vi phạm lâm luật trong khu vực giảm hẳn. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chỉ có 4 người của vườn quốc gia và 2 người phối hợp nên nguy cơ mất cây rừng hoặc bị bẫy bắt thú rừng vẫn cao. Một số đối tượng phá rừng manh động, hung hãn và liều lĩnh. Chúng thường xuyên hù dọa lực lượng với những lời lẽ thiếu văn hóa khi bị ngăn cấm vào rừng. Chúng tôi rất áp lực, luôn phải trong tư thế sẵn sàng xử lý tình huống.

Cũng cạnh quốc lộ 14C thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, chốt phối hợp bảo vệ rừng ngã ba Bãi Đá rất khó khăn vì khu vực nằm ở trên đồi cao. Gần chốt này có một công ty đang khai thác đá, lượng xe tải ra vào khu vực nhiều nên kiểm lâm làm việc tại chốt rất áp lực. Bởi không thể quản lý được người và xe ra vào bãi đá, cũng không tránh khỏi chuyện đối tượng lợi dụng hoạt động khai thác đá để tiến sâu vào địa phận vườn quốc gia lấy cắp lâm sản.

Cùng Tổ trưởng Tổ kiểm lâm cơ động, Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập Phạm Tuấn Thực và một số kiểm lâm của vườn quốc gia đi bộ vào khu vực rừng giáp ranh với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chúng tôi mới biết, địa hình hiểm trở, nhiều đoạn dốc thẳng đứng. Nếu các đối tượng xấu đi theo nhóm mà tấn công sẽ rất nguy hiểm cho lực lượng bảo vệ rừng.

 Rừng giáp ranh vẫn chưa thể bình yên khi đối tượng xấu vẫn đêm, ngày rình rập, lợi dụng sơ hở của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để đánh cắp lâm sản và bẫy bắt thú rừng. Một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong vườn quốc gia - cánh rừng lớn nhất, nhì Đông Nam bộ nên chưa chủ động phối hợp bảo vệ tài sản quốc gia. Những người bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập mong muốn, ngành chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông ngồi lại đưa ra một quy chế mới phù hợp thực tế. Bởi theo Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa, quy chế có từ năm 2010 hiện đã lỗi thời. Ông Hòa cũng kiến nghị, cần thành lập trạm phối hợp liên ngành tại khu vực ngã ba Ngọc Biển trên quốc lộ 14C (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để quản lý tốt hơn rừng của các đơn vị trong khu vực.

  • Từ khóa
94718

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu